Khu Đông Thành phố, cách nào để cất cánh?

H.Nga| 16/10/2020 03:50

Sáng ngày 16/10/2020, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bước qua ngày làm việc thứ hai. Có 10 tham luận được báo cáo tại đại hội, trong đó, việc xây dựng khu Đông Thành phố thành khu đô thị sáng tạo, làm hạt nhân dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố được chú ý.

Khu Đông Thành phố, cách nào để cất cánh?

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đọc tham luận.

Thúc đẩy kinh tế từ khu Đông

Theo các đại biểu, Thành phố đã tiến những bước dài trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị. Đặc biệt tại khu vực phía Đông thành phố, hạ tầng giao thông đô thị đa phương thức có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng loạt công trình trọng điểm như đường Mai Chí Thọ và đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường Vành đai Đông thành phố (Vành đai 2), đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1)… Đồng thời, khu vực phía Đông bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm (Q.2), Khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao tại quận 9 và Thủ Đức… 

Đây là một trong những tiền đề để thành phố đưa ra ý tưởng xây dựng Khu phía Đông của thành phố (gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức) trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, làm hạt nhân dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

Tại khu Đông, hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành với sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tạo ra được các sản phẩm công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu, ứng dụng, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao… Trong đó, Khu công nghệ cao tại quận 9 và khu Đại học Quốc gia hiện thu hút nhiều tập đoàn, công ty công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung...

Thanh-Pho-Phia-Dong-2839-1602830951.jpg

Để khu Đông phát triển đúng định hướng, cần nhanh chóng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Trong bài tham luận “Phát triển Thành phố Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố giai đoạn 2020 – 2035”, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố được kỳ vọng thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của TP.HCM. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tạo được 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia; 50.000 việc làm giai đoạn 2025 - 2030 và 150.000 việc làm giai đoạn 2030 - 2040. Cùng với đó, khu Đông cần phải xây dựng hệ thống công cộng cần đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại, mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4 - 6 km…

“Việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của thành phố”, ông Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh.

Cần giải pháp đồng bộ

Dù được kỳ vọng trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thành phố, nhưng ông Nhã cũng thừa nhận khu vực phía Đông Thành phố còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn. Đó là quy hoạch không đồng bộ, quy hoạch không gắn với điều kiện thực hiện quy hoạch dẫn đến khó khả thi. Giao thông không an toàn do trộn lẫn vận tải nặng và hành khách. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong giờ cao điểm tại các khu vực đầu mối giao thông.

Bên cạnh đó, tỷ lệ quy hoạch sử dụng đất dành cho công trình hạ tầng giao thông và giao thông công cộng thấp, quản lý quỹ đất dành cho giao thông còn nhiều bất cập. Giao thông chủ yếu dựa trên phương tiện cá nhân, chưa phát triển hệ thống và thói quen sử dụng giao thông công cộng và đi bộ.

Các dự án lớn về giao thông trong khu vực như tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến BRT số 1, đường Vành đai 2, đường Vành đai 3 hiện đang chậm tiến độ, chưa được triển khai theo kế hoạch do những khó khăn chung liên quan đến nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng.

Không chỉ vậy, tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Hiện nay, có khoảng 10 vị trí ngập thường xuyên do mưa lớn hoặc triều cường trong khu vực mà nặng nhất là thuộc quận Thủ Đức.

ttxvn-khu-cong-nghe-cao-1873-1602830952.

Khu công nghệ cao là một trong 8 trung tâm đổi mới sáng tạo của khu Đông.

Từ thực trạng trên, người đứng đầu Sở Quy hoạch Kiến trúc TP đề xuất: cần lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể khu vực 3 quận phía Đông thành phố, tạo tiền đề cho công tác thành lập thành phố phía Đông. Lập quy hoạch sử dụng đất phù hợp điều kiện thực tế và định hướng phát triển đô thị sáng tạo tại khu vực. Xây dựng chính sách tổng thể về tài chính đô thị dựa trên những mục tiêu quy hoạch và phát triển hạ tầng, xây dựng chiến lược đầu tư và kỳ vọng phát triển kinh tế, tài chính giai đoạn 2021 - 2040.

Với công trình hạ tầng giao thông, cần tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của dân cư, mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị. Trước mắt, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành.

“Cần ban hành quy định về công nghệ thông tin cho đô thị sáng tạo: trạm viễn thông đa nhiệm vụ, IoT, cáp quang. Thực hiện dự án “Xa lộ thông tin”, thiết lập cổng quốc tế để kết nối trực tiếp Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố với quốc tế. Xây dựng, đầu tư hệ thống 5G cho Thành phố Thủ Đức và phát triển chính quyền điện tử…”, ông nhấn mạnh.

Khu Đông sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo

Trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính, Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch chiếc, Khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Tam Đa, Long Phước, Khu Trường Thọ, Trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ…

Trong đó, Khu Trường Thọ sẽ là đô thị tương lai. Đây là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”, tận dụng vị trí nằm gần khu Thảo Điền (quận 2) và các lõi đô thị khác cho việc tạo nơi chốn thu hút nhân tài, người thu nhập cao. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại đây.

“Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật, Khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới, công nghệ xây dựng có khả năng chuyển đổi và một không gian công cộng chuyển đổi theo số liệu thực và độc đáo về nghệ thuật và giải trí”, ông Nguyễn Thanh Nhã nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khu Đông Thành phố, cách nào để cất cánh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO