![]() |
Xu hướng đầu tư trí tuệ nhân tạo đang lan rộng từ các quốc gia, các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu, cho đến các công ty khởi nghiệp… dẫn tới sự thay đổi đáng kinh ngạc của nền kinh tế toàn cầu, có quy mô tác động và tốc độ phát triển theo cấp số lũy thừa, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội, trong đó phần đóng góp của AI được dự báo sẽ lên tới 15.700 tỷ USD vào năm 2030.
Chương trình hội thảo dự kiến bao gồm: phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; phát biểu định hướng nội dung hội thảo và chỉ đạo thực hiện của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; phát biểu của ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phát biểu tham luận của các chuyên gia từ các trường đại học, doanh nghiệp, các sở - ngành tại Thành phố (trong đó có ba bài tham luận của chuyên gia cao cấp nước ngoài từ Ngân hàng Thế giới, chính phủ Singapore, Tập đoàn Microsoft), tập trung vào các chủ đề chính: giới thiệu tình hình quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng AI; khuyến nghị, đề xuất và các cam kết hỗ trợ cho TP.HCM. Kinh nghiệm trong nghiên cứu, ứng dụng, triển khai AI trong từng lĩnh vực cụ thể: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, ngân hàng, sản xuất, IoT… Hiện trạng và kinh nghiệm, các giải pháp (về chính sách, tài chính, thị trường…) trong nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy AI tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Hiện trạng, tình hình nghiên cứu, ứng dụng AI và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, doanh nghiệp… đã triển khai, ứng dụng AI trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Chương trình, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI tại Việt Nam.
UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng, lĩnh vực ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất. Tiếp theo, Sở và các đơn vị liên quan sẽ tổng hợp, hoàn thiện và trình UBND TP.HCM xem xét, ban hành Chương trình “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025”.
Trong năm 2019-2020, Thành phố sẽ xem xét phương án phát động cuộc thi nhằm phát hiện, chọn lựa được các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực quản lý, sản xuất, điều hành có hàm lượng chất xám cao, đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư và lợi ích cộng đồng cao; đồng thời xác định một số lĩnh vực cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngay (giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, môi trường, cấp thoát nước, điện lực) nhằm giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa, hỗ trợ mạnh mẽ cho triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh; đồng thời, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tại Thành phố.