Kinh tế Việt Nam đừng để lạc hậu như 20 năm qua

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN (HẢI VÂN ghi )| 28/01/2015 09:56

Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành cuối năm 2015 sẽ là thách thức trực diện cho Việt Nam. Nếu không chuẩn bị hội nhập tốt, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục lạc hậu, chậm phát triển như 20 năm đã qua.

Kinh tế Việt Nam đừng để lạc hậu như 20 năm qua

Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành cuối năm 2015 sẽ là thách thức trực diện cho Việt Nam.

Đọc E-paper

Nhìn lại 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN, đến nay vẫn nằm trong nhóm 4 nước chậm phát triển: Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar và chưa bứt lên được. Tám năm trước, khi Việt Nam đang đàm phán gia nhập WTO, các nước ASEAN đều kỳ vọng việc trở thành thành viên WTO sẽ sớm đưa Việt Nam gia nhập vào nhóm ASEAN 6.

>VN có thể bắt kịp Thái Lan 10 năm tới, hoặc không bao giờ

Việt Nam có thể trở thành nước đứng thứ 5 trong 10 quốc gia ASEAN, tức là Việt Nam có khả năng vượt lên trên Philippines, Bruney. Các nước cũng kỳ vọng ASEAN có cơ hội phát triển với sự dẫn dắt của ba nền kinh tế có nền tảng tương đối, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 8 năm Việt Nam tham gia WTO, kỳ vọng không đạt được vì kinh tế Việt Nam gặp quá nhiều thách thức, thậm chí cả những điều đã lường trước nhưng không đủ sức vượt qua.

Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong những lĩnh vực cọ xát với DN các nước ASEAN có thể cảm nhận được sức ép đang ngày càng tăng lên. Hai, ba năm qua chứng kiến cuộc "đổ bộ” rầm rộ của các DN Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia... nhằm thâu tóm, mua lại nhiều DN của Việt Nam để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

>Tỷ phú Thái Lan "thâu tóm" FamilyMart Việt Nam

Theo một nghiên cứu của Công ty Mackenzi, Việt Nam chỉ có một vài lĩnh vực có khả năng cạnh tranh, trong khi ở nhiều lĩnh vực lại bị coi là kém cạnh tranh hơn, thậm chí có những ngành có khoảng cách rất lớn. Như vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển nhưng có khả năng không đạt được kỳ vọng là đi lên ở những bậc cao hơn.

Chẳng hạn, trình độ trong các ngành sản xuất chia thành từng tầng từ thấp lên cao, nhưng Việt Nam chỉ làm ở tầm thấp và trung, không vươn được lên tầm cao. Trong khi DN các nước khác, như Thái Lan, có triển vọng vượt lên tầng cao hơn trong chuỗi sản xuất khu vực.

Một thách thức lớn nữa là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước khác là Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc và Úc, dự kiến hoàn tất đàm phán trong năm 2015.

Khi đó, DN Việt Nam sẽ chịu nhiều bất lợi khi cạnh tranh với các nước phát triển hơn trong RCEP. Hàng hóa từ các nước, đặc biệt hàng hóa của Trung Quốc, sẽ tràn vào Việt Nam bằng đường chính thống với quy mô rầm rộ hơn rất nhiều so với buôn lậu trốn thuế.

Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, không ít DN vẫn ảo tưởng cơ hội từ ASEAN mang lại, giữ tâm lý chờ đợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thay vì tự nỗ lực chuẩn bị. Hội nhập bây giờ không chỉ là cạnh tranh mà còn đòi hỏi sự sáng tạo.

>Gia nhập AEC: Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Sáng tạo đang là nhân tố có thể giúp DN thành công nhanh hơn, cao hơn, dễ được đối tác, thị trường chấp nhận hơn so với việc sản xuất, kinh doanh những thứ thị trường đã có nhiều, có sẵn, giá cũng không còn rẻ, trong khi vẫn có những nước có thể làm rẻ hơn mình nếu đặt trong mặt bằng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Cho nên, DN phải chọn thêm sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh. Một điểm nữa, ASEAN đang cố gắng tạo thành một thị trường kết nối, DN Việt Nam cũng phải kết nối lại trong cùng địa bàn, nội bộ khu vực, trong nước hay với DN bên ngoài để cùng chia sẻ, học cách cạnh tranh, vượt qua thách thức.

Trong thông điệp đầu năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ nói khá rõ đường hướng chính sách cho năm 2014 và 2015. Mặt khác, Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã gây sức ép cho ngành thuế, ngành hải quan, bảo hiểm xã hội..., giảm số giờ làm thủ tục, giảm chi phí cho DN.

Năm nay, kỳ vọng Chính phủ có thêm những chính sách tương tự Nghị quyết 19 nhưng nhấn mạnh hơn các chính sách cụ thể, khuyến khích hai mặt rất cần cho DN vượt lên, đó là công nghệ và quản trị.

Năm qua, Chính phủ đã có những thay đổi về cách tiếp cận, dù luật pháp và chính sách nhà nước không nói nhiều đến việc không quá ưu đãi cho DN nhà nước, hay chủ trương điều chỉnh lại chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng trong hành động thực tế đang cần hoạch định lại.

Nhưng Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, chưa hình thành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, vẫn còn là một nước trong quá trình chuyển đổi, nhiều khó khăn, vì vậy, các chính sách, luật pháp phải tiếp tục được thay đổi mới có thể định hình được môi trường thực sự cạnh tranh, minh bạch, công khai và tiên liệu được.

Việt Nam có thể tiến một bước xa trong những năm tới, nếu chuẩn bị hội nhập tốt. Nhưng nếu để lặp lại những cái không thành công trong 20 năm qua, Việt Nam tiếp tục ở nhóm lạc hậu và khả năng đó có thể xảy ra.

>Sân chơi lúa gạo ASEAN: Ba sai lầm của VN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam đừng để lạc hậu như 20 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO