Năm 2009 TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%

Nguồn VOV| 25/12/2009 08:43

Năm 2009 là năm đầy khó khăn của TP.HCM. Khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến từng cơ quan, doanh nghiệp và đến tận gia đình.

Năm 2009 TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%

Ý nghĩa lớn nhất là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thành phố để vượt qua một năm đầy khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu.

Năm 2009, TP.HCM sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt hơn để cùng các địa phương khác trong cả nước vượt qua giai đoạn hậu khủng hoảng, góp phần đưa nền kinh tế nước nhà phát triển một cách bền vững.

Năm 2009 là năm đầy khó khăn của TP.HCM. Khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến từng cơ quan, doanh nghiệp và đến tận gia đình. Những chỉ tiêu kinh tế xã hội mà thành phố đặt ra tưởng chừng khó có thể đạt được. Thế nhưng, chính trong bối cảnh đó, cùng với cả nước, TP.HCM đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế từng bước vượt qua khủng hoảng. GDP đạt 7,8%, dù chưa đạt so với chỉ tiêu đặt ra nhưng con số này vẫn cao hơn 1,5 lần so với bình quân GDP chung của cả nước.

Nhớ lại những tháng đầu năm 2009, đi đâu chúng tôi cũng bắt gặp sự băn khoăn, lo lắng của doanh nghiệp trước diễn biến của khủng hoảng tài chính thế giới. Bởi chưa có năm nào sản xuất và kinh doanh lại khó khăn như năm nay. Tỷ lệ doanh nghiệp bị phá sản tăng lên, kéo theo là số lao động mất việc làm cũng ngày càng nhiều, giá cả lại leo thang. Thêm vào đó là xuất khẩu giảm mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp TP.HCM trong quý I chỉ đạt 1,9%. Kinh tế TP.HCM trong tình trạng giảm sút nghiêm trọng với tốc độ tăng chỉ đạt 4%. Nhiều người tiên liệu: 20 chỉ tiêu kinh tế xã hội của thành phố đề ra trong năm 2009 chắc khó mà đạt được.

Tuy nhiên, chính trong thời điểm khó khăn ấy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã cùng chung tay góp sức đề ra các giải pháp để cùng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua thách thức. TP.HCM xác định: để phục hồi sản xuất tăng trưởng kinh tế thì doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, vì vậy mà hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo thành phố đã chủ động tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Nhờ đó mà rất nhiều nút thắt đã được mở ra, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động. Đây được xem là cách làm hay của chính quyền TP.HCM.

Bên cạnh đó là việc ban hành kịp thời các cơ chế về hỗ trợ lãi suất từ vốn kích cầu của Chính phủ, các chính sách ưu đãi về miễn, giảm, giãn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… cũng như sự tích cực trong công tác cải cách hành chính của các cấp đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư vực dậy sản xuất, từng bước vượt qua khủng hoảng. Điều đáng nói là, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính quyền thành phố, thì chính các doanh nghiệp cũng đã tự nỗ lực để vươn lên với nhiều giải pháp của đơn vị mình.

Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giấy Sài Gòn cho biết những biện pháp mà công ty đã thực hiện để vượt qua khủng hoảng: “Chúng tôi phải hy sinh bớt lợi nhuận để giữ giá. Có thể đầu vào tăng rất nhiều, nhưng đầu ra chúng tôi vẫn giữ để giúp cho việc tăng trưởng lâu dài. Và cán bộ nhân viên trong công ty phải đồng sức đồng lòng để phát triển thị trường. Năm 2009, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng mà chính quyền, nhân dân cũng như các doanh nghiệp đã nỗ lực để duy trì phát triển sản xuất. Đây là điều mà tôi cho rằng TP.HCM cũng như Việt Nam đã đạt được khá tốt so với các nước trong khu vực”.

Và bắt đầu từ quý II, kinh tế thành phố dần dần có những bứt phá, từ quý I là 4%, quý II là 5,2% , quý III đã là 8,5% và đến quý IV là 10,3%, gần bằng tốc độ tăng các năm trước khi xảy ra khủng hoảng và suy thoái, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm lên 7,8%. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn duy trì ở mức cao hơn so với trung bình cả nước. Trong 20 chỉ tiêu đề ra, thành phố đạt 18 chỉ tiêu. Chỉ có hai chỉ tiêu không đạt như mong muốn là GPD và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì kết quả của hai chỉ tiêu này cũng là một sự nỗ lực rất lớn của TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM cho rằng: “Chỉ tiêu tăng trưởng GDP thành phố đề ra là trên 10%. Với tình hình khó khăn chung, dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu thì thành phố cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể là vào đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, không ký được hợp đồng mới do các nước gặp khó khăn không triển khai hợp đồng, cho nên đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, chỉ đạo của thành phố là không điều chỉnh chỉ tiêu 10% mà quyết tâm thực hiện trong điều kiện thành phố có thể đạt được cao nhất. Cho nên đạt được tốc độ tăng trưởng 7,8% tôi cho rằng đây là điều đáng khích lệ”.

Gồng mình vượt qua cơn khủng hoảng, TP.HCM đã gần như cơ bản đạt được các chỉ tiêu đề ra cho năm 2009. Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, điều quan trọng không phải là vượt hay không vượt chỉ tiêu mà đây là kết quả của sự đồng lòng nhất trí từ Trung ương đến thành phố, của các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành.

Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: “Năm 2009, một năm rất nhiều thử thách, nhưng mà sau khi quán triệt Nghị quyết Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Thành ủy, các ngành, các cấp, các quận, huyện nỗ lực rất là quyết liệt. Trong bối cảnh này, ý nghĩa lớn nhất không phải là vượt chỉ tiêu mà ý nghĩa lớn nhất trong một năm có quá nhiều thử thách khó khăn toàn cầu là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, thành phố của chúng ta đã vượt trong tinh thần đó”.

Năm 2009 đã kết thúc, năm 2010 vẫn còn rất nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, TP.HCM sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt hơn để cùng các địa phương khác trong cả nước vượt qua giai đoạn hậu khủng hoảng, góp phần đưa nền kinh tế nước nhà phát triển một cách bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2009 TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO