Kỳ 4: Nhức nhối chế biến đá "chui" bức tử sông Dinh

NGUYÊN VI (Nghệ An)| 17/12/2011 02:03

Dọc theo QL48 đến huyện Quỳ Hợp, điều khiến chúng tôi vô cùng xót xa là hình ảnh sông Dinh đã trở nên đục ngầu, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Kỳ 4: Nhức nhối chế biến đá

Dọc theo QL48 đến huyện Quỳ Hợp, điều khiến chúng tôi vô cùng xót xa là hình ảnh sông Dinh đã trở nên đục ngầu, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Và, con sông đang chết dần, chết mòn. Nguyên nhân là hàng ngày phải hứng chịu hàng trăm nghìn m3 nước thải của hàng trăm xưởng chế biến đá "chui" trên địa bàn xả thẳng xuống dòng sông...

>> Kỳ 3: "Quặng tặc" bao giờ mới dẹp bỏ?
>> Kỳ 2: Quặng thiếc và nỗi kinh hoàng... bùn thải
>> Kỳ 1: Tan hoang vùng "rốn" quặng

Cán bộ xã cũng là..."quặng tặc"

Sông xanh biếc đã chuyển màu "bạc"

Công ty An Sơn xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông Dinh, ngay chân cầu Dinh tại xã Tam Hợp (Quỳ Hợp)

Với sự giàu có về tài nguyên khoáng sản mà thiên nhiên ban tặng, huyện Quỳ Hợp đã "thay da, đổi thịt" trông thấy trong mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Và, ở Quỳ Hợp cái giá phải trả cho cái gọi là "phát triển" này là cả một hệ sinh thái đang bị huỷ diệt vì nguồn nước thải xả ra môi trường vô tội vạ của hoạt động sản xuất công nghiệp.

Vượt con đường dốc cao ngoằn nghoèo, lởm chởm những hòn đá nhấp nhô được bao phủ bởi một màu trắng đục của bụi đá, chúng tôi có dịp được "mục sở thị" hàng loạt các xưởng chế biến đá trắng (đá hoa cương) tại xóm Mới, xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp - Nghệ An).

Trước mặt chúng tôi là một khu đất rộng mênh mông (hơn 10 héc ta), tại đây có hàng chục xưởng chế biến đá đang hoạt động hết công suất. Đưa mắt nhìn qua tổng thể, đây là một thung lũng tương đối bằng phẳng, nên là nơi lý tưởng cho việc hình thành các xưởng chế biến đá.

Tìm hiểu xưởng sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nguyên Hợp do ông Phan Xuân Hiệp làm giám đốc. Theo quan sát, khu vực sản xuất của đơn vị này có 4 máy cưa đá công suất lớn đang hoạt động với hơn 2 chục công nhân đang hì hục làm việc. Thấy người lạ đến công nhân đồng loạt ngừng cưa đá, một anh công nhân tên Hiếu, người xã Châu Lộc cho biết: "Công ty ni là nhỏ nên về nước thải thải ra khe không lớn bằng các đơn vị khác, anh xem bên Hoa Cường (Công ty Hoa Cường - PV) kìa, họ làm như thế thì nước thải chạy như máy bơm ra khe nên cũng ảnh hưởng đến cả xưởng tụi em".

Kinh hoàng bụi bặm khi đột nhập các xưởng chế biến đá

Theo quan sát của chúng tôi, đơn vị này dù có hệ thắng lắng lọc nhưng hết sức sơ sài, sự "có mặt" của hệ thống lắng lọc nước thải của đơn vị này chỉ để "cho vui" chứ hầu như không có tác dụng gì.

Ngay sát máy cưa phía dưới là hai hồ lắng lọc nhưng chỉ đắp sơ sài bằng đất, bờ thấp nên một lượng nước thải với màu đen trắng của đá xẻ cứ thế mà tuồn thẳng ra khe chảy xuống sông Dinh.

Ngay bên cạnh đơn vị này là xưởng của Công ty Hoa Cường. Tại đây, các hố lắng lọc còn "tệ hại" hơn khi mà lượng nước thải gần như không cho qua hệ thống lắng lọc mà cho chảy riêng một mương khác tuồn ra khe.

Tại khu vực xóm Mới có khoảng 12-15 xưởng chế biến đá trắng kiểu này nhưng tất cả đều không có hệ thống bể lắng lọc nước thải (hoặc có cũng như không). Và, cứ thế, hàng ngày các đơn vị này xả xuống sông Dinh hàng chục nghìn m3 nước thải độc hại.

Những dòng nước trắng đục có lẫn màu đen của dầu mỡ cứ thế tuồn thẳng ra khe suối

Rời xóm Mới sau khi có cuộc "mục sỏ thị" cảnh đầu độc sông suối của các đơn vị chế biến đá này, chúng tôi quay ngược ra xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Tại đây cũng có sự xuất hiện của hàng tá "đại gia" trong khai thác, chế biến đá. Và, họ cũng là "đại gia" trong việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường nói chung và sông Dinh nói riêng khiến cho con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn.

Tại khu vực xóm Đồng Cạn, xã Đồng Hợp còn bi đát hơn khi tất cả các đơn vị hoạt động chế biến đá đều không có hệ thống bể lắng lọc. Đơn cử như các xưởng chế biến "khổng lồ" của các Công ty như Công ty An Sơn; Công ty Hoàng Gia; DNTN Hiển Châu... đều thường xuyên xả hàng trăm nghìn m3 nước thải mỗi ngày từ chế biến đá đục ngầu xuống hai con khe là Khe Đá và Khe Mỏ, sau đó hai con khe này chảy ra sông Dinh khiến cho những con khe này ô nhiễm trầm trọng, sông Dinh đang ngày càng tiến dần tới ngưỡng... sông "chết".

Bà Trương Thị Sáu, xóm Đồng Cạn bức xúc: "Từ khi các xưởng chế biến đá mọc lên ở đây là người dân chúng tôi hết sức khổ sở. Ruộng lúa bị bỏ hoang vì không có nước và bị nhiễm vôi nặng, nguồn nước Khe Đá và Khe Mỏ luôn có màu đen trắng vì nước thải chưa qua lắng lọc, xử lý của các xưởng chế biến đá cứ tuồn thẳng xuống. Trước khe ni lắm tôm cá, giờ đâu còn con nào, bị "tuyệt chủng" rồi. Ngay cả trâu bò cũng hiếm nước uống vì nước ở hai khe này không thể uống được nữa. Chưa hết, có hôm nó (các xưởng chế biến đá - PV) xả mạnh quá đến người và trâu bò cũng không lội qua khe được vì lượng vôi lắng thành lớp sâu hàng mét như bùn, có hôm một người đi thăm ruộng cố lội qua bị mắc kẹt suýt chút bỏ mạng".

Phía sau cty Hoàng Gia (Xã Đồng Hợp) có 4 đường xả thải như thế này tuồn ra khe Mỏ tràn ra sông Dinh

Cơ quan chức năng xử lý sao đây?

Trước thực trạng nhiều xưởng chế biến đá trắng cứ vô tư xả nước thải trực tiếp ra môi trường nhiều năm nay nhưng không bi cơ quan chức năng nào xử lý. Chúng tôi đã tìm đến các cơ quan có trách nhiệm để tìm hiểu nguyên nhân.

Ông Sầm Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Châu Lộc cho biết: "Trên địa bàn xóm Mới có 12 đơn vị đã xây dựng xưởng hoạt động chế biến đá từ cách đây nhiều năm. Hệ thống xử lý nước thải hầu như chưa có nhưng chúng tôi thấy các đơn vị đã cố gắng hết sức"(!?). Tại sao xã không kiểm tra xử phạt? "Chúng tôi cũng có kiểm tra nhưng khó lắm vì có nhiều lý do hơi tế nhị. Thôi thì đang thời kỳ "nhạy cảm", các anh có gì nhẹ tay cho" - Ông Cường giải thích.

Còn ông Vi Thanh Tường, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: "Việc các doanh nghiệp mở xưởng chế biến đá tại Thọ Sơn (xã Thọ Hợp); Xóm Mới (xã Châu Lộc) và xóm Đồng Cạn (xã Đồng Hợp) là hoàn toàn tự phát.

Mương xả thải chung của một số đơn vị chế biến đá tại xóm Đồng Cạn (xã Đồng Hợp) ra khe Mỏ

Tuy nhiên, chúng tôi có cái khó là giờ họ đã xây dựng cơ sở vật chất kiên cố rồi nên không thể đình chỉ mà giờ tốt nhất là nhắc nhở họ, quản lý đưa vào khuôn khổ. Sắp tới tôi sẽ cho kiểm tra, làm mạnh vấn đề này. Còn về việc Sông Dinh bị đục và có màu đen đen là do có chất asen do sơ chế quặng thiếc từ Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang, Châu Hồng chảy xuống".

Trao đổi với PV, ông Hồ Sỹ Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: "Những phản ánh về tình trạng ô nhiễm do khai thác, chế biến quặng thiếc và hoạt động chế biến đá chúng tôi cũng đều nắm được và nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng vẫn chưa triệt để. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường lực lương kiểm tra xử lý những cơ sở gây ô nhiễm".

Khi được hỏi về việc này, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói: "Đơn vị nào làm sai thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi rất hoan nghênh báo chí vào cuộc để cùng các ngành chức năng vào cuộc xử lý những sai phạm trong khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh nói chung và "điểm nóng" Quỳ Hợp nói riêng". Nói như vị giám đốc Sở này thì dư luận có thể hiểu vì sao trong những năm qua vấn đề khai thác khoáng sản luôn là vấn đến "nóng" của tỉnh này!

Khe Mỏ đang trở thành con khe "đen trắng"

Trước việc các khu vực nói trên "mọc" lên nhiều xưởng chế biến đá trắng "chui", hoạt động không tuân thủ theo một quy tắc nào, không có sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền địa phương nên đã vô tư xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nhiều khe suối, khu dân cư và nhất là sông Dinh đã khiến cho dư luận người dân hết sức bất bình. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, làm thật mạnh tay và xử lý dứt điểm hiện tượng này.

Cùng với nước thải do khai thác quặng thiếc trên thượng nguồn, sông Dinh đang dần trở thành con sông chết
Còn những ngọn núi đá đồ sộ đang bị móc ruột tan tành
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 4: Nhức nhối chế biến đá "chui" bức tử sông Dinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO