“Nghịch cảnh nghề nuôi heo”: Chăn nuôi không thể tách rời trồng trọt

29/03/2011 08:06

Hàng loạt người chăn nuôi, kể cả chăn nuôi quy mô lớn lẫn nhỏ, đều đang đối diện nguy cơ phá sản dù giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao. Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) VN - cho biết:

“Nghịch cảnh nghề nuôi heo”: Chăn nuôi không thể tách rời trồng trọt

Hàng loạt người chăn nuôi, kể cả chăn nuôi quy mô lớn lẫn nhỏ, đều đang đối diện nguy cơ phá sản dù giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao. Ông Phạm Đức Bình -Pphó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) VN - cho biết:

Ông Phạm Đức Bình - Ảnh: H.Đ.

- Nguy cơ phá sản của nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là ngành chăn nuôi heo, không sớm thì muộn cũng xảy ra nếu mọi người cứ đua nhau chạy theo phong trào mà không xem đây là hoạt động đầu tư và tính toán hiệu quả của nó. Ngoài ra, phần lớn người chăn nuôi VN thời gian qua có xu hướng “vung tay quá trán”, có một nhưng làm ba hay bốn, trong khi lẽ ra khả năng vốn bao nhiêu thì làm bấy nhiêu.

Tôi lấy ví dụ: nhiều người chăn nuôi sử dụng vốn vay để đầu tư chuồng trại, trong quá trình nuôi lại mua thiếu TACN (cám)... Chỉ riêng lãi vay cùng với chi phí giá cám tăng thêm (do người bán kèm lãi suất và rủi ro tín dụng) cũng làm chi phí giá thành đội lên, hiệu quả chăn nuôi đạt thấp, chưa kể dịch bệnh hay rủi ro biến động giá cả.

* Do không chủ động được chi phí đầu vào cũng như đầu ra nên rất khó để người chăn nuôi tính toán trước được hiệu quả, thưa ông?

- Tôi cho rằng hoàn toàn có thể chủ động được. Chẳng hạn, người chăn nuôi có thể chủ động tính toán đầu vào bằng cách đến làm việc với các nhà sản xuất TACN để chốt số lượng và giá cả khi bắt đầu nuôi. Nếu mua TACN trực tiếp tại nhà sản xuất, người chăn nuôi sẽ không phải tốn các khoản chi phí trung gian khá cao, từ 5-8% tổng chi phí TACN hiện nay.

Theo tôi, các nhà sản xuất hoàn toàn ủng hộ phương án này, vì bản thân họ cũng được lợi là tính toán trước được kế hoạch, lại không tốn các khoản chi phí cho tiếp thị... Trong một số trường hợp, người chăn nuôi có thể chủ động mua bắp, cám vào thời điểm giá rẻ về dự trữ để làm TACN thay vì chạy theo mua vào thời điểm giá cao.

* Ngành chăn nuôi hiện nay còn chịu rủi ro rất lớn bởi các đợt dịch bệnh do không chủ động được nguồn văcxin?

- Quả thật, hoạt động chăn nuôi đã chịu tác động rất lớn từ những đợt dịch bệnh trong các năm gần đây. Ở đây theo tôi, quan điểm chống dịch của ngành thú y đang “có vấn đề”. Mặc dù khuyến khích người dân chăn nuôi sạch nhưng mỗi khi có dịch, ngành thú y lại hành xử theo kiểu “cá mè một lứa” cho tất cả loại hình chăn nuôi, không phân biệt chăn nuôi quy mô lớn hay nhỏ, có đảm bảo quy trình vệ sinh phòng bệnh hay không.

Từ đó dẫn đến tình trạng khi một địa phương nào xảy ra dịch thì vật nuôi bị đem ra tiêu hủy hàng loạt, gây ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Nhà nước tốn tiền đền bù, người chăn nuôi không đạt hiệu quả, còn người tiêu dùng mua sản phẩm với giá cao do nguồn cung thiếu...

Ông Nguyễn Xuân Bình (Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI):

Phát triển trang trại tập trung

Muốn phát triển bền vững, tôi cho rằng ngành chăn nuôi cần phải chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi trang trại tập trung. Thực tế cho thấy các trang trại chăn nuôi đều ý thức hơn trong việc phòng chống dịch, chẳng hạn như đầu tư nhiều hơn cho công tác vệ sinh chuồng trại, do đó khả năng phòng chống dịch tốt hơn.

Tuy nhiên, không thể tập trung hết các trang trại vào một khu vực nào đó do nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao và hậu quả sẽ rất lớn.

Theo tôi, chúng ta nên tập thói quen “sống chung với dịch” vì không bao giờ hết dịch trong hoạt động chăn nuôi. Trên quan điểm này, cần phân loại các mô hình chăn nuôi, chẳng hạn như phân loại những hộ chăn nuôi không kiểm soát dịch bệnh, hộ có kiểm soát nhưng chưa đạt tiêu chuẩn và những trang trại chăn nuôi đạt chuẩn.

Một khi phân loại được các hộ chăn nuôi, xảy ra dịch những trại đủ chuẩn vẫn được lưu thông, chứ tất cả đều bị ngăn chặn hết thì làm sao khuyến khích được những người làm tốt.

* Theo ông, nếu muốn phát triển tốt, ngành chăn nuôi VN phải đi theo mô hình nào?

- Muốn tồn tại và phát triển, ngành chăn nuôi VN phải đi theo hướng bền vững về kinh tế và môi trường. Các loại dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng hiện nay chưa có thuốc chữa mà chỉ có thể phòng dịch. Do đó, chuồng trại phải thật sự cách xa khu vực dân cư.

Một trang trại bền vững phải đảm bảo cả hai tiêu chí là bền vững về kinh tế (làm ăn có lãi) và bền vững về môi trường (không ảnh hưởng xung quanh). Muốn như vậy, chăn nuôi không thể tách rời trồng trọt.

Tại các nước tiên tiến đều có quy định điều kiện diện tích trại tối thiểu trên số lượng heo nuôi nhất định. Ví dụ: một trang trại có 100 heo nái và 1.000 heo thịt thì diện tích tối thiểu phải là 10ha đất. Bên cạnh phần xây chuồng trại heo là phần trồng các loại cây như rau, cây ăn trái, cây công nghiệp... và ao thủy sản. Đây chính là mô hình vườn ao chuồng mà nước ta khuyến khích phát triển lâu nay.

Việc tận dụng chất thải từ heo làm biogas phát điện, thức ăn cho cá, phân bón cho cây trồng vừa giảm thiểu chi phí xử lý môi trường, tiết kiệm phân bón, thức ăn cho cá mà còn tăng thêm thu nhập cho chủ trại. Với nhiều nguồn thu hơn, chủ trại sẽ ít rủi ro hơn. Trong trường hợp giá heo xuống thấp hơn giá thành thì tiền bán cá và sản phẩm trồng trọt sẽ bù đắp, chủ trại sẽ không bị lỗ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Nghịch cảnh nghề nuôi heo”: Chăn nuôi không thể tách rời trồng trọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO