Máy gặt đập liên hợp: nhường sân cho hàng ngoại?

19/09/2009 01:01

ĐBSCL cần khoảng 15.000 máy gặt đập liên hợp. Đó có thể xem là "bữa tiệc" cho nhà sản xuất. Tuy nhiên hàng ngoại nhập đang lấn sân.

Máy gặt đập liên hợp: nhường sân cho hàng ngoại?

Luá chín sau khi gặt 24 giờ sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển hóa bất lợi nếu không được làm khô ở 150C. Hiện nay, người ta tính tổn thất do không làm chủ khâu gặt đến khi ra gạo khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Chính vì vậy mọi sự chú ý tập trung vào chiếc máy gặt, phổ biến là máy gặt xếp dãy. Khi nhân công gom lúa hiếm hoi, nông dân cần tới máy gặt đập liên hợp.

Máy gặt đập liên hợp mini trong báo cáo của TS Gummert, được đánh giá cao. Ảnh: TS Nguyễn Hiếu Hiền

Hiện nay, cả ĐBSCL có khoảng 3.000 máy gặt đập liên hợp. Phổ biến vẫn là máy nhập từ Trung Quốc và máy do các cơ sở thủ công ở địa phương sản xuất. Máy Trung Quốc gần đây luôn giữ thứ hạng cao trong các hội thi máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL, chẳng hạn năm nay máy TQ giành giải nhất!

Bữa tiệc không dành cho người làm máy nội

Từ 34 năm trước, nông dân miền tây đã quen xài hàng của Yanmar, Kohler, Kubota, Yamaha, John Deer… Hãng KUBOTA gần đây đã trở lại thị trường Việt Nam, với chiếc máy gặt đập liên hợp DC- 60 động cơ 60 mã lực, nặng 2,450 tấn, hàm cắt rộng 1,9 mét, công suất thu hoạch 3 – 6 công/giờ, di chuyển nhanh trong điều kiện đất ngập nước và sình lầy… Tuy giá bán đến 25.200USD nhưng đã có 5 nông dân ở An Giang mua 5 máy sau khi xem hàng.

ĐBSCL cần khoảng 15.000 máy gặt đập liên hợp. Đó có thể xem là "bữa tiệc" cho nhà sản xuất. Tuy nhiên, một nhà sản xuất máy gặt đập liên hợp ở đồng bằng nói: “Hội thi máy gặt đập liên hợp năm nay, máy TQ đoạt hạng nhứt, nên cách tốt nhứt là chuyển sang làm những loại máy khác hoặc chỉ sản xuất cầm chừng".

Việc hỗ trợ lãi suất 4% cũng không phải là bữa tiệc dành cho người làm máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL cũng như cho người muốn mua máy. Giám đốc công ty Hoàng Thắng, chuyên làm máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp cho biết ông chưa được hưởng gì từ chương trình vay vốn hỗ trợ lãi suất này.

Trong tháng 4-5/2009, ông vay ngân hàng chịu lãi 0,87%/ tháng. Nếu không thế chấp giấy tờ nhà đất của gia đình thì ông không đủ tiền mua nguyên liệu sản xuất 20 máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, tới nay ông chỉ bán được 5 máy, 15 chiếc còn lại chưa biết làm thế nào để xuất xưởng, khi nông dân đặt hàng rồi buông tay. Tại Cần Thơ, chương trình cho vay theo Quyết định 497/QĐ-TTg (ngày 17.4.2009) đến thời điểm này chỉ mới có 5 nông dân tiếp cận nguồn vốn vay để mua sắm nông ngư cơ, với tổng số vốn đã giải ngân là 160 triệu đồng.

Một mẫu máy gặt đập liên hợp của cơ sở Tư Sang. Ảnh: Vị Thủy

Nên bắt đầu từ phụ tùng

Tiến sĩ Trần Trung Tính, khoa công nghệ trường đại học Cần Thơ, nhận xét: “Hiện nay, nhiều nhà sản xuất thủ công bắt đầu làm máy cấy, sau khi họ nhìn thấy một vài mẫu máy mới du nhập, chào bán. Tương lai máy cấy sẽ cuốn hút suy nghĩ của người nông dân, khi ngập lũ kéo dài phải gieo mạ cấy lúa”. Kịch bản biến đổi khí hậu đã giúp một số cơ sở thay đổi cách làm.

Theo dự kiến, ĐBSCL cần khoảng 15.000 máy gặt đập liên hợp, nhưng không biết bao giờ mới có đủ máy cho ĐBSCL, nơi được cảnh báo sẽ có lao động lão hóa nhanh hơn dự kiến. Hàng ngoại sẽ nhào vô sân chơi của máy cấy và biết bao thứ máy mà sự ham thích sáng tạo của những cây sáng kiến chân đất ở đồng bằng này nghĩ ra.

Máy nông nghiệp của Vinapro. Ảnh: Hoàng Lan

Tiến sĩ Tính cho biết, trừ máy nổ mua về lắp, máy gặt đập liên hợp phức tạp nhất ở chỗ dao cắt, mà các cơ sở trong nước thấy đó là vấn đề rắc rối, do họ luyện kim kiểu thủ công. Ngoài ra còn vấn đề về bánh xích, nguồn điện, hệ thống hút rơm lấy hạt... Bài toán này bản thân các cơ sở sản xuất thủ công không lo nổi.

Nhưng các cơ sở lại muốn một mình sản xuất ra chiếc máy gặt, không có khuôn mẫu giống nhau, như thợ may đo chứ không thành xưởng may công nghiệp. Do đó không thể nối kết. Cách làm này đi ngược tâm lý của người mua luôn mong muốn có phụ tùng thay thế là ưu tiên số 1 khi mua hàng.

Tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, khi tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp khởi động, họ bắt đầu từ việc sản xuất những phụ tùng đúng tiêu chuẩn, có thể lắp lẫn máy này với máy khác nếu cùng một dòng sản phẩm. Thái Lan chấp nhận “máy nội, ruột ngoại”, nhưng có lộ trình tăng dần tỷ lệ nội địa hóa lên và hiện nay nước này đã sản xuất máy để xuất khẩu.

Nhiều loại máy nông nghiệp của Nhật đang xuất khẩu vào Việt Nam, lại có xuất xứ từ Thái Lan. Trong khi đó, hơn 3 thập niên trước, những tên tuổi này đã có mặt ở Biên Hòa.

Máy gặt đập liên hợp thuần Việt: bao giờ?

Ts Phan Hiếu Hiền, người tham gia những dự án của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), kể: trong một báo cáo của TS Martin Gummert, chuyên gia phát triển sau thu hoạch thuộc IRRI về Dự án nghiên cứu lúa tưới đã bất ngờ khi ghi nhận mẫu máy gặt mini của VINAPRO xuất hiện trong vùng dự án với đặc tính kỹ thuật: công suất gặt 1,5ha/ngày, giá 4.000USD, chỉ cần 3 lao động, tỷ lệ thất thoát chỉ còn 1-2%.

Tại sao sản phẩm này không được bày bán ở miền tây? Ngành cơ khí trong nước đã từng có một cuộc đua thành tích để đạt kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD sau 5 năm thực hiện "Chiến lược phát triển ngành cơ khí VN đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020".

Thật trớ trêu, càng gần điểm đích của doanh số thì càng bỏ xa nhu cầu trong nước, tạo khoảng trống trên thị trường. Với nhu cầu 15.000 máy gặt đập liên hợp, nếu tính giá bình quân mỗi máy 160 triệu đồng, trái bóng lợi ích đang được chuyền cho các nhà sản xuất từ Trung Quốc, Nhật, Thái Lan…

“Cả vùng có 32.000 máy suốt lúa, phần lớn đều do dân làm”, TS Nguyễn Duy Cần, phó giám đốc viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) nói.

Chỉ trong vòng vài năm, máy gặt đập liên hợp Trung Quốc chiếm khoảng 90% số máy hiện có. Một chiếc máy gặt đập liên hợp “thuần Việt” trong điều kiện hiện nay lại có nhiều tranh cãi: làm từ A tới Z hay chấp nhận “ruột ngoại” và tăng dần tỷ lệ nội địa hóa theo lộ trình? Ai sẽ làm việc này?

Trong quan hệ “4 nhà”, người ta chờ nhà có quyền nhất ra lệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Máy gặt đập liên hợp: nhường sân cho hàng ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO