Giáo sư Harvard hiến kế phát triển kinh tế Việt Nam

Hoàng Thuỳ| 16/05/2022 00:00

Để nền kinh tế phát triển bền vững, các giáo sư Harvard gợi ý Việt Nam tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh, thử nghiệm sử dụng thuế bất động sản...

Chiều 14/5 (sáng 15/5 giờ Hà Nội), sau khi phát biểu tại Đại học Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự tọa đàm chính sách với các giáo sư trường này về định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Thủ tướng cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam không ngừng mở rộng thời gian qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực...

GS Kinh tế David Dapice đánh giá việc tham gia những hiệp định thương mại quốc tế là thành công lớn của Việt Nam. Hàng triệu người lao động nông nghiệp đã vào nhà máy. Tuy nhiên, điểm yếu là phần lớn nguyên liệu sản xuất đều nhập từ Trung Quốc. Khi Covid-19 xảy ra, biên giới đóng cửa hay khi có căng thẳng thương mại sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. "Cần phát triển đầu vào trong nước, đa dạng hóa nguồn phục vụ xuất khẩu", ông nói.

GS Kinh tế David Dapice. Ảnh: VNF

GS Kinh tế David Dapice. Ảnh: VNF

Theo GS David Dapice - thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm nay có thể lên 100 tỷ USD. Con số này so với Mỹ là nhỏ, nhưng Việt Nam cần liên tục trao đổi để tránh bị cho là thao túng tiền tệ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt không ít thách thức. Ngân hàng phải tăng cường phân tích dự báo để đưa ra chính sách đồng bộ, phù hợp thực tiễn; kiên quyết không dùng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại.

"Với sự kiên định đó nhiều năm, kết quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam rất ấn tượng, đi đôi với tốc độ tăng trưởng khá cao. Thị trường ngoại hối ổn định, là điểm sáng để Việt Nam nâng cao vị trí trong xếp hạng tín nhiệm", bà Hồng nói.

Với nền kinh tế số, GS David Dapice cho rằng đòi hỏi có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giao thương với nước ngoài, hợp tác đào tạo giáo dục.

"Thu hút FDI ngày càng khó hơn, hãy làm sao cho năng lượng tái tạo hiện hữu, tạo lợi thế cạnh tranh so với ASEAN", GS David Dapice gợi ý và thêm rằng muốn trở thành nền kinh tế đáng tin cậy, phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh cho Việt Nam.

Cùng với đó, nền kinh tế phải được duy trì độ mở cần có, đặc biệt là vấn đề thông tin trao đổi. Khi có độ mở sẽ thu hút nhiều tài năng hơn, nhà đầu tư có thể cảm thấy thoải mái với môi trường kinh doanh không bị cấm đoán. Đặc thù của Việt Nam là có nhiều tỉnh ở khu vực xa không có cơ sở hạ tầng thuận lợi, khó để họ tiếp cận, thu hút FDI. GS David Dapice đề nghị thử nghiệm sử dụng thuế bất động sản, cho phép địa phương sử dụng thuế này để đầu tư mà không dùng ngân sách quốc gia.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng muốn phát triển bền vững thì không chỉ có kinh tế bền vững, mà còn phải bền vững trong văn hóa, xã hội, con người. Việt Nam xác định mục tiêu lấy người dân làm chủ thể, mọi chính sách đều xoay quanh người dân, đem lại lợi ích cho nhân dân.

"Việt Nam thấy rằng phát triển nhanh và bền vững phải dựa trên động lực mới. Ngoài thể chế, hạ tầng, phải bổ sung hai động lực mới trong ba đột phá là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.

Các Giáo sư Đại học Harvard góp ý chính sách phát triển kinh tế Việt Nam, chiều 14/5 (sáng 15/5 giờ Hà Nội). Ảnh: Dương Giang

Các Giáo sư Đại học Harvard góp ý chính sách phát triển kinh tế Việt Nam, chiều 14/5 (sáng 15/5 giờ Hà Nội). Ảnh: Dương Giang

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được một số câu hỏi từ các giáo sư, nghiên cứu sinh. Có người băn khoăn Đồng bằng sông Cửu Long là tài sản địa chính trị nhưng đã bị hạn chế nước ở thượng nguồn, làm ảnh hưởng đến hạ nguồn. Chính phủ Việt Nam làm gì để hạn chế tác động đó?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong cuộc thảo luận với tổng thống Joe Biden ở khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt cũng đề cập nội dung này. Đây là vấn đề của khu vực nên cần có sự chung tay của các nước, và tác động đến người dân nên phải kêu gọi người dân cùng quan tâm.

Sahra - sinh viên cao học của Harvard cũng nêu tinh thần đổi mới sáng tạo được Việt Nam khuyến khích. Vậy Việt Nam làm gì để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo?

Thủ tướng cho biết đây là quan điểm nhất quán của Việt Nam, vừa phải kế thừa, vừa phải đổi mới và phát triển. "Phải có hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, trước hết là thể chế, nguồn lực, con người, làm sao để mỗi người hào hứng tham gia đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải có sự chung tay hợp tác quốc tế mới tạo ra được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Một chuyên gia thâm nhập máy tính người Việt Nam đang làm việc tại Mỹ cho biết muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực phát triển kinh tế số, vậy có thể hỗ trợ bằng cách nào? Theo Thủ tướng, an ninh mạng là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang hợp tác quốc tế và tự nâng cao năng lực thông qua xử lý các vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

"Bạn có thể tham gia hỗ trợ hoàn thiện thể chế, công nghệ liên quan an ninh mạng, đặc biệt là tham gia đào tạo con người. Vì tạo ra an ninh mạng hay chống lại nó đều là do con người", Thủ tướng nói.

Tại cuộc gặp gỡ, Trường Harvard Kennedy cho biết đang hợp tác cùng tập đoàn Sovico xây dựng và tài trợ chương trình Sáng kiến Chính sách Khí hậu Việt Nam. Dự án này sẽ tập trung vào nghiên cứu và đào tạo về khả năng phục hồi của các thành phố Việt Nam trước những biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo sư Harvard hiến kế phát triển kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO