![]() |
Dự thảo Nghị quyết Về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (gọi tắt là Nghị quyết) là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV.
Bởi nếu nghị quyết này được thông qua, các ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ có cơ sở đẩy nhanh tiến độ xử lý hơn 600.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời có thêm điều kiện giảm mặt bằng lãi suất hiện nay.
Về cơ bản, tài sản của ngân hàng có thể phân ra thành tài sản sinh lời và tài sản không sinh lời. Tài sản sinh lời bao gồm dư nợ tín dụng, các khoản đầu tư kinh doanh chứng khoán, các khoản góp vốn vào doanh nghiệp, cho vay và gửi tiền trên thị trường liên ngân hàng cũng như tại Ngân hàng Nhà nước. Tài sản không sinh lời bao gồm tài sản cố định, tiền mặt, các khoản phải thu, lãi và phí phải thu cũng như các tài sản có khác.
Thông thường, một ngân hàng hoạt động hiệu quả sẽ có tài sản sinh lời chiếm từ 80 - 95%. Nếu một ngân hàng có nợ xấu lớn và phần nợ xấu này không thể thu được lãi thì phần dư nợ xem như là tài sản không còn khả năng sinh lời.
Tại nhiều ngân hàng hiện nay, ngoài khoản nợ xấu, còn có các khoản phải thu rất lớn mà tiềm ẩn đó là nợ xấu các khoản lãi và phí dồn qua các năm chưa thu được đã ăn vào thu nhập và lợi nhuận những năm trước đây, cũng như lượng trái phiếu đặc biệt VAMC cũng được xem như tài sản không sinh lời do có lãi suất 0%.
Vì vậy, tỷ lệ tài sản sinh lời thực tế tại nhiều ngân hàng có khi chỉ từ 40 - 50% hoặc thậm chí thấp hơn. Và chính vì tỷ lệ tài sản sinh lời quá thấp, để có đủ nguồn thu nhập cân đối cho chi phí vận hành cũng như chi trả lãi cho lượng tiền gửi bị mắc kẹt vào các tài sản không sinh lời như đã kể trên, các ngân hàng buộc phải neo lãi suất cao cho phần dư nợ tốt còn lại cũng như phần dư nợ phát triển thêm để bù vào phần thu nhập bị mất đi do các tài sản không sinh lời gây ra. Do đó, lãi suất cho vay khó giảm là điều tất yếu.
Dù trong thời gian qua, VAMC được kỳ vọng là một trong những phương án để xử lý nợ xấu của các TCTD nhưng các khoản mà VAMC mua được xử lý quá chậm bởi vướng nhiều rào cản và cơ chế. Chính vì vậy, Nghị quyết được xem là cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Về cơ bản Nghị quyết sẽ cho phép các ngân hàng thêm quyền tự quyết trong việc thu giữ và chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm và bán thanh lý nợ xấu cùng tài sản đảm bảo theo giá thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các chủ nợ là ngân hàng và cả VAMC có quyền bán nợ theo giá mà thị trường chấp nhận. Nghị quyết cũng cho phép các TCTD phân bổ khoản lỗ từ xử lý nợ xấu trong vòng 5 - 10 năm và tạo tiền đề cho việc xây dựng thị trường mua bán nợ thứ cấp.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng thì nếu thị trường mua bán nợ được thành lập với giá mua bán được xác định theo cung cầu thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia, trong đó các doanh nghiệp đầu tư bất động sản và thậm chí cả các ngân hàng chủ nợ hiện nay là bên mua tiềm năng nhất.
Hơn nữa, một khi nợ xấu của các TCTD được xử lý nhanh sẽ tạo tiền đề cho việc giảm lãi suất. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tin tưởng rằng "với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của Nghị quyết thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm".
Thật vậy, nếu như nợ xấu giảm thì các ngân hàng sẽ không còn mắc kẹt lượng vốn huy động được vào những tài sản chất lượng kém này, do đó sẽ không còn động lực phải neo lãi suất cho vay cao ở những khoản dư nợ tốt để bù vào phần thu nhập bị mất đi do các khoản nợ xấu và tài sản không sinh lời gây ra. Việc xử lý nợ xấu diễn ra suôn sẻ cũng giúp các ngân hàng tiết giảm dần chi phí vận hành, nguồn nhân lực dành cho việc xử lý nợ xấu, dẫn đến khả năng sinh lời về lâu dài cũng tăng lên.
Nếu xử lý tốt nợ xấu và các tài sản đảm bảo thì một lượng lớn vốn sẽ về lại các ngân hàng, lúc này với lượng thanh khoản dư thừa, các ngân hàng có nhu cầu phải đẩy vốn cho vay, khi đó cạnh tranh giảm lãi suất sẽ xảy ra.