Lương theo bằng cấp nên ngại học nghề

18/07/2009 07:39

Đã có nhiều lời cảnh báo rằng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang đến hồi báo động, do vậy việc học nghề sẽ dễ tìm việc làm hơn.

Lương theo bằng cấp nên ngại học nghề

Đã có nhiều lời cảnh báo rằng tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang đến hồi báo động, do vậy việc học nghề sẽ dễ tìm việc làm hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy học sinh vẫn đổ xô đi thi đại học, trong khi trường nghề thì vắng hoe. Giải thích về nghịch lý này, ông Mạc Văn Tiến (ảnh), viện trưởng viện Khoa học dạy nghề, nói:

Tôi cho rằng thực tế trên xuất phát từ việc phân luồng học sinh chưa được tốt, vì nhiều lý do. Hiện nay tâm lý của người Việt vẫn chưa thật thay đổi nhiều, đó là tâm lý trọng bằng cấp. Bởi vậy học nghề trở thành lựa chọn sau cùng.

Lý do nữa là việc liên thông trong đào tạo chưa có, ví dụ người học trung cấp nghề sau ba năm đi làm muốn học thêm lên cao đẳng, đại học lại phải học lại từ đầu dù cùng nghề đó về kỹ thuật. Chương trình đào tạo liên thông được thiết kế chưa thật hợp lý. Ba năm học trung cấp nghề rồi thì không cần phải học lại những kiến thức đã được đào tạo nữa mà chỉ cần học nâng cao thôi, nhưng đây lại phải học lại từ đầu.

Thêm nữa, lương của người tốt nghiệp hệ thống giáo dục phổ thông luôn được xếp cao hơn người học nghề nên người lao động thích học đại học, cao đẳng là đúng.

Chính sách tiền lương bất cập đang được nhìn nhận là không phù hợp với chính sách thúc đẩy đào tạo nghề hiện nay?

Về mặt chính sách, ở các nước khác người có kỹ năng nghề cao, lương rất cao. Thu nhập được trả theo công việc, trình độ và kỹ năng của người lao động. Nhưng ở Việt Nam hiện nay có hạn chế về việc xếp lương theo thang, bảng lương, đặc biệt với hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp. Theo cách xếp lương này, cứ người nào có học vấn cao, không cần biết công việc thế nào, đương nhiên có lương cao hơn. Các doanh nghiệp hiện cũng đang thay đổi nhưng hầu hết vẫn dựa trên hệ thống thang, bảng lương Nhà nước để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động.

Nếu đúng theo thị trường lao động, cho dù có tốt nghiệp đại học mà làm bảo vệ cũng chỉ nhận được lương bảo vệ thôi. Tâm lý không thích học nghề là có nguyên nhân từ đây. Bên cạnh đó, người học cao đẳng nghề đang được xếp lương thấp hơn 1 bậc so với người tốt nghiệp trường cao đẳng của hệ thống giáo dục đại học. Điều này thực sự không ổn nếu nhìn về tổng thể các chính sách kích thích dạy nghề.

Có hiệu trưởng trường nghề nói, hiện nay những học sinh khi không trúng tuyển vào các trường đại học sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục đại học. Làm như vậy chẳng khác gì “khai tử” trường nghề?

Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến này, bởi hiện nay cả hai hệ thống giáo dục quốc dân và dạy nghề từ hệ cao đẳng trở xuống đều xét tuyển mà không thi tuyển. Các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân lấy kết quả của thi đại học để xét tuyển nhưng bên trường nghề có thể dựa trên các tiêu chí, có thể là kết quả thi đại học để xét tuyển. Các trường nghề tuỳ theo yêu cầu để đưa ra những tiêu chí xét tuyển của riêng mình. Một số nghề sẽ xét tuyển khó khăn nhưng đó là chuyện bình thường của thị trường, khi nghề đào tạo không còn hấp dẫn nữa thì sẽ khó tuyển sinh.

Có ý kiến cho rằng các chính sách không đồng bộ hiện nay khó cải thiện được chất lượng lao động ở nước ta?

Đó là điều hoàn toàn đúng. Tôi được biết hiện bộ Lao động – thương binh và xã hội đã được giao xây dựng hai chiến lược rất lớn, đó là chiến lược phát triển dạy nghề và chiến lược phát triển thị trường lao động tới năm 2020. Hai yếu tố dạy nghề và thị trường lao động bao giờ cũng đi đôi với nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần một chiến lược tổng thể hơn nữa, đó là chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, với các chính sách bao quát như vấn đề tiền lương, đãi ngộ… mới có thể tăng được số người học nghề để bù đắp thiếu hụt của thị trường lao động.

Học đại học để “thoát” đời thợ

Mai Thuỳ Minh Hoàng (khoa kinh tế, ĐH Văn Hiến): Em chọn học đại học mà không học nghề dù học đại học vất vả hơn, thi khó khăn hơn vì em thấy học nghề sau này ra trường lương không cao. Với lại, cầm tấm bằng đại học đi xin việc cũng dễ dàng hơn. Hình như xã hội bây giờ những người có bằng cấp vẫn được nể trọng hơn những người giỏi nghề

Phùng Lệ Xuân (công nhân công ty TNHH Saigon Precision hiện đang là sinh viên năm 2, khoa quản trị kinh doanh, ĐH Nông lâm TP.HCM): Động lực để em quyết định đi học là do em muốn thay đổi môi trường làm việc, môi trường sống. Mức lương công nhân hiện nay không đủ trang trải cho cuộc sống nên em nghĩ học đại học xong em sẽ có cơ hội xin được một công việc có thu nhập khá hơn. Vừa đi học, vừa đi làm rất vất vả nhưng em vẫn quyết tâm học vì em nghĩ chỉ có cách này mình mới thay đổi được kiếp sống công nhân với lương ba cọc ba đồng lại phải chịu đủ thứ áp lực. Em nghĩ học nghề cũng tốt nhưng rõ ràng giữa một người thợ có tay nghề so với một công nhân thì cũng chẳng cao hơn nhau bao nhiêu. Và em hy vọng nếu có điều kiện thì sẽ học cao hơn nữa chứ không chỉ dừng ở bậc đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lương theo bằng cấp nên ngại học nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO