Nhiều nhân tố tác động - Giá vàng sẽ đi về đâu?

Nguồn Vietnam+| 22/11/2009 07:43

Những ngày qua vàng đã trở thành tiêu điểm của các nhà đầu tư cả thế giới và trong nước. Nhân tố nào đã đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian qua và liệu xu hướng tăng giá này có khả năng duy trì hay sẽ sớm đảo chiều?

Nhiều nhân tố tác động - Giá vàng sẽ đi về đâu?

Những ngày qua vàng đã trở thành tiêu điểm của các nhà đầu tư cả thế giới và trong nước. Nhân tố nào đã đẩy giá vàng tăng cao trong thời gian qua và liệu xu hướng tăng giá này có khả năng duy trì hay sẽ sớm đảo chiều?

Vàng đang là tiêu điểm của nhà đầu tư (ảnh: Hữu Nghị).

Tác nhân làm tăng giá vàng

Nói đến nguyên nhân tăng giá vàng không thể không đề cập đến giá trị của đồng USD, bởi trên thế giới vàng được yết giá bằng đồng USD. Nếu đồng USD yếu đi vàng có khả năng sẽ tăng giá. Chỉ số USD Index dùng để đánh giá sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chính trong rổ tiền tệ đang dần giảm về mức thấp kỷ lục.

Do khủng hoảng kinh tế sâu rộng, Chính phủ Mỹ đã buộc phải tung ra các chương trình kích cầu để hỗ trợ nền kinh tế. Một lượng tiền khổng lồ được bơm ra thị trường đã làm cho đồng USD ngày càng mất giá so với các đồng tiền khác.

Chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất thấp kích thích hoạt động carry trade đồng USD ngày càng mạnh mẽ, tạo thêm sức ép giảm giá đồng USD. Carry trade được biết đến như là một hình thức đầu tư mà theo đó các nhà đầu tư đi vay đồng tiền với chi phí thấp và đầu tư vào các tài sản khác có tỷ suất sinh lời cao hơn.

Khi đồng USD không còn đủ sức hấp dẫn để giữ chân các nhà đầu tư, dòng chu chuyển vốn lại quay ngược dòng, chuyển từ kênh USD sang các kênh đầu tư rủi ro hơn với tỷ suất sinh lời cao hơn.

Chỉ số USD Index hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua và nếu so với thời kỳ hưng thịnh của đồng USD thì chỉ số này đã giảm khá mạnh, từ mức đỉnh 88,3 rớt xuống 75. Do giá vàng được neo với đồng USD nên khi đồng tiền này suy yếu thì giá vàng càng tăng mạnh. Do vậy, đồng USD yếu đi sẽ là lực hỗ trợ mấu chốt tạo đà tăng giá cho vàng.

Một vấn đề lớn nữa mà đồng USD đang phải đối mặt là sự nổi lên của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng vọt từ 454 tấn vào năm 2003 lên trên 1.000 tấn trong năm nay.

Một vấn đề đáng quan tâm hơn là ngân hàng trung ương các nước đang có động thái mua vàng vào, điển hình là Ấn Độ. Chính động thái mua vào 230 tấn vàng trong tổng số 403 tấn vàng bán ra của IMF đã đẩy giá vàng lên cao.

Các ngân hàng trung ương từng là những người bán vàng ròng thì trong thời gian gần đây đang quay ngược vị thế. Theo chân Ấn Độ, ngân hàng trung ương Sri Lanka cũng đã tuyên bố mua thêm vàng.

Các ngân hàng trung ương châu Âu vốn không mấy mặn mà với vàng trong thời gian trước thì giờ đây đã bắt đầu có những thay đổi trong quan điểm về vàng.

Mới đây họ đã sửa đổi hiệp định bán vàng với tổng lượng vàng bán ra hằng năm giảm từ mức 500 tấn/năm xuống còn 400 tấn/năm. Điều này hàm ý rằng, các ngân hàng trung ương châu Âu đã bắt đầu hạn chế việc bán vàng để tăng tỷ trọng vàng trong tài sản dự trữ của quốc gia.

Ngoài ra, động thái mua vàng vào của các ngân hàng trung ương còn ẩn chứa một hàm ý khác, đó là đa dạng hóa danh mục dự trữ ngoại hối để hạn chế mức độ ảnh hưởng của đồng USD tới dự trữ quốc gia trong bối cảnh đồng USD ngày càng suy yếu.

Điều này càng gia tăng áp lực giảm giá lên đồng USD và tạo đà tốt cho giá vàng trong thời gian tới.

Nhiều nhân tố hỗ trợ giá vàng

Xét về trung hạn, vàng vẫn có khả năng tăng giá do các nhân tố hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới vẫn khá tốt. Với lời hứa duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục, gần mức zero, của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), các nhà phân tích cho rằng đồng tiền này sẽ tiếp tục suy yếu.

Không những FED mà cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và ngân hàng Anh vừa rồi cũng thông báo sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện thời. Cuộc họp các nền kinh tế G20 kết thúc với kết quả các quốc gia hàng đầu vẫn sẽ duy trì các chương trình hỗ trợ kinh tế cho đến khi tiến trình phục hồi kinh tế có những chuyển biến ổn định hơn.

Những lời phát biểu trên không chỉ tạo áp lực đè nặng lên đồng USD mà còn gia tăng mầm mống lạm phát trong thời gian tới. Mặc dù trong thời điểm hiện nay chưa có dấu hiệu của lạm phát, thậm chí một số quốc gia còn rơi vào tình trạng giảm phát, nhưng nhân tố này được đánh giá sẽ hỗ trợ tốt cho giá vàng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó giá vàng cũng đang chịu nhiều áp lực do đã tăng lên mức quá cao trong một thời gian ngắn. Và theo qui luật thị trường, giá vàng có thể sẽ bị điều chỉnh giảm. Giới phân tích đánh giá khả năng vàng vẫn giao dịch trong biên độ 1.080 USD/ounce đến 1.100 USD/ounce, nhưng cũng có thể sẽ tiến xa hơn lên 1.150 - 1.200 USD/ounce.

Nếu giá vàng thế giới có những bước đột phá mạnh tăng lên vùng cao thì diễn biến giá vàng trong nước thời gian qua cũng không kém phần sôi động. Giá vàng SJC tiếp tục cán các mốc giá cao trước tiên là mốc 25 triệu đồng/lượng. Các nhà đầu tư trong nước những tưởng giá vàng sẽ không còn đủ sức để tăng tiếp thì chỉ trong vài ngày đã vọt lên mức 26 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt, trong sáng 11/11 giá vàng vật chất trong nước đã tăng lên mức 29,3 triệu đồng/lượng, tăng hơn 2,5 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng một buổi sáng. Thực chất giá vàng vật chất trong nước tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý của người dân. Trong những ngày qua, một số lượng lớn người dân đổ xô đi mua vàng với kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục leo thang thời gian tới.

Giá vàng trong nước tăng quá nhanh so với thế giới càng kích thích tâm lý mua vàng kiếm lời của người dân. Bên cạnh đó, theo đánh giá của giới phân tích, giá vàng SJC tăng một phần là do ngân hàng đã mua vàng vào để trả vàng cho người dân gửi tiết kiệm bằng vàng do người dân rút vàng ra để bán ra thị trường do giá vàng đã tăng cao.

Vậy ai là người được hưởng lợi trong đợt tăng giá ảo lần này? Không ai khác chính là các đại gia trên thị trường. Họ đẩy giá vàng lên cao ngất ngưởng để lôi kéo lực mua từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ và sau đó đẩy giá xuống thấp để hưởng lợi.

Vàng tăng cao không bền vững nên khả năng tăng không duy trì được lâu dài. Chỉ trong trưa và chiều hôm 11/11 giá vàng đã có bước điều chỉnh trở về mức giá 26-27 triệu đồng/lượng. Và ngày tiếp theo còn xuống thấp hơn nữa. Thực tế vàng vẫn đang nằm trong xu thế tăng giá. Tuy nhiên, giá tăng quá cao, quá nhanh và quá nóng nên có sự điều chỉnh giảm là điều mà giới phân tích không mấy bất ngờ.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, vàng vật chất trong nước vẫn đang có xu hướng tăng khá tốt. Trong thời gian qua, giá vàng vật chất trong nước liên tục tăng mạnh so với giá thế giới, và có những bước điều chỉnh giảm giá yếu hơn. Để giảm bớt căng thẳng trên thị trường, chiều 11/11, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức tuyên bố cho phép nhập khẩu vàng trở lại.

Động thái này ngay lập tức đã có tác dụng giảm nhiệt trên thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước về mức ngang bằng với thế giới. Khi các doanh nghiệp nhập khẩu vàng, dòng vốn đầu tư trong nước sẽ chuyển từ vàng sang đồng USD, và do vậy có thể sẽ tiếp tục tạo đà cho giá vàng giảm thêm.

Tuy nhiên, do sự liên thông của thị trường vàng trong nước và quốc tế, những nhân tố tác động tới giá vàng thế giới sẽ là một yếu tố rất quan trọng mà nhà đầu tư không thể bỏ qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều nhân tố tác động - Giá vàng sẽ đi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO