Không làm sinh dược phẩm, sẽ bị thụt lùi

06/01/2012 07:39

Việt Nam cần phải phát triển công nghệ sinh dược phẩm để không tụt hậu với thế giới và để thành công, nhà nước và tư nhân phải hợp tác với nhau.

Không làm sinh dược phẩm, sẽ bị thụt lùi

Việt Nam cần phải phát triển công nghệ sinh dược phẩm để không tụt hậu với thế giới và để thành công, nhà nước và tư nhân phải hợp tác với nhau.

Trong khi ngành dược trên thế giới có dấu hiệu chựng lại những năm gần đây thì công nghệ sinh dược phẩm (biotech) lại phát triển mạnh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, trong 3 giai đoạn làm quen, triển khai nghiên cứu và phát triển, công nghệ sinh học Việt Nam đang bắt đầu đi vào giai đoạn thứ ba là phát triển.

Làm sinh dược phẩm để không bị lạc hậu

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái cho rằng, Việt Nam không nên cứ trông chờ hoàn toàn vào đầu tư của Nhà nước. Các hãng dược tư nhân cần tham gia phát triển công nghệ sinh dược phẩm.

Quốc gia nào không tham gia vào chương trình công nghệ sinh học sẽ bị thụt lùi về nhiều mặt. Theo ông Thái, khoảng 80% số hãng dược ở Mỹ và châu Âu đã xây dựng kỹ thuật và sản phẩm lấy công nghệ sinh học làm nền tảng. Riêng về đầu tư nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuệ, Phó Chủ tịch OneWorld Health (Mỹ) cho biết, hằng năm các công ty dược lớn ở Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD cho nghiên cứu. Nếu thành công, nghiên cứu đó có thể mang lại lợi nhuận lên đến hàng tỉ USD.

Tiến sĩ Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Sinh dược Nanogen, cho biết trong hơn 1.000 tỉ USD được thế giới chi dùng cho dược phẩm hằng năm, trên 200 tỉ USD được chi cho thuốc có nguồn gốc từ công nghệ sinh học và số này rơi vào khoảng 20 sản phẩm thuốc đặc trị của 5 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới. Các tập đoàn này chủ yếu là của Mỹ và châu Âu, chiếm đến 75% thị trường. “Năm 2020, tỉ lệ này phải thay đổi và sinh dược phẩm sản xuất tại các nước châu Á, Phi, Nam Mỹ... sẽ phát triển mạnh mẽ và chiếm thị trường lớn này”, ông Nhân nói.

Thạc sĩ Phan Kim Ngọc, Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho biết 60% thuốc lưu hành tại Việt Nam là từ nhập khẩu, 40% còn lại được sản xuất trong nước song nguyên liệu phần lớn cũng từ nhập khẩu. “Nếu cứ dậm chân tại chỗ quá lâu với những sản phẩm có giá trị thấp, không ứng dụng phát triển công nghệ sinh dược thì các công ty dược và ngành dược Việt sẽ gặp khó khăn trong tương lai gần”, ông nói.

Thành công lớn với sinh dược phẩm

Tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, Công ty Sinh dược Nanogen đã đầu tư xây dựng nhà máy trên 50 triệu USD để sản xuất thuốc đặc trị chữa các bệnh viêm gan siêu vi B, C từ hơn 1 năm nay. Tiến sĩ Hồ Nhân cho biết, sau 11 tháng tung sản phẩm ra thị trường, riêng sản phẩm Pegnano điều trị viêm gan siêu vi B, C của công ty đã chiếm lĩnh hơn 80% thị trường thuốc đặc trị cùng loại. Nhà máy của Nanogen tại Khu Công nghệ cao TP.HCM có công suất hơn 10 triệu sản phẩm/năm. Ngoài Việt Nam, Công ty đang cung cấp các sản phẩm thuốc tiêm đặc trị cho thị trường các nước châu Á, Trung Mỹ. Ông Nhân cho biết, đến năm 2015, Công ty sẽ thuê gia công thuốc tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi.

Làm khoa học, trước hết phải biết biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tế. Ông Nhân được đánh giá là người làm tốt cả 2 công đoạn này.

Tuy nhiên, ông cho biết không ít khó khăn khi chấp nhận tiếp cận công nghệ được coi là cao cấp trong ngành dược này. “Công nghệ sinh dược phức tạp nên phải đầu tư nhiều và giá thành sản phẩm thường cao. Chúng tôi bắt đầu bằng kế hoạch đầu tư 10 triệu USD nhưng đến nay con số đó đã lên trên 50 triệu”, ông nói. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Thái, giá trị khoa học kỹ thuật của hãng Nanogen rất quan trọng. “Giá trị đó đã xác định một bước đột phá về công nghệ sản xuất thuốc đặc trị ở Việt Nam và lợi nhuận sẽ gia tăng gấp bội so với vốn đầu tư ban đầu”, ông nhận xét.

Nhà nước và tư nhân nên cùng làm

Ngoài việc đầu tư mạnh về tài chính cho nghiên cứu, theo ông Nhân, các nhà đầu tư cũng cần đầu tư nhân sự và chú trọng đến việc xin bản quyền cho các nghiên cứu mới. Theo kinh nghiệm của ông Nhân, công ty ông đã bắt đầu bằng việc nghiên cứu các gene có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, Nanogen sẽ cố gắng nghiên cứu thành công 1-2 đề tài từ nguyên liệu cho đến sản phẩm. Ông Nhân tiết lộ thêm, một số công ty dược của Ấn Độ đã ký hợp đồng mua nguyện liệu sản xuất thuốc đặc trị từ Nanogen để giảm giá sản phẩm. Hiện tại, nguồn thu của Công ty chủ yếu đến từ việc bán sản phẩm, nhượng quyền và nghiên cứu thuê cho các công ty nước ngoài.

Nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học, theo Thạc sĩ Ngọc và Tiến sĩ Thái, Việt Nam không thiếu. Mỗi năm, có gần 1.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học. Đó là chưa kể đến một số lượng không nhỏ các du học sinh, chuyên viên trong ngành công nghệ sinh học được tu nghiệp ở nước ngoài trở về. Ông Thái cho rằng Việt Nam không nên trông chờ hoàn toàn vào đầu tư của nhà nước. Các hãng dược tư nhân nên cùng tham gia phát triển công nghệ sinh dược phẩm. “Chính phủ nên có chiến lược ưu đãi khuyến khích các hãng dược đầu tư vào các chương trình nghiên cứu ở các đại học. Chẳng hạn như giảm thuế cho các sản phẩm sinh học, hoặc hỗ trợ đầu tư 50% của doanh nghiệp dược vào các đại học. “Đây là chương trình đồng tài trợ rất thành công ở Mỹ. Trên thực tế tại Mỹ, Nhật, hơn 50% công trình nghiên cứu công nghệ sinh học của quốc gia đã được các hãng dược tài trợ (chiếm hơn 60 tỉ USD). Đã đến lúc các doanh nghiệp dược tham gia một cách tích cực và có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển công nghệ này”, ông Thái nói.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu hóa học hữu cơ của Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, việc chuyển hướng công nghệ dược Việt Nam dựa trên công nghệ sinh học thay vì hóa học là điều cần sớm được thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không làm sinh dược phẩm, sẽ bị thụt lùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO