Lá xoài cũng “đẻ” ra tiền

24/07/2009 01:44

Nhà vườn trồng xoài tại huyện Cam Lâm, thị xã Cam Ranh thay vì tỉa bỏ lá xoài đã gom lại đem bán. Tận thu lá xoài giúp tăng thêm thu nhập nhà vườn và hạn chế được dịch bệnh cho xoài

Lá xoài cũng “đẻ” ra tiền

Nhà vườn trồng xoài tại huyện Cam Lâm, thị xã Cam Ranh thay vì tỉa bỏ lá xoài đã gom lại đem bán. Tận thu lá xoài giúp tăng thêm thu nhập nhà vườn và hạn chế được dịch bệnh cho xoài

Ông Bảy Xuân, tổng đại lý lá xoài ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hoà)

Các xã ven vịnh Cam Ranh được xem là vương quốc xoài của Khánh Hoà. Xoài ở đây được trồng thành vườn, có nhiều gốc lên đến vài người ôm. Xoài lớn, nhiều lá nên việc tỉa cành dọn lá trước đây là “cực hình” đối với nhà vườn, nhưng bây giờ là niềm vui.

600 đồng một ký lá tươi

Trong vườn xoài nhà mình, Nguyễn Tấn ở thôn Văn Tứ, xã Cam Hoà, huyện Cam Lâm cẩn thận tỉa từng lá xoài cho vào túi nilông lớn. Tấn cho biết “Trước đây khi tỉa cành, lá xoài rụng xuống lấp kín gốc cây, lâu ngày lá mục gây nấm hại cây. Mấy năm nay khi lá xoài có đầu ra khiến nhà vườn rất phấn khởi. Lá tươi giá 600đ/kg, lá khô 2.200đ/kg. Tuy không được nhiều, nhưng mấy gốc xoài cũng giúp cho tui lúc rảnh kiếm tiền chợ và lũ trẻ lúc nghỉ hè kiếm tiền mua sách vở”.

Lá xoài hiện đang được ông Lê Đình Xuân (thường gọi Bảy Xuân, 82 tuổi, thôn Tân Hải, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) làm tổng đại lý thu mua để nhập cho công ty ở TP.HCM. Lão nông Bảy Xuân tự hào cho biết đã thu mua lá xoài được gần 20 năm nay, ông cũng là người duy nhất ở Việt Nam cung ứng lá xoài khô cho đối tác cũng như chỉ có lá xoài ven vịnh Cam Ranh mới đảm bảo chất lượng.

Quan trọng nhất đối với ông chính là bí quyết để làm sao lá xoài của cơ sở ông đạt yêu cầu với đối tác. Với ông, thành công không chỉ có những lần đối tác đi tìm các nhà cung cấp khác hoặc ở vùng xoài khác đều không xong và quay lại với ông, mà quan trọng hơn là tận thu sản phẩm vứt đi để giúp giải quyết công ăn việc làm cho bà con.

Xoài lá cho tinh dầu

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước khi còn làm chủ tịch hội làm vườn xã, thấy bà con cứ cắt bỏ lá xoài phí quá. Ông Bảy Xuân lặn lội vào TP.HCM tìm đến các công ty dược liệu đặt vấn đề thu mua lá xoài để chế biến tinh dầu. Công ty dược liệu đã hoàn thành quy trình để chiết xuất Mangiferin từ lá xoài. Mỗi năm ông Bảy Xuân ký hợp đồng cung ứng cho công ty dược từ 150 – 250 tấn. Năm nay khủng hoảng kinh tế, nên ông chỉ ký được 150 tấn cho công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex.

Lá xoài để chiết xuất tinh dầu phải là lá xoài tươi hái từ trên cây, sau đó qua quy trình phơi, ủ theo bí quyết riêng của ông Bảy Xuân. Lê Đình Tuy, con trai ông Bảy Xuân cho biết lá xoài tươi được phơi ba nắng, mỗi ngày đảo ba lần sau đó được ủ qua đêm. “Nói vậy thôi chứ công phu lắm, gia đình tui cũng có cách riêng”, Tuy nói.

Gần 20 năm, vừa làm vừa mày mò ông Bảy Xuân đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm trong nghề thu mua lá xoài. Ông Xuân đã có được nhà kho hoàn chỉnh, có cả lò sấy. Ông có thể cầm nắm lá khô lên biết được lá nào tươi đem phơi khô, lá nào phơi cả cành, lá nào rụng được nhặt vào. Thế nhưng vẫn có những năm ông đốt hàng trăm tấn lá khô vì mưa, phơi không đủ nắng hay lưu kho quá lâu (để qua bốn tháng sẽ có tinh dầu rất thấp).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lá xoài cũng “đẻ” ra tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO