Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mới là khởi đầu

NGUYÊN BẢO| 14/06/2017 06:23

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV sáng 12/6, với 410/442 phiếu tán thành (83,50%), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Quốc hội thông qua.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mới là khởi đầu

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV sáng 12/6, với 410/442 phiếu tán thành (83,50%), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Quốc hội thông qua.  

Đọc E-paper

Luật tập trung vào 7 nội dung hỗ trợ đối với các tổ chức trung gian để các tổ chức này hỗ trợ lại cho DNNVV. Luật cũng đưa ra nguyên tắc chung để đơn giản các thủ tục về thuế, kế toán, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh.

Thêm nữa, Luật Hỗ trợ DNNVV khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận tín dụng, đưa ra ba quỹ giúp doanh nghiệp có điều kiện nhận vốn vay sản xuất, kinh doanh, đó là Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Luật Hỗ trợ DNNVV được thông qua sẽ góp phần hỗ trợ cho khoảng 95% DN Việt Nam. Cộng đồng DN kỳ vọng đây là đạo luật quan trọng, thể hiện vai trò của Chính phủ kiến tạo phát triển khi hỗ trợ thúc đẩy phát triển khối DN tư nhân, hướng tới mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.

Song, đây chỉ là bước khởi đầu, bởi để Luật đi vào đời sống còn phải có các văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư). Hơn nữa, trong việc hỗ trợ DNNVV, vấn đề không chỉ ở chính sách, tín dụng mà còn ở các tổ chức trung gian như hội, hiệp hội, các cơ quan xúc tiến và cả các DN lớn. Có thể tham khảo về sự hỗ trợ này qua cách làm của Nhật Bản.

Năm 2016, một đoàn DNNVV thuộc tỉnh Osaka, Nhật Bản sang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP.HCM chia sẻ, trước khi có chuyến đi này, họ đã tìm hiểu thông tin qua JBAV (Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam), JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và các tổ chức hỗ trợ DN xúc tiến đầu tư tại địa phương.

Trên cơ sở nắm được nhu cầu đầu tư, hợp tác của các DNNVV ở địa phương và nhu cầu từ phía DN tại Việt Nam, các cơ quan hỗ trợ sẽ ghi nhận, sắp xếp và tạo kết nối cho hai bên gặp nhau. Điều đáng nói là trong những cuộc khảo sát thị trường này, các tổ chức tài chính của Nhật Bản đóng vai trò quan trọng, họ hỗ trợ thẩm định về năng lực của đối tác, về tính khả thi của dự án, khu vực mà DNNVV Nhật muốn đầu tư, đồng thời tạo các gói tín dụng ưu đãi để cộng đồng DNNVV Nhật "mang chuông đi đánh xứ người".

Theo chia sẻ của đại diện một nhà phát triển khu công nghiệp ở Đồng Nai, trong những cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu thuê đất, bên cạnh các tổ chức tài chính, các đơn vị hành chính còn có sự tham gia hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cũng như giới thiệu của các DN lớn của Nhật, vốn đã đầu tư nhiều năm tại Việt Nam. Điều này cho thấy, tính cộng đồng của DN Nhật Bản nói riêng và DN ngoại nói chung rất cao, họ sẵn sàng chia sẻ các cơ hội kinh doanh, đầu tư trên tinh thần cùng nhau có lợi.

Trong khi đó, ở ta, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế tại các hội thảo liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam thì tính liên kết của DN chưa cao. Trong đó DN lớn chưa thể hiện được vai trò đầu tàu, dẫn dắt các DN nhỏ hơn trong cùng ngành, một số tổ chức chưa làm tròn vai trò cầu nối giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng, nhằm giúp cộng đồng DN phát triển.

Chẳng hạn như "sự cố asen trong nước mắm" vừa qua đã làm nhiều DNNVV khu vực sản xuất nước mắm truyền thống điêu đứng. Con số 15 triệu đồng phạt Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) - đơn vị thực hiện cuộc khảo sát và công bố số liệu liên quan đến vụ việc mà Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đưa ra chưa đủ thuyết phục cộng đồng DN lẫn xã hội. Và việc không đi đến cùng DN nào đứng ra tài trợ cho cuộc khảo sát này đã phần nào gây sứt mẻ niềm tin về môi trường kinh doanh minh bạch!

>>SME Việt Nam: Số hóa hay trở nên "vô hình"?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mới là khởi đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO