Không đo được chi phí phi chính thức của DN

TRÌNH TIÊU thực hiện| 13/11/2014 06:38

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chi phí phi chính thức của doanh nghiệp (DN) không lạ với cả xã hội, nhưng muốn biết bao nhiêu, phải hỏi những người trong chính quy trình đó...

Không đo được chi phí phi chính thức của DN

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chi phí phi chính thức của doanh nghiệp (DN) không lạ với cả xã hội, nhưng muốn biết bao nhiêu, phải hỏi những người trong chính quy trình đó...

Đọc E-paper

* DN quan ngại về các khoản chi phi chính thức, bà nhận định thế nào về vấn đề này?

- Tôi nghĩ, chuyện chi phí phi chính thức của DN không lạ. Kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI đã chứng minh chi phí phi chính thức là phần phải chi của cả DN Việt Nam và DN FDI, tỷ lệ chi đang tăng lên thể hiện qua điều tra hằng năm.

Nhiều lần người ta tuyên bố vấn đề này đã giải quyết được một bước nhưng không ai biết bước đó thế nào bởi không thể đo được. Nếu dùng các cơ quan nhà nước để đo nhau, không thiêng đâu, phải hỏi chính những người trong chính quy trình đó, nạn nhân của những bước đó, mới biết được là bao nhiêu.

* DN đang trông chờ vào việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Bà nghĩ gì về sự kỳ vọng này?

- Nghị quyết 19, nếu thực thi đầy đủ thì không chỉ giảm thời gian mà qua đó còn tiết kiệm chi phí cho DN khi làm các thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, trong đó có chi phí không chính thức.

Nhưng muốn giảm thời gian một cách triệt để, chẳng hạn giảm thủ tục nộp thuế từ 872 giờ xuống 171 giờ, chỉ có con đường áp dụng công nghệ thông tin.

Báo cáo "Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013" do Viện CIEM, Tổng cục Thống kê, Đại học Copenhagen thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch, cho thấy:

Tỷ lệ DN có chi phí phi chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011 và 2009.

Dù một phần lớn DN không tiết lộ lý do, song qua phân tích mục đích các khoản chi, DN chi các khoản này là để đối phó với cơ quan và người thu thuế cũng như kết nối dịch vụ công.

Dữ liệu cũng cho thấy, DN hối lộ có xác suất thoát khỏi thị trường cao hơn.

Sẽ không còn tiết mục cán bộ thuế đến gặp DN để "cưa đôi tiền thuế” khi hai bên làm việc với nhau qua hệ thống máy tính.

Sự minh bạch giúp tạo sự công bằng với mọi người. Các DN cùng theo một quy trình, không còn lý do để DN phải bôi trơn để được nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, việc giảm thời gian sẽ giúp Nhà nước cải cách hành chính, cải cách bộ máy, giảm tải công chức trong bộ máy nhà nước.

Một khi thời gian làm thủ tục giảm xuống, không có lý do gì giữ một đội ngũ cán bộ thuế, bảo hiểm đông như hiện nay

Người đông, lương ít khiến họ luôn có động lực tăng thu từ các nguồn khác để bù vào, bù cho chi phí đầu tư để có được ghế trong bộ máy nhà nước.

Như vậy, Nhà nước có thể tăng lương lên gấp đôi, gấp ba hiện nay cho những người đủ năng lực, cam kết tuân thủ các quy trình mới, có trách nhiệm giải trình và theo hướng thuận lợi hóa cho DN. Với đồng lương đủ sống, đòi hỏi về chi phí bôi trơn cũng sẽ bớt đi.

Tôi nghĩ, những cái đó hết sức căn cơ. Gần đây, các cơ quan tuyên bố đang cố gắng cắt giảm đến mức này, mức kia, nhưng tôi nghĩ, Nhà nước phải hỏi DN mới biết được mức cắt giảm thực sự.

* Giảm chi phí phi chính thức cho DN, theo bà phương thức nào có thể mang lại hiệu quả?

- Chi phí bôi trơn ở Việt Nam, nói cho cùng gắn với cả hệ thống làm việc hiện nay, gắn với hệ thống thể chế, gắn với các quy định do Nhà nước đặt ra.

Vì vậy, Nhà nước cần chủ động quy định lại cho nó minh bạch và rõ trách nhiệm, đồng thời cương quyết trừng trị thẳng thừng những người không tuân thủ những quy định trong Nghị quyết 19.

* Cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không đo được chi phí phi chính thức của DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO