Lãi suất giảm nhưng còn cao

22/04/2010 06:31

Sau khi đưa ra mức lãi suất huy động gần đụng 12%/năm, nhiều ngân hàng (NH) đã điều chỉnh giảm còn 11,5%/năm. Lãi suất cho vay cũng giảm dần, thấp nhất 13%/năm, mức cao là 18%/năm.

Lãi suất giảm nhưng còn cao

Sau khi đưa ra mức lãi suất huy động gần đụng 12%/năm, nhiều ngân hàng (NH) đã điều chỉnh giảm còn 11,5%/năm. Lãi suất cho vay cũng giảm dần, thấp nhất 13%/năm, mức cao là 18%/năm.

Lãi suất huy động đang giảm dần, tại Ngân hàng Việt Á cao nhất là 11,8%/năm - Ảnh: T.Đạm

Chính phủ chủ trương giảm lãi suất huy động chỉ còn 10%/năm, lãi suất cho vay 12-13%/năm. Hiện Hiệp hội NH đã kêu gọi các NH chỉ nên huy động lãi suất cao nhất 11,5%/năm, không kèm bất kỳ khoản thưởng hay khuyến mãi gì để mở đường giảm lãi suất cho vay.

Gửi tiền ít lãi hơn

Ngày 21/4, NH Sài Gòn - Hà Nội giảm lãi suất huy động, cao nhất còn 11,5%/năm. Trước đó lãi suất cao nhất của NH này là 11,99%/năm.

Việc NH giảm lãi suất huy động khiến người gửi tiền phải tính toán lại. Chị Vân - nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Q.1, TP.HCM - cho biết mấy ngày trước còn phân vân chờ NH tăng thêm lãi suất nhưng đến nay phải gửi ngay vì các NH đang giảm dần lãi suất huy động. Trong sáng 21/4, chị Vân tham khảo lãi suất của nhiều NH và đã quyết định gửi kỳ hạn một năm với lãi suất 11,8%/năm. Sau đề nghị của Hiệp hội NH, chắc chắn lãi suất huy động chỉ còn 11,5%/năm, chị Vân nhận định.

Với xu hướng giảm thì không nên chọn gửi lãi suất thả nổi, nên chọn gửi lãi suất cố định, anh Trung (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận định. Theo anh Trung, hiện lãi suất thả nổi tại một NH cổ phần lớn là 11,6%/năm nhưng xu hướng lãi suất là giảm dần, nếu chọn thả nổi cũng có nghĩa nước xuống thì thuyền xuống, thiệt cho người gửi. Hiện nhiều người gửi tiền đã biết thông tin các NH sẽ đưa lãi suất gửi tiền về 10%/năm.

Dự báo lãi suất không chỉ giảm mà còn biến động ở các kỳ hạn, không còn gửi dài hạn hay ngắn hạn có cùng lãi suất như trước. Hiệp hội NH đã kêu gọi các NH nên tính toán lại lãi suất huy động ở các kỳ hạn gửi ngắn để đảm bảo gửi ngắn lãi suất thấp, gửi dài hạn lãi suất cao hơn.

Giảm lãi suất cho vay, cần lộ trình

Việc bỏ trần lãi suất huy động, NH công khai toàn bộ mức lãi suất, không còn giấu giếm hoặc thương lượng trả thêm cho người gửi số tiền lớn, nhờ vậy người gửi món nhỏ được lợi hơn. Anh T., gửi tiền ở một NH cổ phần, cho biết trước đây lãi suất chỉ có 10,49%/năm, những người gửi món lớn có thể được trả thêm nhưng không công khai.

Nay NH công khai mức cao nhất là 11,51%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, cũng không còn tặng thêm tiền như trước. Hiện nhiều NH đã ngưng các chương trình khuyến mãi để tính đúng, tính đủ vào lãi suất.

Hiện lãi suất cho vay ở nhiều NH dao động 13-18%/năm, tùy đối tượng và mục đích sử dụng vốn. Tuy nhiên, vay để sản xuất phổ biến ở mức 13-15%/năm. So với đầu năm 2010, lãi suất cho vay đã giảm 2-3%/năm. Các NH cho biết sức ép giảm lãi suất rất lớn do doanh nghiệp chưa vội vay vốn.

Tại NH Sài Gòn - Hà Nội, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể là 14%/năm; doanh nghiệp xuất khẩu, hộ sản xuất khu vực nông nghiệp, nông thôn là 13,5%/năm. Lãi suất cho vay trung - dài hạn tối thiểu 14,5%/năm. Cho vay tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán lãi suất 16%/năm. NH An Bình đưa ra mức lãi suất cho vay thỏa thuận 14%-16%/năm, riêng doanh nghiệp xuất khẩu, sản xuất mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu quản trị tốt... sẽ được vay lãi suất thấp hơn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tạo - phó tổng giám đốc Intimex, lãi suất ở mức 14-16% là quá cao nên doanh nghiệp chỉ vay vốn ngoại tệ để làm hàng xuất khẩu. Còn các nhu cầu đầu tư tạm thời ngưng hoặc giãn tiến độ chờ lãi suất dịu lại.

Các NH cho rằng cần phải 2-3 tháng nữa khi nguồn vốn huy động theo lãi suất cao giảm dần thì NH mới có thể giảm thêm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các NH cho biết lãi suất vay bao nhiêu còn tùy thuộc người vay. Nếu người vay sử dụng các dịch vụ của NH theo kiểu trọn gói, chắc chắn lãi suất vay sẽ thấp hơn. Nhiều NH đã đưa nội dung sử dụng dịch vụ NH trở thành điều kiện bắt buộc khi thiết lập quan hệ tín dụng với khách hàng.

Vốn rẻ cho nhà sản xuất, xuất khẩu

Hầu hết các NH đang chạy đua đưa ra mức lãi suất thấp cho các nhà sản xuất hàng hóa, làm hàng xuất khẩu, hộ nông dân... NH Liên Việt đang triển khai đề án “Cho vay ưu đãi nông nghiệp, nông thôn tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013” với tổng dư nợ tín dụng dự kiến 3.000-5.000 tỉ đồng cùng lãi suất ưu đãi, riêng năm 2010 dư nợ sẽ là 1.200 tỉ đồng. Theo một lãnh đạo NH Phát triển nhà TP.HCM (HDBank), nơi này có chính sách ưu đãi về lãi suất, hình thức trả vốn gốc và lãi linh hoạt.

Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng tín dụng sản xuất chưa tăng trưởng như mong đợi. Bắt đầu từ quý 2 và 3/2010, nhu cầu vay vốn để dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất của doanh nghiệp sẽ gia tăng, nhất là sắt thép, hạt nhựa. Các hoạt động xuất khẩu, các ngành như cà phê, thủy hải sản cũng sẽ bước vào vụ mùa thu mua nguyên vật liệu để sản xuất.

Theo ông Toàn, doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ thì nên vay bằng USD để có lãi suất thấp. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp phải theo dõi sát diễn biến thị trường để khi cần thiết có thể chuyển sang vay bằng VND, vì hiện các ngân hàng đã triển khai sản phẩm chuyển đổi này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất giảm nhưng còn cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO