Ngóng chờ cổ phiếu "vua"

25/06/2009 06:58

Không cần phải đợi thống đốc công bố tăng trưởng tín dụng, các nhà đầu tư đã đặt cược nhóm hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn kích cầu là khối ngân hàng.

Ngóng chờ cổ phiếu

Không cần phải đợi thống đốc công bố tăng trưởng tín dụng, các nhà đầu tư đã đặt cược nhóm hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn kích cầu là khối ngân hàng.

So với mức đáy cuối tháng 2, có cổ phiếu ngân hàng đã tăng 315% trước khi suy giảm theo đà điều chỉnh chung của thị trường. Cùng thời điểm, VN-Index tăng 223%.

Không có mức tăng trưởng cao như cổ phiếu của Sacombank (mã STB) ở sàn TP.HCM, cổ phiếu ACB cũng tăng 263% so với mức đáy. Xét chung, hai cổ phiếu này đều tăng trưởng vượt trên mức chung của thị trường.

Hưởng lợi kép

Đứng trên góc độ phân tích cơ bản, kinh doanh ngân hàng chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, gói chính sách kích cầu được ban hành, các nhà đầu tư biết rằng, ngân hàng sẽ có lợi khi dòng tiền huy động được khai thông. Tăng trưởng tín dụng trong quý 1 năm nay chỉ ở mức 2,67%, thì hai tháng sau khi dòng vốn kích cầu giải ngân mạnh, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 14,01% so với cuối năm trước. Con số trên được thống đốc Nguyễn Văn Giàu công bố trong tuần trước.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng kinh doanh. Cho vay tiêu dùng năm tháng đầu năm, theo thống đốc, là 85.000 tỉ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm.

Khi xu hướng tăng điểm của thị trường hình thành rõ rệt, thì cổ phiếu ngân hàng càng nóng. Bên cạnh phân tích cơ bản, nhóm ngân hàng hưởng lợi gián tiếp từ hoạt động kinh doanh chứng khoán của các công ty chứng khoán trực thuộc. Bản thân các ngân hàng cũng có danh mục đầu tư phải trích lập dự phòng khá nhiều.

Thị trường càng tăng thì khoản hoàn nhập này sẽ cải thiện lợi nhuận của ngân hàng. Theo đánh giá của công ty chứng khoán TP.HCM, năm 2008, ACB trích lập dự phòng khoảng 600 tỉ đồng cho nợ xấu và chứng khoán giảm giá.

Nhà đầu tư mang tâm trạng lo ngại mỗi khi chứng khoán đỏ sàn. (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Thử thách từ gương mặt mới

Ngày 25/6, cổ phiếu Bảo Việt lên sàn, với mức giá khởi điểm 38.500đ, chứng khoán SSI ước tính, Bảo Việt có PE 2009 là 43,51, PE 2008 là 41,67. Mức PE này cao gần gấp bốn lần so với PE 12,5 của ngân hàng ACB, hơn hai lần PE của bảo hiểm Bảo Minh (BMI) và bảo hiểm Dầu khí (PVI). “Dựa vào các chỉ số, giá của Bảo Việt khá đắt so với các cổ phiếu cùng ngành”, chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận xét.

VietinBank đến tháng 7 mới lên sàn, còn Vietcombank dự kiến lên sàn cuối tháng 6, cùng thời điểm Sacombank bán cổ phiếu quỹ. Đến nay, Vietcombank chưa công bố giá khởi điểm, và được thị trường đồn đoán ở mức 50.000 – 53.000đ/cp. Với giá đang có ngoài thị trường tự do là 56.000đ, tương đương mức PE dự phòng 25,3, vẫn đắt hơn PE của ACB đang ở mức 16, và thấp hơn 2x của STB.

Dù cho là đắt, nhưng thị trường vẫn chờ đợi động tĩnh của Vietcombank, VietinBank và Bảo Việt. Bên cạnh mối lo bị xả hàng, là thông tin theo chiều ngược lại: với lượng cổ phiếu được phép giao dịch không nhiều như VietinBank hơn 74 triệu cổ phiếu, Bảo Việt gần 50 triệu cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư cho rằng hai cổ phiếu này dễ bị làm giá. Như cổ phiếu ngân hàng SHB, với khối lượng cổ phiếu niêm yết 50 triệu, đã cho là bị làm giá khi có thời điểm bị đẩy lên cao hơn cả giá của STB.

Việc chào sàn của Bảo Việt nếu thành công, theo SSI, là bước mở đường cho hai cổ phiếu “vua” như cách gọi cổ phiếu ngân hàng là Vietcombank ngày 30/6 tới và VietinBank vào ngày 16/7. Cổ phiếu bảo hiểm tăng điểm khá tốt cho tuần khó khăn vừa rồi cho thấy nhà đầu tư đón chờ sự kiện niêm yết tích cực. Về ngắn hạn, giá Bảo Việt là đắt, nhưng có thể kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, SSI nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngóng chờ cổ phiếu "vua"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO