Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công

24/02/2010 00:43

Với việc tăng tỉ giá VND/USD, giá xăng và tới đây là giá điện giữ được lạm phát năm 2010 ở 7% như Quốc hội giao là kỳ công và nhiệm vụ này cực khó.

Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công

Với việc tăng tỉ giá VND/USD, giá xăng và tới đây là giá điện, theo TS Nguyễn Đình Ánh - viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, giữ được lạm phát năm 2010 ở 7% như Quốc hội giao là kỳ công và nhiệm vụ này cực khó.

Lạm phát là nỗi ám ảnh cho người thu nhập thấp, khi giá cả tăng vọt mà thu nhập không tăng. Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty Freetrend, đợi đến chiều tối 23/2 mới đi chợ để hi vọng mua đồ rẻ, nhưng tần ngần trước hàng thịt và cuối cùng quyết định không mua để tiết kiệm! - Ảnh: N.C.T.

TS. Nguyễn Đình Ánh nói:

- Vừa ra tết, khi người dân bắt đầu đi làm ngày đầu tiên, thông tin tăng giá xăng hôm trước đã làm những người quan tâm đến giá cả định hình ngay được tính nhạy cảm của lạm phát năm nay. Ngày hôm sau nữa thì có thông tin về tăng giá điện, mức tăng là 6,8%, nhích hơn so với phương án đề xuất phê duyệt của Bộ Công thương là 4,91%. Nhiều người cảm thấy bất ngờ. Và chắc chắn lạm phát đúng là một bài toán khó cho điều hành kinh tế năm 2010.

* Vậy việc điều chỉnh giá xăng gần đây, rồi quyết định tăng giá điện tới 6,8%, theo ông, vào thời điểm này có phù hợp?

- Việc điều chỉnh giá là bắt buộc phải làm vì chúng ta đang theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ nào lại là nghệ thuật của các nhà quản lý và người ta sẽ đánh giá tính thời điểm, mức độ là chính, hơn là các quyết định mang tính thị trường. Bản thân giá xăng dầu bây giờ quyền điều chỉnh đã thuộc các doanh nghiệp và động cơ điều chỉnh của họ khác với các cơ quan nhà nước trước đây.

Mục tiêu và nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, việc chịu đựng để vì cái lợi ích chung, về nguyên lý, đòi hỏi ở doanh nghiệp chỉ có thể ở mức ít ỏi thôi, họ không thể làm nhiều được. Còn về giá điện, theo tôi, mức tăng 6,8% khó có thể nói là cao vì không có cơ sở cho việc so sánh một cách rõ ràng.

Nếu so với sức chịu đựng, thu nhập của người dân sau khi vừa ra khỏi suy giảm kinh tế, những tác động dây chuyền của nó thì khác mà chỉ so với các con số đơn thuần và tác động đến CPI, GDP thì nói “không đáng kể” cũng đúng.

TS Nguyễn Đình Ánh

Về thời điểm, theo tôi, các quyết định tăng giá ảnh hưởng đến lạm phát nên để sau quý 1-2010, bởi khi đó chúng ta nhìn rõ được tính quy luật của nền kinh tế, xem mức độ lạm phát năm nay thế nào rồi ra quyết định sẽ hợp lý hơn.

Chỉ số giá tháng 1, tháng 2 không có nhiều ý nghĩa do đó là tháng tết. Quy luật sau tháng tết, chỉ số giá sẽ giảm. Việc tăng hay giảm của chỉ số giá sau tết cho thấy những dấu hiệu của cả năm. Việc điều hành dựa trên những thông số này sẽ chính xác và có tác động tích cực nhiều hơn đối với thị trường và doanh nghiệp, người dân.

* Vậy theo ông, mục tiêu giữ lạm phát ở mức 7% có khả thi?

- Quy luật CPI tháng 3 phải giảm, nhưng những tín hiệu giá gần đây cho thấy nó khó có thể giảm đáng kể. Đây chính là nỗi lo. Theo tính toán của tôi, e rằng chỉ trong nửa năm chúng ta đã “hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch” lạm phát 7% cho năm 2010.

Hai tháng đầu năm CPI có thể đã 3,2% rồi. Đó là chưa kể đến những tháng 8, 9, 10 cuối năm, mức tăng CPI thường cao thêm. Nên theo tôi, giữ chỉ số lạm phát cả năm ở khoảng 7% là cực khó.

Đặc biệt, với việc nhập siêu vẫn không có dấu hiệu cải thiện trong khi giá thế giới, đặc biệt là xăng dầu, một số loại nguyên vật liệu đã được dự báo sẽ tăng khi phục hồi kinh tế, khả năng VN phải “nhập khẩu lạm phát” là khó tránh.

"Chính phủ cam kết nhiệm vụ quan trọng của năm nay là ổn định vĩ mô. Chính sách bên cạnh các tác động trực tiếp của nó thì cần phải có một tính năng khác nữa, đó là tạo niềm tin. Nếu Chính phủ tạo cho dân đủ niềm tin thì lạm phát sẽ giảm hơn mức đáng có và ngược lại"

TS NGUYỄN ĐÌNH ÁNH

* Việc điều chỉnh tỉ giá tác động thế nào đến lạm phát?

- Kinh tế VN năm 2009 có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, trong khoảng một năm vừa qua, chúng ta đã điều chỉnh giảm giá đồng tiền của mình khá mạnh, gần 20%. Nghĩa là so với USD, tiền VN đã mất đi từng ấy giá trị. VN là nước nhập siêu, hàng hóa mua về theo USD, khi chuyển sang tiền VN tự nhiên cũng đắt thêm.

Dù đã điều chỉnh tỉ giá nhưng đến nay tình hình trở lại gần như cũ. Nếu điều chỉnh tỉ giá tiếp, chúng ta lại tạo thêm sự mất giá tiền đồng và sự mất giá này chắc chắn sẽ làm tăng lạm phát. Tăng lạm phát lại tiếp tục làm tiền mất giá... Nên các giải pháp chống lạm phát, ổn định vĩ mô theo tôi phải thật chặt chẽ ngay từ đầu năm để lạm phát ở mức thấp có thể chấp nhận được.

* Theo ông, VN cần có giải pháp điều hành gì, có nên tính lại chi tiêu công?

- VN đã có thành công trong việc điều hành kinh tế năm 2009 và lạm phát ở mức dưới 7% năm qua là một tiền đề tốt. Theo tôi, các chính sách đối phó với lạm phát nên có tính tổng thể và kịp thời nhưng các giải pháp nên đợi đến hết quý 1-2010, khi có những thông số cụ thể có tính chỉ báo rõ ràng hơn.

Việc kiểm soát lạm phát không khó, các biện pháp thế giới họ có rồi, chúng ta không phải sáng tạo thêm gì cả. Vấn đề là để chống lạm phát sẽ khá đắt đỏ. Như thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp sẽ khó làm ăn hơn, tăng trưởng cũng khó khăn hơn. Nếu hết quý 1 mà Chính phủ thấy lạm phát có nguy cơ tăng cao thật thì các giải pháp như tăng lãi suất, giảm thuế, hạn chế cho vay, thậm chí hạn chế chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách... cần thiết phải đặt ra.

Tết quá đắt đỏ

Bộ Công thương vừa có báo cáo về tình hình giá trong những ngày Tết Nguyên đán. Theo đó, sức mua đã gia tăng khá mạnh trong dịp Tết Canh Dần, ước tính tăng đến 15-20% so với tết năm trước. Cũng theo Bộ Công thương, do có dự trữ nên giá cả một số mặt hàng có tăng nhưng không mạnh. Giá thóc gạo tăng khoảng 1.000-2.000đ/kg, các loại thịt tươi sống, thực phẩm chế biến chỉ tăng 5-15%.

Các loại hàng khô giá đã được điều chỉnh tăng từ trước tết 2-3 tháng, tiếp tục tăng nhẹ vào gần tết nên mức giá cao hơn tết năm ngoái 20-50%. Riêng thịt bò, gia cầm, thủy hải sản là các mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh trong những ngày tết, tăng 15-30%. Các loại rau quả trong nước cũng tăng 30-50% so với trước tết.

Về rượu, bia, bánh, mứt, kẹo, theo Bộ Công thương, do chi phí đầu vào tăng nên giá các mặt hàng này đã được nhà sản xuất điều chỉnh tăng 10-15% so với năm trước.

Nhiều mặt hàng bia, rượu, nước giải khát mặc dù các nhà sản xuất không tăng giá nhiều nhưng trong khâu lưu thông, giá đã được đẩy lên cao.

Siêu thị ở TP.HCM: Tăng giá hay không còn chờ sức mua

Theo bà Nguyễn Thùy Trang - giám đốc kinh doanh hệ thống siêu thị hàng Nhật, đợt điều chỉnh tỉ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước nhằm đưa giá USD chính thức ngang bằng với giá thị trường tự do nên không ảnh hưởng nhiều đến giá cả các mặt hàng nhập vào siêu thị. Từ trước đến nay để có USD nhập hàng, doanh nghiệp vẫn phải mua USD theo giá thỏa thuận. Điều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là Nhà nước cần kiểm soát, điều hành để tỉ giá USD tự do không tăng vọt.

Các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, Maximark cho biết do tỉ lệ kinh doanh hàng nhập khẩu tại những hệ thống này giảm đáng kể trong thời gian gần đây, nguồn hàng nhập khẩu cũng như lượng hàng dự trữ nhập trước tết còn nhiều nên siêu thị vẫn giữ mức giá như cũ. Phải qua tháng 3, khi các doanh nghiệp bắt đầu nhập thêm hàng mới, diễn biến giá cả mới thật sự rõ nét.

Trong khi đó, các trung tâm kinh doanh hàng điện máy cho biết giá bán các mặt hàng chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới, nhưng ít nhất vẫn giữ được nguyên mức giá hiện tại cho đến cuối quý 1/2010. Hiện sức mua tại các trung tâm điện máy đang rơi vào mùa kinh doanh thấp điểm nên điều chỉnh giá theo hướng tăng sẽ làm tình hình khó khăn hơn.

Ông Ngô Quang Vinh, phụ trách marketing hệ thống trung tâm điện máy Ideas, đưa ra nhận định hiện có khá nhiều trung tâm kinh doanh hàng điện máy vẫn còn hàng tồn kho chưa bán hết trong dịp tết vừa qua, cộng thêm các nhà phân phối chưa có thông báo điều chỉnh tăng giá bán, nên thị trường chỉ có thể thiết lập mặt bằng giá mới từ đầu quý 2-2010. Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Vina Nguyễn Văn Đạo xác nhận giá bán đối với các nhà cung cấp những mặt hàng điện máy gia dụng hiện vẫn chưa có gì thay đổi so với thời gian trước đó.

CPI Hà Nội tăng mạnh

Sau khi TP.HCM công bố mức tăng giá tiêu dùng tháng 2 là 1,68%, Cục Thống kê Hà Nội cũng vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2010 của Hà Nội đã tăng tới 2,61% so với tháng trước và tăng tới 9,69% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, các mặt hàng tăng giá mạnh nhất gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và thiết bị, đồ dùng gia đình... với mức tăng từ 2,28-4,24%. Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010 của Hà Nội có mức tăng gấp đôi mức tăng của tháng 1 (tháng 1 tăng 1,30%).

Sữa tiên phong nâng giá

Bà Lê Quang Thục Quỳnh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết bắt đầu từ tuần sau, giá một số loại sữa nhập khẩu sẽ tăng 6-7% do tác động của yếu tố tỉ giá. “Sau một thời gian đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá, áp lực tỉ giá buộc siêu thị phải đồng ý điều chỉnh” - bà Quỳnh cho biết. Đây là những hãng sữa đã tăng giá ngoài thị trường từ tháng 1/2010.

Ngày 22/2, Công ty Vinamilk cũng đã gửi thông báo điều chỉnh tăng giá các sản phẩm sữa bột và sữa nước bình quân 8%, việc điều chỉnh giá được áp dụng từ ngày 11/2, ngay khi ngân hàng thông báo tỉ giá mới. Như vậy, sau khi tăng giá khoảng 6% hồi tháng 12/2009, giá sản phẩm sữa các loại của Vinamilk lại bước vào đợt tăng mới.

Hàng hóa tại các chợ dồi dào nhưng thưa vắng người mua - Ảnh: Tú Phương

Giá cả thị trường Đà Nẵng vẫn ở mức cao

Sau tết, hầu hết giá cả các loại dịch vụ ở Đà Nẵng đều tăng. Các nhà hàng, quán ăn tăng giá 10-20% so với trước tết. Tại các quán cơm bình dân thuộc khu vực trung tâm quận Hải Châu tăng 3.000-5.000 đồng/đĩa; bún, mì, phở tăng 5.000-10.000 đồng/tô.

Sáng 23/2, tại chợ Trung tâm thương nghiệp, chợ Hàn, chợ Mới, giá bán các loại thực phẩm và rau củ quả tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn thời điểm trước tết. Do giá bán các mặt hàng thực phẩm ở chợ cao hơn các siêu thị Big C, Co.op Mart, Intimex, Metro... nên lượng khách mua bán tại các chợ rất thưa thớt mà chủ yếu tập trung tại các siêu thị. Bà Lý Thị Nga, bán hàng rau củ ở chợ Hàn, cho biết lượng người mua vẫn rất ít, đa số tiểu thương ra bán từ mồng 6 tết nhưng chẳng bán được là bao. Một số quầy hàng rau củ, thịt, bánh kẹo tại các chợ đến hôm qua vẫn chưa hoạt động trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO