Hàng Việt về vùng quê Trà Vinh

VÂN ANH| 25/12/2009 08:20

Sau các phiên chợ là việc củng cố mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn. Phải khẳng định, đây không phải là hoạt động bán dạo, mà là cách để các doanh nghiệp chủ động thắt chặt mối quan hệ với người bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng”.

Hàng Việt về vùng quê Trà Vinh

“Sau các phiên chợ là việc củng cố mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn. Phải khẳng định, đây không phải là hoạt động bán dạo, mà là cách để các doanh nghiệp chủ động thắt chặt mối quan hệ với người bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng”.

Kết thúc phiên chợ ở hai huyện Cầu Ngang, Trà Cú, doanh số của 48 doanh nghiệp tham gia Phiên chợ hàng Việt về quê từ ngày 11 - 13/12/2009 là trên 1,5 tỷ đồng. Mỗi huyện, các doanh nghiệp chỉ dừng lại một ngày rưỡi, một đêm. Ở Cầu Ngang, nhiều người bán lúa, bán gà, vịt lấy tiền đi chợ phiên. “Phải chi phiên chợ ở lại hai đêm, dân vùng sâu mới chuẩn bị kịp để mua hoặc bán hàng”, Thạch Sambô, một nông dân địa phương đem hàng ra phiên chợ, “tiếc rẻ”.

“Sau các phiên chợ là việc củng cố mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn. Phải khẳng định, đây không phải là hoạt động bán dạo mà là cách để các doanh nghiệp chủ động thắt chặt mối quan hệ với người bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng”, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - đơn vị cùng Sở Công Thương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức các phiên chợ hàng Việt về quê, cho biết.

Nông dân Cầu Ngang chọn mua hàng ở Phiên chợ hàng Việt về quê

Tại hai phiên chợ ở Cầu Ngang, Trà Cú, 60 học sinh nghèo, hiếu học đã nhận được món quà khích lệ, 100 tiểu thương cảm nhận được sự cần thiết phải đi học cách bán hàng thu hút khách, 600 người nghèo được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, khoảng 100 nông dân được bồi dưỡng kỹ thuật canh nông do Công ty CPC hướng dẫn. Công ty Dược Hậu Giang đã chia sẻ với người dân Cầu Ngang bằng cách phối hợp tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí tại chùa Phước Thanh.

Cũng tại phiên chợ này, có một góc dành cho những cơ sở sản xuất và làng nghề. Lần đầu tiên các đơn vị này ở Trà Vinh thấy được nhu cầu của người tiêu dùng khi đặc sản, sản phẩm làng nghề có chất lượng cao và bao bì, mẫu mã đẹp bán chạy ngay trên “sân nhà”.

Chị Tư Cúc, cơ sở Thủy Tiên (Trà Vinh), đem bột lẫu bần, mứt bần tới phiên chợ, nói: “Nhờ tham gia phiên chợ này mà tôi mới có sản phẩm đúng bài bản. Sáu tháng trước, tôi bắt chước người ta in nhãn hiệu mứt bần, mắc quá nhiều lỗi. Tôi “tiếc của” 10.000 cái nhãn đã lỡ in chữ “Mức bần”, dán đại vào sản phẩm mang đi bán. Nghĩ lại mắc cỡ quá chừng!

Anh Ngô Văn Phương chào bán nước mắm rươi Long Vinh (Trà Vinh) có hồ sơ chất lượng sản phẩm đàng hoàng và sẵn sàng chấp nhận truy nguyên nguồn gốc, nhưng mẫu chai thì của thiên hạ, thấy được thì đóng chai chứ chưa dám mơ có mẫu chai riêng cho nước mắm rươi Long Vinh.

Anh Trần Văn Mến, chủ cơ sở sản xuất cốm dẹp, bột nưa, nói: “Tết đến, hy vọng sẽ bán nếp than lên Sài Gòn. Giá tạm tính trên 38.000 đồng/kg vì phải thuê người trồng, nhưng mới có vài mẫu đất, coi như điểm trình diễn, chừng nào có đầu ra ổn định thì diện tích nếp than tự động “trương nở”. Sự giãn nở của các làng nghề, cơ sở sản xuất đặc sản ở miền tây xưa nay đều như vậy. Anh Mến kỳ vọng bán được tinh bột nưa để cải thiện thu nhập của người trồng khoai nưa ở Duyên Hải (Trà Vinh) và vùng phụ cận.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 160 làng nghề, 50 cơ sở sản xuất và làng nghề có triển vọng tạo dựng thương hiệu. Những phiên chợ hàng Việt về quê như Phiên chợ ở Cầu Ngang, Trà Cú là cơ hội tốt nhất để các đơn vị này “thực tập” xây dựng thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt về vùng quê Trà Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO