Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất

HT| 03/07/2020 06:00

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã", gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả "ba con ngựa kéo" này để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch bệnh của nước ta. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị quán triệt phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh. “Một tinh thần chỉ đạo kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng”, Thủ tướng cho biết.

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của nước ta. Những ngày gần đây, dịch lan rộng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra hai kịch bản: nếu đại dịch bùng phát lần hai, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm gần 8%, còn nếu tránh được dịch bùng phát lần hai thì giảm khoảng 6%.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929-1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24/6/2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh (4,9%).

Đối với trong nước, ảnh hưởng của Covid-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%. 

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, theo Thủ tướng, nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Xuất siêu 4 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá. Tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4 và  tháng 6 tăng 10,3% so với trong tháng 5.

Link bài viết

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định và tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng 27,9%. Tính chung 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4%. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm đến 74,6% so với cùng kỳ.

Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 thành công, một lần nữa nêu rõ chủ quyền và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được thông qua, mở ra một không gian thương mại, đầu tư mới giữa 27 nước EU với Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 năm nay. Trong 6 tháng qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã điện đàm với 18 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước.

Chỉ số PMI tháng 6 của Việt Nam tăng mạnh, đạt  51,1 điểm so với 42,7 điểm trong tháng 5 và mức thấp kỷ lục, 32,7 điểm trong tháng 4, thể hiện sản xuất phục hồi trở lại, đơn hàng mới tăng nhanh, mạnh. Việt Nam đứng đầu về phục hồi kinh tế trong các nước ASEAN.

“Tuy tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy, chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đối với đất nước ta, mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, càng nỗ lực vượt khó vươn lên, càng nung nấu quyết tâm hơn.

Nhìn nhận tình hình còn rất khó khăn, Thủ tướng đặt vấn đề, trong bối cảnh ấy chúng ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt. Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO