Minh bạch tài sản để chống tham nhũng

03/11/2012 09:16

Muốn chống được tham nhũng phải minh bạch tài sản và kiểm soát được thu nhập, nhất là của những người có chức quyền.

Minh bạch tài sản để chống tham nhũng

Muốn chống được tham nhũng phải minh bạch tài sản và kiểm soát được thu nhập, nhất là của những người có chức quyền.

Chiều 2/11, thảo luận tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng muốn phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả thì phải minh bạch tài sản và kiểm soát được thu nhập, nhất là của những người có chức quyền cũng như lập một ban chỉ đạo có hiệu năng, sức mạnh.

Lãnh đạo càng cao, tài sản càng phải minh bạch

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu thảo luận tại tổ

Nhiều ĐB cho rằng việc kê khai, công khai tài sản là giải pháp quan trọng nhất trong PCTN. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), PCTN có vấn đề quản lý tài sản, vì thế cán bộ phải có nghĩa vụ kê khai tài sản. Theo ĐB này, ở các nước, cương vị càng cao thì mức độ công khai, minh bạch càng phải cao. Nên tránh cào bằng việc công khai tài sản trong dự luật với tất cả các đối tượng.

Không chỉ chống tham nhũng trên phương diện cá nhân lãnh đạo, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) đề nghị các cơ quan phải công khai, minh bạch các nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Nếu không thì người dân làm sao biết được.

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước “rót tiền” về đâu đó thì Chính phủ phải biết việc “rót tiền” như vậy đúng hay sai. Việc cho các tập đoàn vay bao nhiêu tiền thì cấp nào phải được biết? Phải như thế mới kiểm tra được coi có sai phạm hay không.

Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) quan ngại vì dự luật chưa khắc phục được những hạn chế, yếu kém hiện tại. ĐB Quyền nói: “Kê khai, minh bạch tài sản thực tế chỉ là hình thức, không đạt được yêu cầu đặt ra. Sau 6 năm Luật PCTN ra đời, ta vẫn loay hoay việc kê khai tài sản, trong khi đây là việc quan trọng nhất trong PCTN. Không kiểm soát được tài sản thì nói gì tới phòng chống được tham nhũng”.

Nhằm hạn chế tính hình thức trong kê khai hiện nay, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị dự luật nên quy định chặt nội dung này theo hướng thực chất, trong đó chú ý tới việc làm rõ nguồn gốc của tài sản. Đồng thời phải quy định cụ thể cơ chế xác minh, thẩm tra tài sản.

Đa số ĐB đồng tình với việc công khai kê khai tài sản trước mắt chỉ nên ở nơi công tác, chưa nên công khai tại nơi cư trú để dễ kiểm soát hơn.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đề xuất thêm: Khi có đủ công cụ để quản lý thì nên công khai các hồ sơ tài sản, thông tin của cán bộ công chức trên mạng để những ai quan tâm đều có thể xem được, giúp nâng cao hiệu quả giám sát.

Tổng Bí thư làm trưởng Ban Chỉ đạo PCTN?

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu tại thảo luận tổ chiều 2/11.

Do dự thảo Luật PCTN bỏ quy định Thủ tướng đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (Ban Chỉ đạo) nhưng lại chưa nêu cụ thể ban chỉ đạo này sẽ chuyển về đâu và do ai đứng đầu nên đã tập trung khá nhiều ý kiến.

ĐB Bùi Nguyên Súy (Nam Định) băn khoăn tới đây, Ban Chỉ đạo sẽ chuyển về Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm trưởng ban. “Bây giờ Ban Chỉ đạo vừa làm công tác Đảng vừa làm công tác chống tham nhũng cũng là vấn đề. Vậy quản lý Nhà nước có hiệu quả không, có hiệu lực không?” - ĐB Suý đặt vấn đề.

Đồng tình, ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) đề nghị làm rõ việc chuyển Ban Chỉ đạo về Đảng thì hoạt động cụ thể thế nào. “Ban Chỉ đạo không chỉ là công tác chỉ đạo mà quan trọng phải là thiết chế để trực tiếp làm công tác PCTN. Nó đòi hỏi phải có địa vị pháp lý trong thanh tra, giám sát, trực tiếp điều tra xử lý thì lại chưa được nêu rõ” - ĐB Phong nói.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) tư vấn nên thành lập cơ quan chuyên trách, điều tra độc lập PCTN vì thời gian vừa qua có không ít vụ việc lực lượng thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều song tính độc lập chưa cao nên khả năng xử lý hình sự ít. Theo kinh nghiệm các nước, nên giao cho một cơ quan độc lập với Chính phủ, Nhà nước để điều tra.

ĐB Đương kiến nghị: “Tốt nhất là giao cho cơ quan điều tra, VKSND Tối cao. Cần nâng vị thế của người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng là viện trưởng VKSND Tối cao trở thành thành viên của Bộ Chính trị. Có như thế mới gắn bó việc điều tra chống tham nhũng”.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng ủng hộ giao cho VKSND Tối cao và tăng quyền lực cho cơ quan này, nhất là trong việc độc lập điều tra, truy tố. Tuy nhiên, QH cũng cần có một bộ phận chuyên trách tăng cường giám sát như Ủy ban Tư pháp của QH.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) lại ủng hộ đưa Ban Chỉ đạo về bên Đảng. Theo ông, điều này sẽ giúp cơ quan đầu não PCTN đủ mạnh, có thể xử lý kịp thời, răn đe.

“Tổng Bí thư là trưởng ban; Đảng, Chính phủ và QH đều có người làm phó ban; các bộ, ngành, cơ quan là ủy viên. Như thế chỉ đạo toàn diện và quyết định luôn, không còn phải qua các cấp như hiện nay. Hiện đang chuẩn bị nhân sự bộ máy rồi, vấn đề khó còn lại là có quy định trong luật hay không thôi” - ĐB Sơn cho biết. 

Lập ban chỉ đạo thi hành án Vinashin

Tại phiên thảo luận ngày 2/11, các ĐB cho rằng tình trạng nhiều vụ án chậm thi hành, số tiền thu hồi quá khiêm tốn so với con số thực thất thoát, đặc biệt là tại Vinashin. Giải trình về tồn tại này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết trong quá trình xử lý hậu vụ án Vinashin đã phát sinh nhiều tình huống mới. Theo đó, mặc dù vụ việc đã được đưa ra xét xử phúc thẩm nhưng đến nay, TAND TP Hải Phòng vẫn chưa chuyển cho cơ quan thi hành án vì đây là án chủ động thi hành. Trong đó, riêng tiền phạt về phần dân sự của vụ án Vinashin là 950 tỉ đồng.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, do việc bán đấu giá các tài sản, nhất là bất động sản, đang “đóng băng” nên việc thu hồi tiền từ vụ Vinashin vào thời điểm này là rất khó. “Kinh nghiệm từ những vụ án lớn, phức tạp trước đây, Chính phủ đã phải thành lập ban chỉ đạo để hậu xử như vụ EPCO Minh Phụng, Tamexco, do đó Thủ tướng cần thành lập ban chỉ đạo liên ngành để xử lý hậu vụ án Vinashin mới mong thi hành án được”- ông Cường nhận định.

Giải đáp về PCTN còn “nửa vời”, nặng về hình thức, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra 9 giải pháp để khắc phục. Tuy nhiên, ông Tranh cũng chỉ “tự tin” được 4 giải pháp mang lại hiệu quả tích cực, 2 giải pháp trung bình và 3 giải pháp hình thức, không hiệu quả (kê khai tài sản, trả lương qua tài khoản và nộp lại quà tặng). “Công khai, minh bạch tài sản, thu nhập đã thực hiện được bước đầu nhưng đúng là chưa đầy đủ bởi có trường hợp do bí mật Nhà nước, không thể công khai theo quy định. Chúng tôi cũng thấy khó” - ông Tranh phân trần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Minh bạch tài sản để chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO