Như cây chè xanh lá

HƯNG VĂN| 09/07/2010 00:11

Những khi khen tách trà ngon, người ta thường nhớ đến thương hiệu hãng trà, xuất xứ địa lý (Thái Nguyên, Lâm Đồng...), nhiều thêm nữa là tên một giống chè.

Như  cây chè xanh lá

Những khi khen tách trà ngon, người ta thường nhớ đến thương hiệu hãng trà, xuất xứ địa lý (Thái Nguyên, Lâm Đồng...), nhiều thêm nữa là tên một giống chè. Nhưng đến cao nguyên Bảo Lộc, nhiều người mới hiểu ra rằng, nếu không có “thương lái chè”, sẽ khó lòng có được những gói trà ngon.

Cây chè được trồng đầu tiên ở Cầu Đất thuộc địa giới TP. Đà Lạt đầu những năm 1930. Nhưng chẳng bao lâu sau, nơi thích hợp để phát triển những đồn điền chè lại là vùng đất đỏ có độ cao 800 - 900m so với mặt nước biển ở cao nguyên Bảo Lộc.

Cả tỉnh Lâm Đồng hiện có 26.500ha chè thì vùng trồng tập trung ở TP. Bảo Lộc chiếm 8.400ha, huyện Bảo Lâm bao quanh lên đến hơn 12.000ha. Nghề sao, sấy, ướp trà tập trung nhiều nhất tại Lộc Tiến, một phường phía nam TP. Bảo Lộc. Mùi hương ướp trà luôn lan tỏa, quyến rũ nơi vùng đất này. Những hãng đã có danh lâu năm như Đỗ Hữu, Bảo Tín, Thiên Thành..., hay mới nổi như Ngọc Trang, Hương Kim Thảo... cùng hơn 30 công ty chế biến trà lớn, nhỏ đều tập trung nơi đây. Còn cơ sở thu gom, sấy khô để cung ứng trà rời, trà mộc thì khó mà kể hết.

Lái chè Sơn - Bích

Chè tươi được lái chè cấp 1 chuyển về cơ sở Sơn Bích

Chiều ngày 6/6/2010, hàng chục “lái chè tươi” sau khi giao hàng đã chẳng chịu về mà nán lại trước cơ sở trà Sơn Bích. Họ là những chủ vựa chuyên chở chè tươi đi giao, hoặc những nhà thu gom chè lá, chè búp hùn nhau bao nguyên xe tải chở chè đến cơ sở thu mua - chế biến, tạm gọi là lái chè cấp 2.

Ai cũng khen ngợi vợ chồng Vũ Đình Sơn - Nguyễn Thị Ngọc Bích. Nhiều người nói: "Anh chị mua được máy phát điện rồi, chúng tôi yên tâm. Ráng mua thật nhều chè, chạy tăng công suất lên, cho bà con có tiền xài. Mùa mưa đến rồi, chè tốt lắm". Mấy tháng nay cúp điện, phập phồng thu chỉ năm, ba tấn thì nay phải tăng 10 tấn/ngày.

Thì ra anh Sơn vừa mua chiếc máy phát điện cũ, công suất 50 KVA, khoảng 100 triệu đồng. Mùa khô vừa qua, vùng Bảo Lộc mỗi tuần phải chịu nhiều ngày cúp điện, lại cúp thất thường. Điện cúp thì không thể dùng máy bơm nước tưới chè. Nhiều nơi đã dùng máy bơm tay hay dùng nguồn nước giếng khoan đưa lên bồn, tưới theo kiểu tự chảy. Nhưng thiếu điện thì dù lá chè rất tốt thì các cơ sở chế biến cũng không thể mua, mà người trồng chè lại không còn có nguồn thu nào khác!

Lá chè xanh đến kỳ phải hái, nhưng điện cúp kéo dài suốt từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm thì ngày đó chủ vườn thất thu. Lá chè đến kỳ không được hái, sẽ tự cỗi.

Chị Bích vừa mua bán, vừa say chè

Bảo Lộc mát mẻ quanh năm, lại toàn đồi đất đỏ hình bát úp, là nơi lý tưởng để lập vườn chè. Người hái chè ít phải leo dốc cao, đỡ mệt.
Để có được 1kg chè khô, phải cần từ 4 - 5kg lá chè tươi. Quy trình cứ 15 - 20 ngày phải cắt, hái đọt một lần. Chè cắt đọt già, được gọi là chè “bin”, bán với giá bao nhiêu cũng được, chỉ mong lấy lại được công.

Muốn có chè búp thì phải dùng tay ngắt, mỗi đọt chỉ 3 lá. Loại này được các nhà máy chuộng nhất, vì nó làm ra loại trà hảo hạng. Tùy theo giống mà giá đọt chè cao hay thấp. Hiện tại, chè “bin” giá chỉ 2.000 - 3.000 đ/kg, chè đọt giống cũ, lá tươi từ 5.000 - 6.000 đ/kg. Nếu là các giống mới du nhập như O Loong, Kim Tuyên, Tứ Quý, phải từ 30.000 - 40.000 đ/kg.

Dù là chè cảnh, chè bin hay chè búp, hái sau vài giờ là phải chở ngay đến nơi thu mua. Tại đây, các lái chè cấp 1 sẽ cân chè, trả tiền ngay. Người hái chè thanh thản ra về. Tại điểm mua đầu tiên này, một số thợ, đa phần là nữ thanh niên, ăn công sẽ nhanh tay lựa lá già để qua một bên.

Loại này sẽ được chuyển ra bán xô tại chợ cho người mua về nấu “chè xanh”, dùng giải khát trong ngày. Loại đọt và búp, được đóng bao riêng, đem về những cơ sở thương lái cấp 2, như Sơn Bích. Nếu lá chè vô bao để lâu hơn 12 giờ, lá sẽ bị nhũn, tiếng nhà nghề gọi là chè bị “cháy”, chỉ làm được phân xanh.

Thủy chung với nghề

Vợ chồng Sơn - Bích sinh ra, lớn lên ở Bảo Lộc. Học xong trung học, Vũ Đình Sơn theo nghiệp cha mẹ. Đi hái chè không lâu, anh lập tổ mua gom lá chè tươi tại nhà. Nếu bị dội chợ, giá thấp, người trồng chè sẽ không vun xới. Nguồn cung bị thiếu hụt, giá sẽ lại lên. Suy nghĩ như vậy nên sau khi ra riêng, Sơn bàn với vợ mua giàn máy sao, sấy chè tươi, giao cho các hãng lớn.

Vũ Đình Sơn với chiếc máy phát điện mới mua

Chủ vựa chè Sơn Bích nhờ biết dành dụm, lúc nào cũng có tiền mặt để trả ngay cho lái chè cấp 1. Nhiều lái chè cấp 1 ưng ý vì giá luôn nhỉnh hơn các vựa khác từ 5 - 10 đ/kg, lại không phân loại quá kỹ. Gom được hàng tươi, họ phải trở thành nhà sơ chế chè khô. Nếu không có hệ thống thương lái này, lá chè sẽ bị “cháy”. Khi đó các nhà máy đã có thương hiệu sẽ không có hàng để sản xuất, xuất khẩu.

Cơ sở Sơn Bích có 4 công nhân ăn lương thường xuyên, chuyên chạy máy, còn số người ăn lương ngày thì tùy lúc chè tươi về nhiều hay ít. Chè sau đổ ra sẽ được họ dùng tay đảo trộn trên mê cho ráo hơi ẩm rồi chuyển ngay lên máy vò lá tươi. Sau công đoạn vò, lá sẽ theo băng chuyền vào máy sấy. Vài giờ sau, chè khô sẽ ra sàn, được phân loại. Loại lá khô nào xoăn đẹp sẽ được để riêng, bán với giá tương xứng.

Nếu bằng lòng với tên gọi “lái chè tươi” hay “lái chè khô” thì họ cứ bình chân như vại, có điện thì làm, cúp điện thì nghỉ. Anh Vũ Đình Sơn nói mình hiểu người trồng chè. Bà con có thu thì mình cũng có thu. Nhà máy lớn cũng trông hàng giao đúng kỳ, đúng lượng. Nên anh chọn cách tự sắm máy phát điện cho chủ động. Vùng nguyên liệu chè trải dài hơn 15km ven quốc lộ 20, từ xã Lộc An cuối huyện Bảo Lâm đến xã Đại Lào của Bảo Lộc. Lái chè cấp 1 mong sao có nhiều thương lái cấp 2 như Sơn Bích.

Ở phường Lộc Tiến, lái chè cấp 2 làm thêm việc đóng gói nhỏ để bỏ mối cho các cửa hàng. Nhưng Sơn Bích không làm vậy. Anh nhìn chị mỉm cười, ví von: “Mình như những thân cây chè, nhận dinh dưỡng từ gốc để đâm nhành, ra búp cho lá mãi xanh”.

Nếu không có những thân cây chè ấy thì có thể vào một ngày bất ngờ, bạn phải mua trà với giá rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Như cây chè xanh lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO