Hồi phục kinh tế: Phản ứng chính sách kịp thời, triển khai hiệu quả

Lan Ngọc| 12/04/2022 07:00

Kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi khi đại dịch Covid-19 được khống chế một phần. Tuy nhiên, để kinh tế tăng trưởng bền vững, phải triển khai các giải pháp đồng bộ, ưu tiên đầu tư công và giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh". Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong quý I và cả năm 2022?

- Quý I/2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức trên 5%, cao hơn mức 4,7% của cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI từ tháng 1 đến ngày 20/3/2022 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp tài khóa và tiền tệ tổng hợp, ước tính lên đến 15 tỷ USD để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 và 2023. Do đó, dự báo năm 2022, tăng trưởng công nghiệp đạt khoảng 9,5%, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, sản lượng nông nghiệp dự báo tăng khoảng 3,5%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, dự báo lĩnh vực dịch vụ tăng  5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP, xuất khẩu hàng hóa dự báo tăng 8-10%, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cũng sẽ tăng...

Đó là những tín hiệu rất tích cực. Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 do ADB công bố ngày 6/4/2022 vừa qua, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% và năm 2023 là 6,7%.

43432432-5403-1649745484.jpg

* Theo ông thì trong năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn nào?

- Những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và các nền kinh tế lớn siết lại chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ làm suy yếu tiền đồng, gây thêm áp lực lạm phát cho Việt Nam. Thực tế cho thấy, cuối quý I/2022, lạm phát trung bình đã tăng từ 0,3% lên 1,9%, dự báo sẽ tăng đến 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023.

Nợ xấu gia tăng cũng là một yếu tố rủi ro trong trung hạn, cùng với các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên phân loại khiến tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của Việt Nam ước tính khoảng 8,2% tổng dư nợ. Chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh, các thủ tục hành chính phức tạp trong giải ngân vốn đầu tư công sẽ làm chậm chương trình phục hồi kinh tế.

* Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam về giải pháp phục hồi kinh tế để đạt kết quả như kỳ vọng?

- Thứ nhất, muốn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ tổng hợp nói trên có hiệu quả cao thì  phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng (được phân bổ 113.000 tỷ đồng). Triển khai đầu tư công cần phải đơn giản hóa triệt để về thủ tục và hiệu quả trong phối hợp thực thi chính sách. Thứ hai, trợ cấp lãi suất với tổng trị giá 40.000 tỷ đồng là cấu phần tài khóa chính của chương trình này, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tổng cầu, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được gói hỗ trợ này. Thứ ba, một cấu phần khác của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là giảm 2% thuế VAT với tổng giá trị cắt giảm ước tính khoảng 49.000 tỷ đồng, nhưng các tiêu chí và thủ tục xác nhận đủ điều kiện thụ hưởng khoản giảm này phải được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và dễ thực hiện.

Để phục hồi kinh tế nhanh và bền vững, tăng trưởng xanh và bao trùm, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số.

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi phục kinh tế: Phản ứng chính sách kịp thời, triển khai hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO