Hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

Nguồn NOIT| 26/11/2009 04:53

Thông qua MUTRAP III, Liên minh châu Âu tiếp tục hỗ trợ VN trong việc thực thi các nghĩa vụ WTO, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển bền vững trong dài hạn.

Hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

Dự án EU- Việt Nam MUTRAP III có ngân sách 10.670.000 euro, trong đó Liên minh châu Âu tài trợ 10.000.000 Euro và Chính phủ Việt Nam đóng góp 670.000 euro, được thực hiện từ tháng 8/2008 đến tháng 6/2012.

Dự án EU- Việt Nam MUTRAP III có ngân sách 10.670.000 euro

Dự án được xây dựng trên cơ sở Chiến lược Quốc gia giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam cho giai đoạn 2007-2013 và phù hợp với Chương trình Hành động hậu gia nhập WTO của Chính phủ để thực hiện các cam kết WTO nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại của Việt Nam.

Dự án có 5 hợp phần, bao gồm 44 hoạt động. Các hoạt động của dự án được triển khai dưới nhiều hình thức: Nghiên cứu, khảo sát điều tra, đánh giá tác động, rà soát văn bản pháp quy; đào tạo trong nước, tham quan khảo sát, đào tạo ở nước ngoài, tham gia các cuộc họp/ hội thảo/ sự kiện về các vấn đề WTO/Doha, đàm phán thương mại khu vực và song phương; Hội thảo phổ biến thông tin/ kết quả nghiên cứu; xây dựng cơ sở dữ liệu, website, cổng thông tin điện tử và xuất bản ấn phẩm về các cam kết hội nhập, sách và tài liệu phổ biến thông tin, kết quả nghiên cứu.

Theo đó, hợp phần 1: Tăng cường năng lực của Bộ Công Thương trong việc điều phối và thực hiện các cam kết WTO. Hợp phần này bao gồm 12 hoạt động tăng cường năng lực, thuộc 5 nhóm: Hỗ trợ tham gia vào công việc thường xuyên của WTO, chuẩn bị cho việc Rà soát Chính sách Thương mại lần đầu tiên của Việt Nam theo nghĩa vụ của WTO; Hỗ trợ tham gia các cuộc đàm phán Doha; tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách và tạo thuận lợi cho việc tham gia các hiệp định kinh tế -thương mại quốc tế; Hỗ trợ tận dụng quyền lợi của thành viên WTO; nâng cao năng lực của Bộ Công Thương góp phần thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.

Hợp phần 2: Cải thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương với khu vực doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thương mại và nâng cao năng lực về chính sách thương mại của các Hiệp hội doanh nghiệp và các trường đại học để xây dựng một chiến lược hội nhập nhất quán, bền vững về mặt xã hội và môi trường. Được biết, dự án dành riêng một khoản ngân sách 1,7 triệu euro để hỗ trợ các hiệp hội, trường học và khu vực tư nhân đề xuất các sáng kiến nhằm thực hiện các mục tiêu tăng cường cơ chế điều phối giữa Bộ Công Thương và khu vực tư nhân về các vấn đề liên quan đến thương mại và thúc đẩy đào tạo và nghiên cứu thực tế để có một chiến lược hội nhập kinh tế thương mại nhất quán, bền vững về mặt xã hội và môi trường.

Hợp phần 3: Tăng cường năng lực của Bộ Công Thương để đàm phán và điều phối hiệu quả các thỏa thuận liên quan đến thương mại như AFTA, ASEAN cộng, và tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại chủ yếu, bao gồm EU.

Hợp phần 4: Tăng cường thuận lợi hóa thương mại dịch vụ thông qua việc nâng cao khả năng điều phối, thống kê và phân tích.

Hợp phần 5: Tăng cường năng lực cho các bên liên quan đến chính sách cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo một sân chơi bình đẳng, công bằng cho mọi doanh nghiệp thông qua việc thực thi Luật Cạnh tranh. 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, EU tiếp tục là đối tác đầu tư vào Việt Nam lớn thứ hai sau Nhật Bản, chiếm khoảng 7 tỉ USD trong tổng số vốn FDI có tại Việt Nam. Trong năm 2009, tổng số viện trợ EU cam kết dành cho Việt Nam là 716,21 triệu Euro (tương đương với 17,82% tổng số viện trợ nước ngoài), trong đó khoảng một nửa là viện trợ không hoàn lại (308 triệu Euro).

Những dự án tài trợ nổi bật nhất của EU dành cho Việt Nam phải kể đến Dự án hỗ trợ thương mại đa biên MUTRAP. Trải qua 2 giai đoạn, MUTRAP III hiện đã triển khai thực hiện được 1 năm với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực thi các nghĩa vụ, cam kết WTO, nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển bền vừng trong dài hạn. Ngoài ra, EU còn tài trợ cho Việt Nam nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch, hỗ trợ cải cách hành chính, xóa đói, giảm nghè, văn hóa, giáo dục đào tạo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO