Giải bài toán mở rộng phân phối hàng thiết yếu bằng cách nào?

TS. Nguyễn Hoàng Bảo (*)| 18/07/2021 02:41

TP.HCM đang thực hiện CT 16 và có thể phải kéo dài thêm một thời gian, an toàn sức khỏe và đảm bảo cho bao tử người dân là 2 vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Nhưng cái bao tử của người dân, có được quan tâm như an toàn sức khỏe hay không?

Giải bài toán mở rộng phân phối hàng thiết yếu bằng cách nào?

Theo số liệu của Sở Công thương, tính đến ngày 16/7, đã có 186/234 chợ truyền thống đóng cửa, thì áp lực dồn lên 106 siêu thị là chuyện tất yếu. Chưa kể đến việc 3 chợ đầu mối đóng cửa, khiến nguồn cung hàng hóa thiếu hụt.

Thực trạng phân bổ và tăng giá

(1) Bài toán phân phối hàng thiết yếu dồn lại cho một số ít người

Trước dịch, tất cả người các thành phần được tham gia buôn bán hàng thiết yếu, bao gồm tiểu thương, đại lý, bán lẻ các cấp, hàng quán mang về, hàng rong. Trong dịch, chỉ còn dồn lại ở các 106 siêu thị. Tình trạng quá tải, nghẽn mạch ở kênh phân phối là điều tất nhiên. 

Bởi lẽ, các siêu thị, trong thời gian ngắn, không thể mở rộng các kênh bán hàng hay thay đổi cách bán hàng từ trực tiếp sang trực tuyến một cách nhanh chóng. Nhân viên bán hàng và các kênh thu mua đầu vào cũng không thể mở rộng nhanh chóng. Ngay cả chuyên gia hàng đầu của quản trị thay đổi cũng không thể ứng phó được trong tình huống như vậy. 

(2) Không gian phân bổ hàng hóa thiết yếu vừa thiếu, vừa bất hợp lý

Giả sử các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu gồm 3 chợ đầu mối, 106 siêu thị, 236 chợ truyền thống, 2626 cửa hàng tiện lợi. Đóng cửa 236 chợ, tất cả hàng quán, hàng rong, tạp hóa, và tất cả điểm phân phối hàng thiết yếu ở các cấp khác nhau thì chuyện gì xảy ra? 

Người dân TP.HCM chờ đến lượt vào mua hàng tại một siêu thị (Ảnh: TNO)

Người dân TP.HCM chờ đến lượt vào mua hàng tại một siêu thị (Ảnh: TNO)

Điểm bán hàng (chợ truyền thống) dù ở cấp nào, hình thức nào, miễn nó tồn tại được theo thời gian, thì nó có tính hợp lý của nó. Tính hợp lý ở đây đó là bán kính tiêu thụ của mỗi một loại hàng thiết yếu. Hàng càng thiết yếu có tính chất tiêu dùng hàng ngày, mật độ tiêu dùng lớn, có giá trị thấp thì bán kính tiêu thụ ngắn. Hơn nữa, mật độ dân cư và thu nhập dân cư xung quanh điểm bán hàng cũng quyết định sự tồn tại của cửa hàng. 

Bây giờ, tất cả chợ truyền thống ngưng hoạt động, thì cấu trúc không gian của việc phân phối hàng thiết yếu đến người dân được thiết lập và củng cố theo thời gian, bị phá vỡ và xáo trộn. 

(3) Hàng thiết yếu vừa tăng giá, vừa thiếu cục bộ: Trách nhiệm thuộc về ai? 

Sở Công thương chịu trách nhiệm về trung tâm điều phối hàng hóa thiết yếu. Bài toán là làm thế nào để cung hàng hóa thiết yếu với mức giá không đổi và giữ chức năng phân phối thay thế cho 236 chợ, hàng quán, hàng rong... đóng cửa? Chưa kể đến:

(i) Ngành dọc, xăng dầu tăng giá trong thời khắc đặc biệt khó khăn này; 

(ii) Công việc lưu thông hàng hóa thiết yếu của hơn 10 triệu dân TP dồn lại cho một vài kênh vận tải đường bộ, đường thủy liên tỉnh; 

(iii) Liệu vận chuyển hàng hóa thiết yếu có thông thương, đảm bảo thời gian ngắn nhất như trước dịch không? 

(iv) Hành vi mua hàng hơn mức cần thiết do lo lắng trong những chuỗi ngày sắp tới, làm cho hàng hóa càng khan hiếm hơn. Chưa kể trong số đó có những người bán hàng ở chợ truyền thống. 

(4) Tại sao nhà sản xuất mất giá, người tiêu dùng mua giá cao? 

Nguyên nhân tăng giá là do cấu trúc phân phối hàng hóa thiết yếu bị phá vỡ, bị xáo trộn. Chức năng ổn định giá không đảm bảo. Lòng tham bên trung gian là sự thật. Không thể chấp nhận mức giá hàng thiết yếu tăng gấp nhiều lần. 

Tuy nhiên, có một chi phí tăng thật đó là nhưng người bán hàng, những người giao hàng, ở các cấp khác nhau, ở nhiều khâu giao nhận hàng khác nhau, đã không ngại rủi ro lây nhiễm, an toàn sức khỏe của chính mình mà mang hàng đến tận tay người tiêu dùng. Chi phí tăng lên này là hợp lý.

Các trạm kiểm soát người vào tỉnh thành và yêu cầu giấy xét nghiệm có hiệu lực trung bình là 3 ngày, chi phí xét nghiệm cao, dẫn đến chi phí vận tải tăng. 

Bài toán cung cấp hàng thiết yếu này còn phải đề cập đến người dân nghèo, thất nghiệp. Hiện nay, nhà nước phát tiền, DN và tư nhân phát hàng thiết yếu. Như vậy, việc phối hợp như thế nào là hợp lý để không một ai bỏ lại phía sau. 

Giải pháp nào để mở rộng phân phối hàng thiết yếu đến với người dân?

Thứ nhất, nếu mở lại chợ truyền thống thì không giao cho ban quản lý chợ kiểm soát về tính an toàn. Họ không chuyên môn, tính thân hữu quen biết. Nên giao cho bên y tế khảo sát đánh giá mức độ an toàn và cấp phép hoạt động cho chợ truyền thống.

Thứ hai, trách nhiệm phân phối hàng hóa thiết yếu nên giao cho 2 bên: Sở công thương và Sở nông nghiệp (ngành dọc) đồng chịu trách nhiệm. Tất cả hàng thiết yếu là nông sản. Chuỗi cung ứng nông sản bên Sở nông nghiệp có thể chuyên trách.

Thứ ba, mở lại chợ truyền thống, cửa hàng chuyên dụng (thuốc tây). Tất cả phải được sự đồng ý của bên y tế và địa phương. Chế độ bán hàng chẵn lẻ hay 3 ngày một lần chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn, được sử dụng kết hợp trong việc mở thêm kênh phân phối. 

Thứ tư, điểm bán hàng lưu động, phải được chuẩn hóa về an toàn, cũng là giải pháp tốt hiện nay. Nhưng phân phối ở địa điểm nào? (gần chợ truyền thống trước đây cũng là giải pháp tốt). Có thể kết hợp mô hình chợ xuống phố ở một số nơi thích ứng, tránh di chuyển các quận với nhau. 

Lòng tham tăng giá, dĩ nhiên, là tội ác trong thời khắc khó khăn của TP. Cái giá phải trả là thương hiệu sẽ mất uy tín, hậu quả mà doanh nghiệp bán lẻ phải trả lại sau này. 

Thời đại ngày nay, không có chỗ cho sự mua bán chụp giật, tranh ăn, ngắn hạn. Trách nhiệm xã hội của DN ở thời điểm này là dấu son của hành trình xây dựng thương hiệu Việt bền vững trong tiến trình hội nhập toàn cầu. 

(*) Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải bài toán mở rộng phân phối hàng thiết yếu bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO