Góp tay làm sống lại làng nghề

ĐẶNG QUÝ YÊN| 01/02/2014 06:41

Được biết đến trong vai trò của một điêu khắc gia nặng lòng với nghệ thuật sáng tạo nhưng trong năm 2013, điều khiến người trong nghề nhớ đến Đinh Công Đạt lại không phải là những triển lãm nghệ thuật.

Góp tay làm sống lại làng nghề

Được biết đến trong vai trò của một điêu khắc gia nặng lòng với nghệ thuật sáng tạo nhưng trong năm 2013, điều khiến người trong nghề nhớ đến Đinh Công Đạt lại không phải là những triển lãm nghệ thuật. Dưới bàn tay tài hoa và tâm huyết của người làm công việc mang tính sáng tạo, khu du lịch suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã biến thành một quần thể làng nghề truyền thống với sự hội tụ của nhiều nghề khác nhau...

Đọc E-paper

Truyền lửa, truyền nghề

>Những người trẻ kết nối với lịch sử
>Vương xưa mà để tân thời

Giới thiệu về dự án của mình, những người làm nên làng nghề truyền thống khu du lịch suối khoáng nóng Alba Thanh Tân không khỏi tự hào. Chỉ sau 30 ngày làm việc, khu du lịch đã trở thành một làng nghề thủ công hội tụ khá nhiều nghề nổi tiếng như: nghề làm gốm, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, nghề làm hoa voan, nghề bồi mặt nạ giấy, nghề làm diều Huế, nghề làm quạt giấy...

Ngoài sinh hoạt, hoạt động sản xuất của các nghệ nhân, làng nghề ở Alba Thanh Tân còn có các lớp giảng dạy về kỹ thuật làm các nghề thủ công truyền thống Huế để có thể truyền tình yêu nghề truyền thống của cha ông cho thanh niên và trẻ con tại vùng đất này.

Những người trẻ tuổi đã được truyền lửa và truyền nghề từ những bàn tay vàng đang ngày càng bị mai một như: nghệ nhân làm diều Nguyễn Đăng Hoàng, nghệ nhân làm gốm Phạm Anh Đạo và các nghệ nhân ở các làng thủ công khác.

Ý tưởng này đã được xây dựng và hiện thực hóa thông qua nhóm các nghệ nhân với sự tư vấn về mỹ thuật của nghệ sĩ, kiến trúc sư Đinh Công Đạt. Anh chia sẻ về dự án làm sống lại làng nghề này: “Có rất nhiều cách để lưu giữ và làm tăng giá trị văn hóa của làng nghề thủ công qua việc duy trì và phát huy những kỹ năng của nghề truyền thống. Việc này chỉ có thể thực hiện thành công với những cái bắt tay đầy thiện chí của nghệ nhân, nghệ sĩ và doanh nghiệp. Quan niệm của chúng tôi là giữ cho làng nghề sống với những kỹ năng được thường xuyên sử dụng. Hơn thế nữa, những kỹ năng quý báu đó cần và nên được những người trẻ và xã hội tiếp cận, thử nghiệm và sử dụng trực tiếp”.

Bỏ lại đằng sau những bảo tàng...

Đúng như mong ước của người nghệ sĩ, dự án đã thu hút rất đông thanh niên, trẻ em đến học, thực hành và vui chơi... trong dịp Festival Huế vừa rồi. Các em được tự tay làm ra những sản phẩm gốm, làm hoa giấy, hoa voan, mặt nạ giấy bồi, diều Huế và quạt giấy.

Đồng thời, các em cũng có được những kiến thức đúng đắn về thế nào là gốm, hoa giấy, mặt nạ giấy, quạt giấy... cùng các kỹ năng thao tác để làm ra một sản phẩm thủ công truyền thống.

Chứng kiến những nụ cười, ánh mắt đầy tự hào của thế hệ trẻ khi nhìn về những sản phẩm thủ công do chính tay mình tác tạo, nghệ sĩ Đinh Công Đạt không khỏi hài lòng. Anh đánh giá: “Không chỉ ở Huế mà ngay tại Nam bộ cũng có nhiều làng nghề, nhiều thứ cần lưu giữ, nhiều thứ có giá trị. Chúng lung linh, lấp lánh và quý giá”.

Tuy nhiên, theo nghệ sĩ, muốn làm sống lại những làng nghề thì người nghệ sĩ phải hủy tính tự ngã của mình. Khi làm việc với những giá trị văn hóa cao như vậy thì cái tôi của nghệ sĩ sẽ biến mất. Điều này thực sự là một thử thách với người làm công việc sáng tạo.

“Với riêng cá nhân tôi, chỉ cần nghĩ là mình đang làm việc với những hóa thạch sống của một nền văn hóa, của giá trị sống thì chuyện tôn vinh giá trị truyền thống thông qua các hoạt động thiết thực, đầy ắp sự sống và tồn tại một cách tự nhiên mới thực sự quan trọng”, anh chia sẻ.

Tâm huyết như thế nên nghệ sĩ Đinh Công Đạt cùng những người điều hành Alba Thanh Tân quyết tâm đi tiếp con đường của mình, để làng nghề tồn tại không chỉ ở một Festival mà còn được mở rộng. Cách duy trì nếp sống cho làng nghề là kết hợp các chương trình vừa học vừa chơi với các trường mầm non và tiểu học tại Huế đến tham quan làng nghề Alba.

Không chỉ bó hẹp trong mô hình làng nghề thủ công tại Alba Thanh Tân, đội ngũ điều hành làng nghề còn tổ chức các chương trình du khảo văn hóa tới các làng nghề truyền thống lâu đời như làng gốm Phước Tích, làng đan lát mây tre Bao La, làng quạt giấy Hương Thủy... để tạo thêm điểm đến cho khách du lịch.

“Mọi người sẽ có nhiều cách nhìn vào loại công việc tôi cùng các cộng sự của mình triển khai ở Thanh Tân, nhưng với riêng tôi thì dự án làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch là một trong những tác phẩm nghệ thuật quan trọng nhất trong mấy năm qua. Nó là tác phẩm nghệ thuật đã đặt mình sang một quan niệm khác, một góc tiếp cận nghệ thuật khác”, anh nói vậy.

Ở đó, nghệ thuật với cá nhân người nghệ sĩ đã bỏ lại đằng sau những bảo tàng, gallery, khung, bục và sự tán dương của đồng nghiệp và người yêu thích, đã thoát khỏi cá nhân, thoát khỏi mọi ràng buộc của lý thuyết, của trường lớp, của sự khen chê. Bởi dự án đã là của mọi người, thực sự rời khỏi Đinh Công Đạt để tồn tại như một thực thể độc lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Góp tay làm sống lại làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO