Kinh tế Việt Nam cần những giải pháp kép đồng bộ

Khánh Linh| 14/02/2020 06:00

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất quán quan điểm rằng, sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Điều này đang đặt ra trách nhiệm nặng nề cho các bộ, ngành, địa phương trong việc nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với những giải pháp kép đồng bộ.

Kinh tế Việt Nam cần những giải pháp kép đồng bộ

Theo Tổng cục Thuế, dịch bệnh do chủng virus Corona (nCoV) gây ra cộng với các quy định hạn chế tác động của bia, rượu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh, khiến trước mắt ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. 

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2020 chỉ đạt 38,1 tỷ USD (giảm 15,8% so với tháng 12/2019, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước). Dưa hấu, thanh long, sầu riêng, mít đang trong diện “giải cứu” khẩn cấp. Rau củ sụt giảm cả về giá và sức mua (giảm bình quân 15-20%). Ngành du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD trong ba tháng tới. 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Có thể chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng trong dịch bệnh Corona”. Dù chưa có dự báo chắc chắn nào về thời điểm dịch Corona kết thúc, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh Việt Nam ít nhất phải đến hết quý II/2020 mới lấy lại được cân bằng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2/2020, VN-Index mất 10,02 điểm (-1,07%), xuống còn 930,73 điểm, HNX-Index giảm 0,9%, xuống 103,97 điểm và UPCom-Index giảm 0,7%, xuống 55,37 điểm; 245 mã tăng giá, 368 mã giảm giá và 153 mã đứng giá tham chiếu, thanh khoản thị trường chỉ đạt 3.611 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE là 539 tỷ đồng. Giảm sâu nhất là các mã thuộc khối ngân hàng, kế đến là nhóm cao su, khu công nghiệp. Doanh nghiệp hàng không chịu thiệt hại nặng nề. Trong tuần đầu tháng 2/2020, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mất 13,24% giá trị cổ phiếu, tương đương gần 20.000 tỷ đồng vốn hóa trên sàn. Mã HVN của Vietnam Airlines mất khoảng 20,12% giá trị, đồng nghĩa với việc 9.300 tỷ đồng bốc hơi. Cổ phiếu VJC của Vietjet Air giảm 19.500 đồng, vốn hóa bay hơi khoảng 10.300 tỷ đồng. 

Dù ngày 11/2/2020, VN-Index có dấu hiệu tăng trở lại nhưng lực cung sau đó xuất hiện khiến mức tăng bị thu hẹp. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,94 điểm (+0,42%) lên 934,67 điểm; HNX-Index tăng 0,81 điểm (+0,78%) lên 104,78 điểm. Dù vậy, cổ phiếu ngành hàng không vẫn không chuyển biến. Cổ phiếu HVN của Vietnam Airline vẫn giữ nguyên mức giá so với phiên ngày 10/2/2020. Trong khi đó, cổ phiếu VJC tiếp tục giảm nhẹ thêm 100 đồng/cổ phiếu.

Du lịch rơi vào thảm cảnh khi lượng khách các nước đến Việt Nam giảm đến 70%, thiệt hại ước tính lên đến 2,3 tỷ USD. Riêng khách Trung Quốc giảm gần như 100% (từ 1,7 - 1,9 triệu lượt), thiệt hại xấp xỉ 2 tỷ USD. Khách du lịch nội địa cũng giảm tới 70% (tương đương 15,3 triệu lượt) thiệt hại có thể tới 2,7 tỷ USD. Các ngành vận tải, lữ hành, nhà hàng, khách sạn nằm trong tình trạng ế ẩm. Nhiều lễ hội lớn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi ngày ngưng tổ chức, gây thất thu dây chuyền đến các dịch vụ “ăn theo”. Mảng du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm trong tình trạng đình trệ. 

Dịch Corona khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng chiếm kim ngạch lớn vào thị trường Trung Quốc là nông thủy sản, dệt may, điện thoại và linh kiện, rau quả sụt giảm nghiêm trọng. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tháng 1/2020 chỉ đạt 2,75 tỷ USD, giảm hơn 35% so với tháng 12/2019. Cùng với du lịch, nông nghiệp và nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác cũng bị thiệt hại rất lớn. Thị trường địa ốc, lao động, việc làm đều phải chịu sức ép trực tiếp hoặc gián tiếp do Corona, dẫn đến doanh thu giảm. 

Tỉnh Long An có 11.826ha thanh long với sản lượng 320.000 tấn/năm (gần 80% bán cho thương lái Trung Quốc). Lượng tồn hiện tại là 30.000 tấn, 28.000 tấn sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 2/2020. Tại Bình Thuận còn 7.600 tấn thanh long được đông lạnh và khoảng 44.000 tấn thu hoạch trong tháng hai, 43.000 tấn sẽ thu vào tháng ba. Như vậy, gần 100.000 tấn thanh long chưa có đầu ra. Hàng nghìn tấn dưa hấu của nông dân các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Long An vẫn nằm phơi trên đồng vì thương lái không thu mua.  

Tính đến ngày 11/2/2020, Việt Nam ghi nhận 15 ca nhiễm Corona (6 trường hợp đã điều trị khỏi và được xuất viện), 789 ca âm tính, nghi nhiễm 64. Những người tiếp xúc với bệnh nhân đều phải trải qua 14 ngày cách ly. Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh, chủ động ứng phó bằng các giải pháp phù hợp, toàn diện, không để dịch lan rộng; có phương án bảo đảm ổn định sản xuất, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đồng thời giữ vững các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu...  

Để ổn định tình hình thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải đảm bảo cung ứng hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá để trục lợi, tháo gỡ ách tắc trong thông quan với thị trường Trung Quốc, nhanh chóng tìm các đầu mối tiêu thụ và thị trường thay thế. Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh phải đảm bảo an toàn đời sống người dân. 

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch Corona được khống chế trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27%, nếu dịch kéo sang quý II thì GDP của năm chỉ tăng 6,09%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% năm 2020 là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế. Riêng du lịch và xuất khẩu nông, thủy sản rất khó có khả năng bứt phá.

TP.HCM thực hiện nghiêm túc chỉ đạo “5 tại chỗ” trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Corona, bao gồm: lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh thiết tại chỗ; nhiệm vụ tại chỗ. Đi đôi với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, TP.HCM vẫn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 936,4 triệu USD (tăng 86,7% so với cùng kỳ 2019, chiếm 23,9% tỷ trọng xuất khẩu), xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt  687,4 triệu USD (tăng 0,9%), thị trường Nhật Bản đạt 369,0 triệu USD (tăng 7,4%).

Liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Võ Trí Thành cho rằng, cần phải đánh giá dựa trên 4 yếu tố: dịch bệnh do virus Corona, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các quy định mới liên quan đến hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông và cả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo ông Thành, 4 yếu tố này, ngoại trừ EVFTA có thể có những tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, thì với 3 yếu tố còn lại, tác động là khôn lường. 

Như vậy, để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần có giải pháp kép đồng thời hạn chế 3 yếu tố: dịch bệnh do virus Corona, diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các quy định mới liên quan đến hạn chế rượu bia khi tham gia giao thông; cũng như giải pháp phát huy Hiệp định Thương mại tự do EVFTA. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam cần những giải pháp kép đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO