Lĩnh vực mới mẻ, vừa học vừa làm...

17/07/2009 07:11

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin quốc gia tại cuộc hội thảo ngày 16/7 ở TP.HCM

Lĩnh vực mới mẻ, vừa học vừa làm...

Với chủ đề “Xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương”, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử đã được tổ chức ngày 16/7 tại TP. Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Công nghệ thông tin (CNTT) quốc gia đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng, với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiệp hội, Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới - Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng, với sự quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hiệp hội, Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới - Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội thảo, báo cáo tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã chỉ ra xu hướng của Chính phủ điện tử (CPĐT) đang chuyển dần sang một giai đoạn mới mà nhân tố quan trọng nhất là thông tin. Tương lai của CPĐT sẽ là một hệ thống mới xoay quanh việc hình thành, chia sẻ và luân chuyển của các luồng thông tin trong nội bộ các cơ quan Chính phủ cũng như giữa Chính phủ với người dân và các doanh nghiệp. Có thể coi đây là một hệ thống “mở” về thông tin. Trong hệ thống này, thông tin sẽ được lưu chuyển rộng rãi trên mạng và được chọn lọc để sử dụng một cách hiệu quả nhất tùy vào người và mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, như với bất kỳ một hệ thống “mở” nào, hệ thống thông tin này gắn liền với những thách thức về quản lý, công nghệ, đầu tư và đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải lường trước được sự phức tạp nảy sinh từ thực tế, từ đó, có biện pháp quản lý phù hợp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế CNTT-TT-ĐT Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn

Những kinh nghiệm từ ứng dụng CNTT tại các địa phương thời gian qua cho thấy, cần phải tìm hiểu nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp trước khi thực hiện “tin học hóa” các thủ tục hành chính để cho các dịch vụ này đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, CNTT quyết định tới 90% năng suất lao động của cán bộ, công chức. Những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu sẽ giúp ích cho Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành và hoàn thiện những cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển CPĐT hiệu quả, đem lại nhiều dịch vụ có ích cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra bất cập trong quá trình xây dựng CPĐT. Đó là chuyện “người cũ làm việc mới” mà cụ thể là, hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý CNTT ở các địa phương đều không được đào tạo cơ bản về CNTT.

Một vấn đề nữa, theo Phó Thủ tướng cần phải khắc phục ngay, đó là mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật về quản lý đầu tư và việc mua sắm, đầu tư thiết bị CNTT. Trong khi các thiết bị CNTT, phần mềm thay đổi nhanh chóng thì các văn bản quy định về đầu tư mua sắm thiết bị “chưa theo kịp” nên đã gây ra những cản trở nhất định. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng CPĐT đòi hỏi quyết tâm cao của các địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan một gian hàng điện tử tại Triển lãm quốc tế CNTT-TT-ĐT Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn

Bắt đầu được tổ chức từ năm 2003, Hội thảo quốc gia về CPĐT thu hút sự quan tâm lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Hội thảo lần này do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ TTTT, UBND TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Vietnam phối hợp tổ chức với 1.500 đại biểu tham dự.

*Cũng trong sáng 16/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự lễ khai mạc và tham quan Triển lãm quốc tế CNTT-TT-ĐT Việt Nam (Vietnam Computer World Expo – VCW 2009) tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo còn tiếp tục trong ngày 17/7.

Theo Bộ TTTT, việc triển khai ứng dụng hệ thống thư điện tử cho cán bộ, công chức trên cả nước tính đến hết năm 2008 như sau: Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: có 80% cán bộ được cung cấp hộp thư điện tử công vụ, nhưng chỉ 47% thường xuyên sử dụng và chỉ có 21% Bộ, cơ quan ngang Bộ ứng dụng thành công CNTT trong quản lý.

Ở địa phương: chỉ có 43% cán bộ, công chức được cấp hộp thư công vụ nhưng chỉ có 24% trong số này thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử. 80% công chức các Bộ được trang bị máy tính; các tỉnh là 60%.

Tỷ lệ tổ chức họp theo hình thức trực tuyến đối với các Bộ, ngành là 63%, các địa phương là 38%.

Hiện còn 2 Bộ chưa xây dựng Cổng TTĐT là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; 3 địa phương chưa có trang tin điện tử là Hòa Bình, Ninh Bình và Đắk Nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lĩnh vực mới mẻ, vừa học vừa làm...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO