Năm 2012: Tái cấu trúc nền kinh tế phải đặt lên hàng đầu

18/12/2011 08:11

Các dự báo đều nhận định về một triển vọng u ám, thậm chí tồi tệ của kinh tế thế giới năm 2012. Bằng chứng là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là của các trung tâm tăng trưởng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng lo ngại, bước vào năm 2012, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn cả về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2012: Tái cấu trúc nền kinh tế phải đặt lên hàng đầu

Các dự báo đều nhận định về một triển vọng u ám, thậm chí tồi tệ của kinh tế thế giới năm 2012. Bằng chứng là sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, nhất là của các trung tâm tăng trưởng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng lo ngại, bước vào năm 2012, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn cả về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

>> 2013 sẽ hoàn tất tái cấu trúc các NH yếu kém
>> Đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế
>> Hiểu đúng về tái cấu trúc doanh nghiệp
>> Tái cấu trúc kinh tế phải bắt đầu từ hiệu quả sử dụng vốn
>> “Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam 2011”

PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” do Vietnam CEO Corp phối hợp cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Tạp chí Doanh Nhân tổ chức dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), diễn ra vào sáng ngày 17/12, tại Hà Nội.

“Vòng xoáy” phát triển kinh tế

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng quá mức đang là áp lực đối với các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, đe dọa sự ổn định của kinh tế thế giới. Tình hình này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của Việt nam.

Ông Thiên cũng nêu tình huống mà nền kinh tế Việt Nam đang lâm vào đó là: xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nặng nề, đồng tiền yếu kém nhất châu Á vẫn chưa có dấu hiệu được chặn lại một cách chắc chắn. “Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, đã đến lúc phải đề cập đến tình huống ‘vòng xoáy’ trong phát triển kinh tế: Đình trệ đi liền với lạm phát cao. Nếu Việt Nam đã rơi vào ‘vòng xoáy’ này thì tình huống rất nguy hiểm” – ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Thiên cũng đưa ra dẫn chứng, “sức khỏe” doanh nghiệp đang bị hao hụt nặng. Lần đầu tiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thông tin trong 9 tháng đầu năm gần 50.000 doanh nghiệp (9% tổng số) đóng cửa – con số này đã nói lên được tính nghiêm trọng của tình hình. Thứ hai là đời sống ngày càng khó khăn của dân cư, nhất là nhóm người có thu nhập thấp do lạm phát cao kéo dài cộng với việc làm bị thu hẹp.

“Năm 2012 có nhiệm vụ khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng. Về nguyên tắc, đó là những nhiệm vụ thông thường của một nền kinh tế khi lâm vào tình trạng khó khăn. Nhưng năm 2012 là năm đặc biệt. Đặc biệt theo nghĩa đây là năm nền kinh tế lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng, cũng là năm nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình - ổn định vững chắc tình hình để khôi phục lòng tin, hạ thấp mức lạm phát để giúp các doanh nghiệp không lún sâu hơn vào tình thế bi kịch”.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nêu bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2012 là: Khủng hoảng nợ công và bất ổn chính trị còn tiếp diễn ở EU và Mỹ cộng với sự lo ngại nợ công của Nhật dãn đến việc thắt lưng buộc bụng chính sách; suy thoái có khả năng xảy ra ở khu vực có đồng Euro; thị trường chứng khoán sẽ có 1 năm khó khăn, đồng USD và Euro sẽ mất giá đáng kể do kinh tế yếu kém.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Lực nhận định, năm 2011 xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng dự kiến sang năm sẽ giảm mạnh; lạm phát CPI là “vô địch” so với các nước trong khu vực; thâm hút ngân sách cao. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và bất động sản rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Lực cũng thừa nhận trên thị trường còn nhiều 'điểm sáng' như dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các nước phát triển sang nước ta, điểm đặc biệt là lượng kều hối chuyển về nước năm nay dự kiến khoảng 9 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất.

Ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bán lẻ

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp

Các chuyên gia cũng khẳng định, những khó khăn của nền kinh tế năm 2011 đã tác động mạnh đến kinh tế và thị trường bán lẻ Việt Nam. Chỉ số lạm phát cao ngay từ đầu năm cùng với những dấu hiệu như lãi suất ngân hàng tăng mạnh, tỷ giá VNĐ/USD và giá vàng biến động, doanh nghiệp khát vốn, sản xuất trì trệ, lao động không việc làm gia tăng… đã ảnh hưởng đến lòng tin người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Thái Dũng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C, hệ luỵ lạm phát của Việt Nam quá cao, bào mòn sức mua của người dân, thêm vào đó xu hướng tiết kiệm cũng tác động đến tiêu dùng. Cụ thể, mức tăng trưởng tiêu dùng sau khi trừ đi yếu tố tăng giá, năm 2010 là 14%, nhưng năm 2011 chỉ là 4%. Do đó, khả năng tăng trưởng tiêu dùng 2012 là rất khó khăn.

Theo xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) cùa AT Kearny, năm 2008, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất hành tinh đối với các nhà phân phối nước ngoài. Thứ hạng này gần đây bị đánh tụt, năm 2009 xếp thứ 6 và 2010 xếp thứ 14.

Giải thích về sự giảm sút này, TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố quản lý và những rào cản mà các phân phối nước ngoài gặp phải khi thâm nhập thị trường Việt Nam chứ không phải do yếu tố cung cầu thị trường. Đồng thời ông Thắng dự báo, giai đoạn 2011 – 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23% - 25%/năm. Dưới con mắt của thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong 5 thị trường có khả năng sinh lời cao nhất.

“Điều đó chứng tỏ, nếu doanh nghiệp nào đứng vững được trên thị trường nội địa Việt Nam, có được khách hàng Việt Nam thì doanh nghiệp đó sẽ phát triển, kinh doanh có hiệu quả. Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn là đích nhắm tới của hệ thống phân phối nước ngoài một khi các rào cản được dỡ bỏ,” ông Thắng nhận định.

Tập trung tái cơ cấu kinh tế

Hội thảo “Thế giới và Việt Nam: Dự báo 2012” được tổ chức nhân dịp ra mắt ấn phẩm “Thế giới 2012”, phiên bản tiếng Việt của tờ “The World in 2012” danh tiếng.

Thế giới 2012 (The World in 2012) - một trong những ấn phẩm thành công nhất của Tạp chí The Economist – tạp chí kinh tế số 1 thế giới, là cuốn tạp chí thường niên được phát hành vào cuối mỗi năm chuyên dự báo tình hình kinh tế, chính trị-xã hội, văn hóa, công nghệ của toàn thế giới, với sự tham gia viết bài và biên tập của những cây bút hàng đầu The Economist, cùng những chính trị gia và doanh nhân lớn trên thế giới như Henry Kissinger, Hilary Clinton, Bill Gates, David Cameron, Carlos Slim,…thậm chí cả các nghệ sĩ tên tuổi trong làng nghệ thuật thế giới.

Ấn phẩm được xuất bản dưới 31 thứ tiếng với số lượng phát hành toàn cầu hơn 1 triệu bản mỗi năm trên 90 quốc gia ở khắp các châu lục. Vietnam CEO Corp. - đơn vị được nhượng quyền xuất bản và phát hành chính thức ấn phẩm The World in 2012 phiên bản tiếng Việt tại Việt Nam, liên kết cùng Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt bạn đọc ngày 17/12. Cùng với các phiên bản quốc tế khác, Thế giới 2012 sẽ mang đến những bài viết phân tích sắc sảo và những dự báo của các nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế, các nhà báo, biên tập viên uy tín trong nước và quốc tế về nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2012. Tạp chí được phát hành 20.000 bản và được bán rộng rãi tại các điểm phát hành sách báo trên cả nước.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, bước vào năm 2012, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Ngoài khôi phục tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô còn thêm nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.

“Nền kinh tế không thể lùi thêm được nữa, vì vậy phải có bước ngoặt. Quan trọng nhất là phải kiềm chế được lạm phát, nhưng phải xác định hạ lạm phát đển mức nào là đủ để doanh nghiệp không bị phá sản” - ông Thiên nhận định.

Ông Thiên cũng nêu rõ, trong tái cấu trúc nền kinh tế, việc tăng tính trách nhiệm của bộ máy hành chính Nhà nước và lập lại kỷ cương là hết sức quan trọng. Cần ưu tiên cải cách lương; trong tái cơ cấu kinh tế cũng cần đẩy mạnh tiến trình cải cách hệ thống ngân sách Nhà nước vì nếu không có những nguyên tắc chi tiêu phù hợp với tình hình, thị trường thì dễ gây ra mất cân đối.

Bên cạnh đó, cần cải cách chính sách về đất đai; ưu tiên vốn Nhà nước chỉ để xây dựng một số khu kinh tế trọng điểm, giảm các khu kinh tế trọng điểm theo hướng Nhà nước không bơm tiền tràn lan vào khu vực này…

Với những tình hình và dự báo nêu trên, mục tiêu tổng quát năm 2012 được đưa ra là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung vào triển khai 6 nhóm giải pháp chủ yếu là: Tiếp tục thực hiện nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ; thực hiện từng bước việc tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tăng cường và phát huy hiệu quả của công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế sâu rộng hơn và nâng cao hiệu quả hội nhập; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và dự báo phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng; và tăng cường công tác thông tin.

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng tập trung tái cơ cấu kinh tế với 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2012: Tái cấu trúc nền kinh tế phải đặt lên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO