Mặt hàng nào tại siêu thị đã bắt đầu tăng giá?

Nguồn VTC| 07/12/2009 02:35

Ngoài một số nhóm mặt hàng đã biến động về giá như dầu ăn (tăng 5%), thực phẩm đông lạnh (tăng 7 - 10%), bánh kẹo ngoại (tăng 10 - 20%)...

Mặt hàng nào tại siêu thị đã bắt đầu tăng giá?

Ngoài một số nhóm mặt hàng đã biến động về giá như dầu ăn (tăng 5%), thực phẩm đông lạnh (tăng 7 - 10%), bánh kẹo ngoại (tăng 10 - 20%)... hầu hết các mặt hàng thiết yếu được bày bán tại các siêu thị Hà Nội sẽ giữ giá trong tháng 12.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội ông Vũ Vinh Phú cho biết như vậy trước những lo lắng của NTD về thông tin giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống có thể sẽ tăng 5 - 15% bắt đầu từ tháng 12 này. 

Một số nhà cung cấp nước giải khát, thực phẩm chế biến đông lạnh... đề xuất mức tăng 5-10%.

Theo ông Phú thì do đặc điểm các mặt hàng bày bán trong siêu thị 70% được sản xuất phần lớn tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, khoảng cách địa lý xa xôi là lý do để các DN phía Bắc thường xuyên phải tích trữ 1 lượng lớn hàng hóa trong kho vì vậy khi các siêu thị miền Nam rục rịch tăng giá các mặt hàng bày bán, thì các DN ngoài Bắc chưa có ý kiến gì. Chính độ trễ này là lý do mà đến nay các giá các mặt hàng ngoài Bắc này vẫn ổn định. 

“Tôi vừa đi khảo sát 1 loạt các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nói chung chỉ có 1 số nhóm các mặt hàng có biến động về giá như dầu ăn (tăng 5%), thực phẩm đông lạnh (tăng 7 – 10%), bánh kẹo ngoại (tăng 10 – 20%). Riêng mặt hàng bánh kẹo nội lại giảm 5%”, ông Phú cho biết. 

Ông Phú cũng cho biết, sở dĩ hiện nay giá cả một số các mặt hàng phục vụ đời sống đại bộ phận người dân ngoài thị trường tự do như thịt, cá, gạo tăng giá là do chịu ảnh hưởng bởi nhiều thông tin như việc họ vin cớ là đồng tiền mất giá, tỷ giá đô la tăng … Còn tại các siêu thị, quan điểm của Hiệp hội quán triệt tất cả các thành viên là trước khi chấp nhận tăng giá bán của nhà cung cấp phải đàm phán cặn kẽ, nếu nhà cấp không đưa ra được lý do thích đáng thì sẽ cương quyết không chấp nhận cho tăng giá, thậm chí các siêu thị thành viên có thể bỏ nhà cung cấp cũ nếu họ cương quyết tăng giá mà không chấp nhận đàm phán. 

“Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp, họ cạnh tranh nhau về giá, về dịch vụ vì vậy các siêu thị hoàn toàn có thể kiểm soát được nguồn cung. Chỉ chấp nhận cho nhà cung cấp tăng giá bán nếu việc tăng giá đó là bất khả kháng. Không thể để các nhà cung cấp tăng giá kiểu “té nước theo mưa” được”, ông Phú khẳng định. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Hiện, bánh kẹo ngoại (tăng 10 – 20%). Riêng mặt hàng bánh kẹo nội lại giảm 5% .

Cũng theo ông Phú thì năm nay 13 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã nhậm được tạm ứng vốn là 250 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, các siêu thị cũng đã cam kết ổn định giá một số các mặt hàng nhu yếu phẩm, và các cơ quan chức năng của thành phố cũng sẽ làm mạnh tay với các DN tăng giá một cách bất hợp lý, vì vậy người dân Thủ đô có thể yên tâm một phần về giá cả các mặt hàng thiết yếu vào dịp Tết nguyên đán. 

Siêu thị lớn cam kết đủ hàng và giá tốt

Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart bà Vũ Thị Hậu - Phó GĐ Công ty Nhất Nam - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart cũng chia sẻ: Siêu thị cũng đã nhận được thông báo của một số nhà cung cấp với đề nghị tăng giá một số mặt hàng nhưng siêu thị đang yêu cầu nhà cung cấp phải giải trình nguyên nhân tăng giá, nếu như lý do thỏa đáng thì mới đồng ý cho tăng giá theo yêu cầu. 

Đại diện Big C cho biết, tại siêu thị, nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả giá vẫn sẽ ổn định

“Thực ra chỉ mới có một vài nơi là các nhà cung cấp hàng nhập khẩu đề nghị tăng giá do thời gian gần đây tỷ giá đô la lên cao quá. Còn các nhà cung cấp trong nước thì chưa thấy động thái gì. Hiện, giá các mặt hàng tại siêu thị vẫn ổn định trừ mặt hàng bánh kẹo nhập ngoại tại hệ thống siêu thị đã tăng giá khoảng 10%”, bà Hậu cho biết. 

Vị đại diện của hệ thống siêu thị Fivimart cũng cho biết, đơn vị của bà vừa nhận được tiền ứng vốn nhập hàng Tết của thành phố. Và “Fivimart cam kết giữ giá ổn định các mặt hàng thiết yếu, không để cho tăng giá đột biến. Chúng tôi sẽ cố gắng lựa theo nhiều nhất có thể, chỉ chấp nhận các yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp nếu thấy lý do chính đáng. Tuy nhiên, một số mặt hàng nội địa có thể sẽ phải tăng giá khoảng 5-10% trong thời gian tới do giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng”. 

Còn bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C cũng cho biết: “Hiện Big C kinh doanh đến 50 nghìn mặt hàng do vậy giá cả các mặt hàng cũng thường xuyên thay đổi. Nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả giá sẽ vẫn ổn định do Big C luôn xem xét cân nhắc chọn lựa các nhà cung cấp tốt nhất trên từng mặt hàng. Mọi nguyên nhân tăng giá từ nhà cung cấp đều được Big C xem xét kĩ lưỡng.

Tuy nhiên, duy có mặt hàng nhạy cảm như đường ăn là tăng giá nhiều nhất. Song Big C cũng cố gắng đàm phán để mức tăng chỉ là tối thiểu. Cuộc chiến giữ ổn định giá vẫn được Big C bền bỉ duy trì”. 

Bà Trang cũng cho biết, việc tăng giá các mặt hàng xảy ra khi mà nguồn cung không đáp ứng được sức cầu gây khan hiếm dẫn đến tăng giá, vì vậy hiện nay, Big C đã chuẩn bị các nguồn hàng từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả, bánh kẹo khá dồi dào, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu tăng cao của người dân trong dịp cuối năm. 

“Chúng tôi sẽ cố gắng để giữ giá ổn định nhất có thể các mặt hàng thiết yếu, Ngoài ra theo kế hoạch từ này đến Tết nguyên đán Big C sẽ cho chạy 3 chương trình khuyến mại lớn với trên 1.500 mặt hàng khuyến mại có mức giảm từ 5 – 50% đảm bảo đủ hàng cung cấp cho người tiêu dùng với giá tốt nhất”, bà Trang cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mặt hàng nào tại siêu thị đã bắt đầu tăng giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO