Hãng tin AFP: Kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn phần còn lại của thế giới trong năm 2020

Ngọc Thoại| 16/12/2020 00:02

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan trong năm 2020 khi tăng trưởng khoảng 3,6%, đạt 527 tỷ USD. Theo hãng tin AFP, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19, từ đó giúp kinh tế khởi sắc hơn phần còn lại của thế giới.

Hãng tin AFP: Kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn phần còn lại của thế giới trong năm 2020

Một trong những điểm nhấn về kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là chỉ số tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Theo Bộ Công thương ước tính, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó. Thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD.

"Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021", Bộ này đánh giá.

Hưởng lợi từ việc chống dịch hiệu quả

Hãng tin AFP sáng 16/12 cũng cho biết Việt Nam là trong những quốc gia hiếm hoi tránh được nguy cơ dính vào một cuộc suy thoái kinh tế mang tính chất toàn cầu trong năm nay, trước hết là nhờ vào phản ứng mạnh mẽ với đại dịch Covid-19, từ đó giúp nhờ đó khiến xuất khẩu tăng vọt.

Nền kinh tế Việt Nam đang đi theo xu hướng phục hồi nhanh chóng, các nhà phân tích dự đoán nước này có thể sẽ được hưởng một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2020, AFP cho hay.

Trong khi nhiều quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao, Việt Nam đã ghi nhận ít hơn 1.500 trường hợp nhiễm Covid-19 và 35 trường hợp tử vong nhờ các biện pháp kiểm dịch hàng loạt, truy vết tiếp xúc trên diện rộng và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển, cho phép các nhà máy mở cửa và mọi người nhanh chóng làm việc trở lại .

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, nói với AFP: “Cuộc giãn cách toàn xã hội nghiêm trọng nhất kéo dài chưa đầy ba tháng, vì vậy mọi hoạt động kinh tế trong nước nhanh chóng trở lại bình thường vào tháng sáu năm nay”.

Trong khi nhiều quốc gia phương Tây đang kêu gọi người dân ở nhà vào giữa năm nay, người Việt Nam đã có thể đổ xô đến những bãi biển tuyệt đẹp khi Chính phủ cố gắng tạo cơ hội cho ngành du lịch trong nước.

Tuy nhiên cũng có những lo ngại nghiêm trọng đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam khi nhu cầu về quần áo, giày dép và điện thoại thông minh sụt giảm tại một số thị trường lớn nhất của nó bao gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Nhưng hóa ra xuất khẩu vẫn giúp thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay", ông Thành nói. "Đó là bởi vì Việt Nam có thị trường xuất khẩu rất đa dạng - không phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường xuất khẩu nào."

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, các lô hàng xuất đến Trung Quốc đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước trong chín tháng đầu năm nay.

Nhu cầu đối với nhiều mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam - chẳng hạn như đồ điện tử gia dụng, đồ nội thất văn phòng, máy tính và tivi... đã tăng vọt trong thời gian đại dịch do mọi người buộc phải ở nhà trong thời gian các nước đóng cửa và tiến hành giãn cách toàn xã hội.

Điều đó có nghĩa là tuy Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay, nhưng nền kinh tế dự kiến tăng 2,4%, một trong những nền kinh tế tốt nhất trên thế giới, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF đã dự báo kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp ở mức tăng trưởng âm 4,4% trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãng tin AFP: Kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn phần còn lại của thế giới trong năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO