"Giải cứu chuối" ở Đồng Nai: Thêm bài học về sản xuất manh mún

QUANG MINH| 08/03/2017 09:05

Khi giá chuối tăng cao, nhiều nông dân đổ xô trồng chuối làm cho diện tích vọt lên "không thể kiểm soát", nhưng chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, chưa có trang trại chuối sản xuất theo lối công nghiệp.

Trong tuần qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia "giải cứu chuối" cho nông dân Đồng Nai - tỉnh có diện tích trồng chuối nhiều nhất nước với trên 6.000ha do rớt giá thê thảm, thậm chí không có người mua, dù giá chỉ còn trên 1.000đ/kg.

Dù Đồng Nai có diện tích chuối lớn như vậy nhưng hầu hết được tiêu thụ tại TP.HCM dưới dạng trái tươi hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi giá chuối tăng cao trong năm 2015, nhiều nông dân đổ xô trồng chuối làm cho diện tích vọt lên "không thể kiểm soát", nhưng chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, chưa có trang trại chuối sản xuất theo lối công nghiệp.

Về đầu ra, thị trường tiêu thụ chuối Đồng Nai nhiều nhất là Trung Quốc hiện đang vào vụ thu hoạch, lại được mùa, nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh, khiến mặt hàng nông sản đang vào mùa này ở Đồng Nai rơi vào thế hoàn toàn bị động.

Link bài viết

Trung Quốc cũng là một quốc gia trồng được chuối, song Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam có lợi thế hơn về mặt khí hậu. Cây chuối là cây không chịu được lạnh, vào mùa Đông, Trung Quốc hầu như không có chuối, trong khi cây chuối ở miền Nam nước ta trồng bất kỳ mùa nào trong năm.

Do đó, việc cập nhật thông tin thị trường cũng như tình hình thời tiết của nước tiêu thụ chuối nhiều nhất của Việt Nam là rất cần thiết, từ đó mới mong không còn cảnh "cứu chuối" như hiện nay.

Trái ngược với tình trạng "giải cứu chuối" ở Đồng Nai (và "giải cứu nông sản" ở nhiều nơi nói chung), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuối vẫn đánh giá cao tiềm năng của mặt hàng này, đặc biệt là xuất sang Nhật Bản. Theo ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, trong các loại trái cây, Nhật Bản chủ yếu nhập chuối, khoảng 1,2 triệu tấn/năm, trong đó, chuối nhập từ Philippines chiếm 82%, Nam Mỹ 14% còn lại là các nước khác.

Doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung chuối nên chuối Việt Nam với vị ngọt vừa, vừa bùi, vừa dẻo đang có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường này. Đặc biệt, nếu thâm nhập được vào thị trường Nhật, trái chuối Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập được nhiều quốc gia khác.

Từ tháng 4/2016 đến nay, chuối Fohla của Huy Long An - Mỹ Bình liên tục được các đối tác từ Nhật Bản ký hợp đồng mua. Chuối của Công ty còn xuất sang Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đại diện Công ty Huy Long An - Mỹ Bình, thị trường xuất khẩu của trái chuối Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để trái chuối xuất khẩu được thì phải xây dựng vùng chuyên canh ổn định, canh tác theo quy trình sạch, khép kín.

Chẳng hạn, trang trại chuối của doanh nghiệp này tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An có quy mô gần 200ha mới đủ tiêu chuẩn để đầu tư nhà xưởng xử lý, đóng gói, đường cáp vận chuyển, cáp chống ngã đổ cây.

Việc tổ chức sản xuất chuối tập trung, diện tích lớn nhất thiết phải có quy hoạch vùng trồng, điều này vượt xa khả năng của nông dân. Như vậy, để chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân phải liên kết thành lập hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối để nông dân sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, có như vậy thì tình trạng "cứu chuối" mới không tái diễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Giải cứu chuối" ở Đồng Nai: Thêm bài học về sản xuất manh mún
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO