Hai vấn đề “nóng: Đường sắt cao tốc và “sốt” đất

MỘC MIÊN| 02/06/2010 05:44

Đó là nội dung Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian để làm rõ một số vấn đề tại cuộc họp Chính phủ ngày 2/6.

Hai vấn đề “nóng: Đường sắt cao tốc và “sốt” đất

Ngày 2/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dành thời gian làm rõ một số vấn đề của dự án đường sắt cao tốc với đại diện các bộ, ngành, nhằm thống nhất những nội dung cơ bản và cần thiết đảm bảo “an toàn và trong tầm kiểm soát”, “có hiệu quả và lo được nguồn vốn thực hiện” trước thời điểm Quốc hội bỏ phiếu định đoạt chủ trương trên (dự kiến cuối tháng 6). Bộ Giao thông vận tải sẽ phải bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào bản báo cáo về dự án trong buổi làm việc này với Thủ tướng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Chính phủ chiều 1/6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết chi phí 56 tỷ đôla dự kiến của dự án “chỉ là kinh phí dự trù tổng thể với đơn giá dự kiến”, chi phí cụ thể sẽ được xem xét và đưa ra sau khi Quốc hội thông qua.

Hiện tại, Chính phủ phía Nhật Bản đã có cam kết về việc hỗ trợ vốn, công nghệ thực hiện dự án nếu được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Được biết, Chính phủ đang nắm trong tay nhiều phương án trước khi đưa ra quyết định chính thức cho phương án khả thi nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tốc độ phát triển kinh tế (dự kiến GDP đạt 200 tỷ USD vào năm 2020) của Việt Nam hiện nay.

Ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5% là những mục tiêu cơ bản được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhằm hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Nghị quyết 03/NQ-CP và Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ.

Tại cuộc họp của Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội với nhiều tín hiệu tích cực như chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2010 tăng 0,27% so với tháng 4 được coi là “mức tăng thấp so với cùng kỳ” năm trước ; kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2010 tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp ư¬ớc tăng gấp hơn 3 lần mức tăng cùng kỳ năm trước và cao hơn so với kế hoạch năm (12%).

Bên cạnh đó, còn có một số thông tin lạc quan khác như 5 tháng đầu năm đã giải ngân được 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đã có 360 dự án với tổng vốn đăng ký 7,1 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 40,1% về tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2009; tạo việc làm mới cho khoảng 615 nghìn người, xuất khẩu lao động gần 30 nghìn người, đạt 39,4% kế hoạch năm...

Nhập khẩu tăng mạnh và nhập siêu vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản có những biểu hiện bất thường, giá cả nhà đất tăng đột biến; tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoat của người dân; lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng còn cao; tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp; thiên tai, dịch bệnh đã làm cho đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn là những vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận và lưu ý trong chương trình làm việc của các thành viên Chính phủ.

Theo đó, các Bộ, ngành được Thủ tướng giao trách nhiệm theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới “để có điều chỉnh chính sách kịp thời”, phấn đấu “tăng thu và giảm bội chi ngân sách”, chú trọng “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt; thực hiện các biện pháp để giảm lãi suất và kiểm soát tăng dư nợ tín dụng, giữ ổn định tỷ giá; theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng chủ yếu và tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp ổn định giá cả, không để đầu cơ, tùy tiện nâng giá; kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu song song với việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường hiện có, tiến tới đưa mức nhập siêu xuống dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Riêng đối với tình hình “sốt” bất động sản, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm sớm khắc phục tình trạng giá đất và nhà ở tăng đột biến trong thời gian vừa qua...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai vấn đề “nóng: Đường sắt cao tốc và “sốt” đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO