Một mũi tên, nhiều mục đích

08/04/2010 02:53

Việt Nam có nguồn tiềm năng năng lượng tái tạo khá dồi dào như năng lượng sinh khối, thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt…

Một mũi tên, nhiều mục đích

Việt Nam có nguồn tiềm năng năng lượng tái tạo khá dồi dào như năng lượng sinh khối, thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt…

Tăng trưởng kinh tế nhanh cùng với mức gia tăng dân số đáng kể đã kéo theo nhu cầu năng lượng ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Đồng thời với phát triển kinh tế và thực hiện các chương trình điện khí hoá nông thôn, nhu cầu điện trong vài năm gần đây đã tăng liên tục, thậm chí còn cao hơn tăng trưởng kinh tế với mức bình quân 17% mỗi năm.

Do nhu cầu điện tăng cao, Việt Nam có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu than và dầu thô vào năm 2015. Triển khai phát triển điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với sản lượng đáng kể có thể sẽ hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng trong tương lai, cải thiện cán cân tài chính cũng như góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Chìa khóa vàng

Theo ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo & Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng), kỷ nguyên sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế của nhiều nước. được dự báo là sẽ cạn kiệt trong tương lai không xa. Sự biến động giá dầu khó có thể dự đoán được phản ánh bởi nhu cầu của các cường quốc kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Sắp tới, Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới vì nhu cầu năng lượng lớn để đáp ứng cho phát triển kinh tế. Tiềm năng thủy điện lớn về cơ bản sẽ được khai thác hết vào thập kỷ tới trong khi nguồn khí và than có giới hạn, điều đó đồng nghĩa là Việt Nam sẽ mất cân đối cung – cầu năng lượng nội địa, sớm phải nhập khẩu năng lượng, trước mắt là than cho điện.

Chung quan điểm này, ông Bùi Xuân Khu – Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: các nguồn nhiên liệu hóa thạch (như than, dầu, khí…) đang ngày càng cạn kiệt và giá của chúng ngày càng cao. Trong quy hoạch phát triển năng lượng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo là một chiến lược quan trọng vì tiêu thụ năng lượng tái tạo chiếm một tỷ lệ lớn trong tiêu thụ năng lượng chung và mặt khác chúng là những nguồn năng lượng sạch. Sử dụng nhiêu liệu hóa thạch gây ra nhiều ảnh hưởng môi trường tiêu cực như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phát thải khí nhà kính làm ấm lên toàn cầu. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực này, đồng thời tạo ra nhiều việc làm phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Tiềm năng lớn

Việt Nam có nguồn tiềm năng năng lượng tái tạo khá dồi dào như năng lượng sinh khối, thuỷ điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt. Theo thống kê, tiềm năng các hệ thống thủy điện nhỏ ở Việt Nam hiện nay là từ 800 MW - 1.400 MW. Ở nhiều khu vực vùng sâu – vùng xa, thủy điện nhỏ quy mô gia đình cũng như các dự án thủy điện cấp cộng đồng đã cung cấp một lượng điện nhất định trong nhu cầu sử dụng hàng ngày của nhân dân. Một số thủy điện nhỏ đã thực hiện phát lưới điện quốc gia với tỷ lệ điện tái tạo nối lưới là 1,8%, tương đương khoảng 1,3 tỷ kWh (thống kê năm 2007).

Một điều tra của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam là 513.360 MW, tương đương với 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, là nhà máy điện lớn nhất ở Đông Nam Á, và 10 lần tổng công suất của quốc gia dự báo cho năm 2020.

Theo ước tính, tiềm năng năng lượng sinh khối là 500 MW. Hiện tại, năng lượng sinh khối vẫn cung ứng cho nhu cầu đun nấu của khoảng gần 70% hộ gia đình khu vực nông thôn. Ngoài ra, sinh khối cũng được sử dụng làm nhiên liệu đốt tại nhiều cơ sở, ngành nghề thủ công khu vực nông thôn cũng như sản xuất gạch – ngói, sành sứ, chế biến nông sản – thực phẩm. Phế thải nông nghiệp, đặc biệt bã mía đang được sử dụng trong ngành sản xuất đường với công nghệ đồng phát năng lượng (nhiệt và điện)…

Ngoài ra, các nguồn năng lượng tái tạo khác như khí sinh học, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, rác thải sinh hoạt, thủy triều… cũng có tiềm năng khá lớn với các chỉ số tương đương: 58 MW, 4-5kWh/m2, 340 MW, 220 MW, 100-200 MW.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù Việt Nam có tiềm năng cho phát triển năng lượng tái tạo nhưng thực tế hiện nay việc triển khai phát triển các dạng năng lượng này chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Tính đến năm 2005, tỉ lệ điện tái tạo (sản xuất từ các nhà máy thủy điện nhỏ, sinh khối, pin mặt trời, và điện gió…) chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, với khoảng trên 2% trong tổng sản lượng điện.

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010 (con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu các Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN đưa ra cho khối này là đến năm 2010 đạt con số 10%); khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050. Đây sẽ là một thách thức lớn vì trong quá trình triển khai, để đạt được mục tiêu này có rất nhiều cản trở và khó khăn cần phải vượt qua.

Ông Cường cho rằng, thách thức chính hiện nay là làm cách nào để hài hòa mục tiêu về bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển kinh tế. Có thể thấy rõ lợi ích của năng lượng tái tạo, như tránh được các chi phí về ảnh hưởng môi trường từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nhưng ngay cả khi chỉ ra được điều này thì sự đánh giá các chi phí tăng thêm, việc chuyển các chi phí này cho người tiêu dùng chi trả sẽ rất khó áp dụng tại thời điểm hiện nay khi mà mục tiêu chống suy giảm kinh tế, chống khả năng tái lạm phát đang là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Nếu giá điện không tăng thì dự kiến các chi phí tăng thêm của năng lượng tái tạo cần phải được bù đắp hoặc bằng các khoản phụ thu từ khách hàng sử dụng năng lượng hoặc từ ngân sách Nhà nước.

Từ thực tế này ông Cường cho rằng, cần phải hình thành các tiêu chí chính cho việc xây dựng và hình thành một khung chính sách khả thi cho phát triển năng lượng ở Việt Nam. Sự ưu tiên cần tập trung vào 3 điểm chính: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo kinh tế; Tối đa doanh thu từ việc bán các chứng chỉ giảm phát thải các-bon cho cộng đồng quốc tế; Tăng cường năng lực trong nước, từng bước nghiên cứu giảm giá thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một mũi tên, nhiều mục đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO