Ngăn chặn gian lận xuất xứ trong xuất nhập khẩu gỗ

Nam Phương| 16/07/2019 06:00

Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đang tập trung điều tra 6 doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực XNK mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có kim ngạch tăng trưởng bất thường.

Ngăn chặn gian lận xuất xứ trong xuất nhập khẩu gỗ

“Riêng năm 2018 có doanh nghiệp nhập khẩu ván ép từ Trung Quốc có kim ngạch tăng bất thường lên hàng chục triệu USD, hàng trăm tỷ đồng”, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thông tin. Trong quá trình điều tra, cơ quan Hải quan xác định được một số sai phạm như sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu nhưng ký khống; giấy chứng nhận sử dụng đất giả trong hồ sơ nhằm chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở Việt Nam.

Làm việc với cơ quan Hải quan, đại diện doanh nghiệp cũng thừa nhận thu mua nguyên liệu như gỗ keo, bạch đàn từ các hộ dân; có cả trường hợp sử dụng dụng chiêu thức quay vòng hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều lô hàng để xin cấp C/O với số lượng hàng hóa vượt quá số lượng trên hóa đơn.

Có trường hợp doanh nghiệp nhập ván bán thành phẩm từ Trung Quốc để sản xuất gỗ ép nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O, quá trình điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện hành vi lập hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo, bạch đàn của các hộ dân với mục đích xin C/O (Việt Nam) để xuất khẩu.

Qua quá trình điều tra, cơ quan Hải quan cũng xác định trách nhiệm của một số chính quyền địa phương và một số cơ quan quản lý khác, bởi những người dân có liên quan khẳng định không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng nhưng vẫn khai báo đã được cấp để trồng gỗ xuất khẩu. Đáng báo động, có dấu hiệu một số UBND xã buông lỏng quản lý thông qua việc ký khống đối với một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, bản kê lâm sản khai thác...

Đối với cơ quan cấp phép, Cục Điều tra chống buôn lậu xác định một số bản kê khai thác lâm sản không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, tức là không hợp lệ nhưng cơ quan cấp phép vẫn cấp C/O; thậm chí trong nhiều bảng kê bị thiếu tiêu chí, trùng lắp, khai sai, thậm chi mâu thuẫn nhau nhưng cơ quan cấp phép vẫn cấp phép.

Phó tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, các vụ việc đang được điều tra, kết quả ban đầu cho thấy hàng được giả mạo xuất xứ Việt Nam vào Việt Nam sản xuất đơn giản rồi xuất đi nước ngoài với nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Về lâu dài tình trạng này sẽ tác động xấu đến doanh nghiệp trong nước, các nước sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt thuế, qua đó sẽ tác động ngược lại đối với sản xuất trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính đã đầu tư cơ sở máy móc thiết bị, tạo ra công ăn việc làm sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Ông Thành cũng cho biết, cơ quan Hải quan đã phối hợp và đề nghị các bộ ngành liên quan cùng phối hợp để điều tra xác minh và quản lý chặt chẽ việc cấp xuất xứ để giảm tải áp lực cho cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục thông quan. Vì chúng ta biết chỉ một bộ phận rất nhỏ doanh nghiệp lợi dụng giả mạo xuất xứ Việt Nam, còn đa số doanh nghiệp xuất khẩu từ nguồn sản xuất trong nước. Do vậy không phải vì thế mà làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất chân chính khi làm thủ tục thông quan.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay chúng tôi đang sàng lọc những mặt hàng giá trị thương mại tăng đột biến. Kết quả này sẽ được so với tỉ lệ tăng chung, nguồn cung ở trong nước, tổng năng lực sản xuất trong nước, cũng như so với những năm trước đây. Nếu như sản xuất trong nước không thể đáp ứng lượng hàng xuất khẩu sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để loại trừ khả năng đó không phải là hàng sản xuất trong nước.

Liên quan đến vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với hàng hóa nước ngoài lợi dụng xuất xứ (C/O) Việt Nam để xuất khẩu đi nước thứ ba nhằm hưởng ưu đãi, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Hải quan vừa tổ chức, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, trong bối cảnh các xung đột thương mại của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cần hết sức chú trọng, chủ động trong kiểm soát, chống gian lận C/O.

Lực lượng Hải quan đã từng phát hiện, bắt giữ, xử lý một số vụ việc, điển hình như vụ hàng nghìn tấn mật ong có xuất xứ Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để đưa đi nước khác. Hay việc kịp thời phát hiện, chặn đứng một vụ việc có nguy cơ đưa hàng triệu tấn nhôm thành phẩm từ nước ngoài vào theo loại hình kho ngoại quan để lấy C/O Việt Nam có thể xuất đi nước thứ ba.

Để kiểm soát tình hình, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương, VCCI cần kết nối ngay việc cấp C/O đối với hàng xuất xứ Việt Nam với cơ quan Hải quan để có thể kiểm tra kiểm soát, cũng như tạo điều kiện cho người xuất khẩu chân chính không gặp vướng mắc trong đợt kiểm tra của cơ quan Hải quan.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 940/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ván gỗ công nghiệp có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam. Đây cũng là sự kiện chưa từng có kể từ khi ngành gỗ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam.

Những cáo buộc cho rằng các sản phẩm ván gỗ công nghiệp nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam với biên độ phá giá từ 18,59 - 50,6%. Hành vi bán phá giá được khẳng định đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất ván gỗ công nghiệp trong nước.

Như vậy, thị trường gỗ Việt Nam đang trở nên rất sôi động sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết và trong bối cảnh các cuộc xung đột thương mại giữa các nước lớn đang bị đẩy cao trào. Một lần nữa, xuất xứ sản phẩm lại được quan tâm hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngăn chặn gian lận xuất xứ trong xuất nhập khẩu gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO