Mắc ca Việt Nam phải có thương hiệu, thu hút nhiều đầu tư

Lữ Ý Nhi| 29/09/2020 03:27

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua, định hướng và giải pháp trong thời gian tới” được tổ chức vào sáng  29/9, tại TP Buôn Ma Thuột do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bô NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Dăk Lăk, Hiệp hội mắc ca Việt Nam tổ chức.

Mắc ca Việt Nam phải có thương hiệu, thu hút nhiều đầu tư

Dư địa lớn

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Mắc ca là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho vùng Tây nguyên,Tây Bắc và chưa có cây nào có nhu cầu tăng đến 200% như hiện nay, vì vậy cần phải phát triển, xây dựng thương hiệu cho mắc ca Việt Nam và phải thu hút nhiều nhà đầu tư vào loại cây này. Tuy nhiên, để người nông dân thu hoạch mắc ca đạt hiệu quả cao, cây có trái thì khâu quản lý giống, quy hoạch vùng đất trồng nào phù hợp, quản lý ra sao, trong đó quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi: Nhu cầu tăng, diện tích tăng nhưng tăng bao nhiêu để đảm bảo cho người dùng và người sản xuất, chứ không phải...chạy theo "nhu cầu tăng" để đáp ứng. Đặc biệt, phải tìm được thế mạnh, đặc tính và khác biệt của mắc ca Việt Nam so với Úc. Muốn vậy, khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cho mắc ca như thế nào....là hoàng loạt câu hỏi cần được giải đáp cụ thể”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, cây mắc ca nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ nông dân, thời gian tới, sản lượng cung cầu trên thế giới sẽ tăng nhanh với tốc độ cung tăng đến 9%/năm, cầu tăng 12%, đây là cơ sở quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu mắc ca giai đoạn 2021-2030 và định hướng cây tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích trồng tập trung để xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp  Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu một tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, 10 năm trở lại đây, ngành chế biến mắc ca trên thế  giới phát triển rất nhanh, sản lượng từ hơn 27.500 tấn nhân năm 2009 lên đến hơn 60.000 tấn nhân vào năm 2019, giao dịch thương mại tăng từ 29.000 tấn năm 2009 lên đến hơn 58.000 nhân vào năm 2019, giá cũng tăng từ 2 đô la Úc/kg  năm 2009 lên đến 6 đô la Úc/kg năm 2020, nhu cầu cũng dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do lượng tiêu thụ sản phẩm của mắc ca hiện chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới.

Theo thống kê của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, mắc ca đang được trồng tại 23 tỉnh với tổng diện  tích 16.553,9 ha, năng suất bình quân của các vùng trồng đạt 3 tấn hạt tươi/ha, sản lượng năm 2020 ước thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với gía bán hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/ tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu còn lại phục vụ trong nước). Đến nay, sản phẩm mắc ca đã xuất khẩu 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp...

Còn nhiều thách thức

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 10 năm gần đây, mắc ca phát triển nhanh nhưng mới chỉ đạt 200 ngàn tấm sản lượng với 450 ngàn ha trồng, chiếm 1% sản lượng hạt có dầu là còn quá nhỏ. Thủ tướng cũng cho biết: ‘Có nông dân kể rằng, họ trồng 5-7ha mắc ca nhưng toàn lá, không có trái. Cần phải xem lại chất lượng giống, quản lý Nhà nước về giống, quy hoạch vùng trồng hợp lý chưa…Bên cạnh đó, có một nghịch lý vẫn diễn ra ở Việt Nam là được mùa mất giá, được giá mất mùa.Vì vậy, Hội nghị hôm nay có các Bộ trưởng, Lãnh đạo các địa phương, chúng ta phải bàn luận cách quản lý quy hoạch, có tư duy phát triển.

4600-2-6153-1601360708.png

Toàn cảnh Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc phát triển mắc ca đang gặp không ít thách thức, trở ngại, công tác quản lý giống tại một số địa phương chưa được quan tâm, có hiện tượng kinh doanh giống không có nguồn gốc, chất lượng nên xảy ra tình trạng cây trồng không ra trái, việc nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế.

Đại diện Sở Nông nghịêp &Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cũng cho rằng: “Một số hộ gia đình, cơ sở đã tự gieo ươm và bán giống giá cao cho nông dân, lại không có nguồn gốc, sử dụng cây thực sinh, chất lượng không đảm bảo gây ảnh hưởng đến việc ra trái. Bên cạnh đó, các quy trình hiện tại không phù hợp với thực tiễn sản xuất theo từng vùng, từng giống, từng loại hình canh tác, chưa có khuyến cáo về mật độ, chế độ chăm sóc dẫn đến nhiều nơi trồng chưa hiệu quả. Một số nơi diện tích trồng không phù hợp với quy hoạch của Tỉnh. Đặc biệt, cây mắc ca là cây trồng khá dài ngày, giá cây giống ghép cao, cạnh tranh với nhiều cây như bơ, sầu riềng, nhất là phải thu hoạch nhặt quả hàng ngày vì không kịp sẽ bị chuột, sóc và côn trùng cắn phá...nên người dân chưa chú trọng phát triển.

Ông  Huỳnh Ngọc Huy- Tổng Thư  ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng cho biết, ở một số nơi trồng mắc ca còn phân tán, năng suất thấp, chưa hình thành được vùng tập trung gắn với chuỗi gía trị mắc ca gồm giống- vườn trồng-chế biến-tiêu thụ- kết nối thị trường quốc tế.

Đại diện Ủy ban nhân dân Tỉnh Điện Biên cho rằng, một trong những khó khăn của Tỉnh là trình độ canh tác và điều kiện canh tác, vốn tự có của đa số nông dân còn hạn chế nên phát triển theo mô hình hộ khó khăn, rủi ro cao. Bên cạnh đó, tỉnh có địa hình chia cắt, dốc, xen kẽ thung lũng sâu và hẹp, hệ thống đường lâm nghiệp còn thiếu, suất đầu tư cao, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Tỉnh hạn hẹp đang gây khó khăn, trở ngại cho nhà đầu tư.

Ở góc độ nhà sản xuất, chế biến, ông Đỗ Đình Dũng- Giám đốc Công ty CP Việt Xanh Maca cho biết, Việt Xanh Maca là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng xây dựng nhà máy chế biến mắc ca và đang xuất khẩu vào Nhật bản, Hàn Quốc nhưng Công ty đang gặp khó khăn khi chưa thể tiếp cận được với các chính sách vốn vay ưu đãi, giảm lãi suất vay, giãn thời gian nộp thuế trong tình hình dịch bệnh vừa qua. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch, Công ty phải ngừng xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa giảm 60%, gía bán gỉam 20%, 9 tháng đầu năm Công ty chỉ hoạt động trong 3 tháng, thu mua chế biến được khoảng 70 tấn nguyên liệu, chỉ đạt 20% công suất của nhà máy. Đặc biệt, việc áp dụng thuế VAT doanh nghiệp rất khó khăn do văn bản quy định chưa rõ ràng. Hiện, công ty đang vướng thuế suất 5% và 10% từ năm 2016 từ nay và đang xin hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết.

thu-tuong-290920-02-8091-1601360709.jpg

Đại biểu lãnh đạo các Bộ, Ngành tham dự hội nghị

Riêng về nguồn vốn, ông Dũng cho biết thêm, thời điểm thu hoạch mắc ca là tháng 5 và tháng 8, trong khi Công ty là doanh nghiệp nhỏ nên khó khăn về nguồn vốn để thu mua dự trữ măc ca nguyên liệu. Công ty phải đi thuê nhà xưởng nên gần như không có tài sản thế chấp nên không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. 

"Với chủ trương của Thủ tướng và cũng là mục tiêu của Công ty đưa ra là xây dựng thương hiệu Việt cho mắc ca, vì vậy, chúng tôi không thể nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, trong khi sản lượng mắc ca ở Tây Nguyên còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của Công ty nên một số thời điểm như tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, chúng tôi phải ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, công nghệ, máy móc chế biến phải tự nghiên cứu nên năng suất và chất lượng chưa cao", ông Dũng cho biết thêm.

Một doanh nghiệp tại Lâm Đồng cũng cho biết, muốn tránh tình trạng “được mùa mất giá” thì phải chế biến. Thế nhưng, dù các doanh nghiệp đã tham gia chế biến nhưng không dủ vốn sản xuất do quy mô đa số các công ty chế biến mắc ca hiện còn nhỏ. Đơn cử, mới đây có một công ty Nhật bản đặt mua hàng nhưng Công ty chúng tôi không đáp ứng được đơn hàng lớn vì nguồn vốn có hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mắc ca Việt Nam phải có thương hiệu, thu hút nhiều đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO