"Khép cửa" với dự án BT đang đàm phán

THIÊN YẾT| 31/10/2017 07:18

Sau những ồn ào quanh các công trình hạ tầng theo hình thức BOT (đầu tư - vận hành - chuyển giao), gần đây, đầu tư dạng BT (xây dựng - chuyển giao) thông qua việc "đổi đất lấy hạ tầng" bắt đầu được "hâm nóng".

Đáng chú ý là đề xuất của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh thuộc Tập đoàn Tuần Châu triển khai dự án đại lộ ven sông Sài Gòn (nối Bến Súc, huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh về trung tâm quận 1, TP.HCM), với tổng vốn đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư) và dự kiến sử dụng quỹ đất 12.398 ha (gồm cả quỹ đất để xây dựng con đường và thanh toán cho nhà đầu tư) tương đương 5% diện tích của TP.HCM.

Song, xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn chỉ là một trong số ít dự án BT trên địa bàn TP.HCM. Điều đáng nói, đa phần nhà đầu tư đề xuất đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BT là doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, nên BT đồng thời được xem là giải pháp để gia tăng quỹ đất hoặc kiếm lợi nhuận từ chênh lệch khi được trả tiền xây dựng bằng bất động sản. Các công trình BT trong thời gian qua phần lớn là chỉ định thầu dựa trên đề xuất của nhà đầu tư. Mặt trái của vấn đề này, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là sinh ra cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tạo điều kiện cho tham nhũng.

Liên quan đến BT, tại cuộc họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ sớm tổ chức hội thảo để đánh giá thực trạng, giải pháp, quy trình quản lý các dự án, công trình BT trên địa bàn theo hướng công khai, minh bạch và đảm bảo quy định pháp luật.

>>BOT có nghĩa là... thu phí?

Người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nhắm vào 2 vấn đề chính cần đưa ra thảo luận tại hội thảo là quy trình đánh giá các dự án BT đã thực hiện và đề xuất quy trình quản lý các dự án BT theo hướng công khai. Việc áp dụng quy trình là để khai thác hiệu quả tài nguyên đất của Thành phố. Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tất cả dự án hiện đang thảo luận hay đàm phán phải ngừng lại, chờ quy trình mới tính tiếp, còn dự án nào Chính phủ cho phép thì vẫn tiến hành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, TP.HCM có 18 công trình với tổng số vốn hơn 59.000 tỷ đồng thực hiện theo các hình thức BT, BOT, BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Hiện có hơn 130 nhà đầu tư kiến nghị đầu tư liên quan đến các hình thức trên với tổng số vốn hơn 350.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nhu cầu của nhà đầu tư là rất lớn, nên để tránh những sai sót, tiêu cực trong quá trình kêu gọi, triển khai dự án theo các hình thức trên, cơ quan quản lý cần phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có năng lực có cơ hội tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Khép cửa" với dự án BT đang đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO