FDI có phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển?

Nguồn TTXVN| 18/08/2009 07:36

Chính phủ VN muốn tăng cường đối thoại và tiếp thu những khuyến nghị của các học giả trong nước và quốc tế nhằm hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

FDI có phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển?

Chính phủ Việt Nam muốn tăng cường đối thoại và tiếp thu những khuyến nghị của các học giả trong nước và quốc tế nhằm hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

Giáo sư  Jomo Kwame Sundaram: "lFDI có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển của mình nhưng bản thân FDI sẽ không phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tọa đàm: "Lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế" với Giáo sư Jomo Kwame Sundaram, Phó Tổng thư ký Cơ quan phát triển kinh tế - xã hội của Liên Hợp Quốc và Giáo sư James Riedel, giảng viên Đại học Johns Hopkin, nước Mỹ. Tham dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đại diện các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách, lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ...

Chủ trì tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu và khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Để khắc phục các khiếm khuyết của mô hình phát triển kinh tế hiện nay, đón bắt các cơ hội phục hồi kinh tế thế giới và khu vực, đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, việc tranh thủ tiếp thu ý kiến, những kinh nghiệm của các học giả kinh tế hàng đầu thế giới đang được Việt Nam coi trọng.

Chính phủ Việt Nam đang tăng cường đối thoại và tiếp thu những khuyến nghị của các học giả trong và ngoài nước, sẵn sàng đón nhận những ý kiến gợi ý, đồng thời tính đến những kinh nghiệm quý báu của quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Đây là dịp để các giáo sư chia sẻ những đánh giá, nhận định của mình, gợi mở những khuyến nghị chính sách phù hợp cho Chính phủ Việt Nam trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

Các đại biểu đã tham gia hai phiên thảo luận: "Phát triển kinh tế: tư tưởng, lý thuyết và chính sách"; "Các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế: động lực trong ngắn hạn và dài hạn". Trong các bài phát biểu của mình, hai vị giáo sư đã đề cập đến một số ưu tiên và quan ngại trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cách thức thực hiện các chiến lược quốc gia mà không ảnh hưởng đến sự cân bằng của cấu trúc tài chính.

Giáo sư Jomo Kwame Sundaram đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề toàn cầu hóa tài chính, tự do hóa tài chính nội địa, cải cách các doanh nghiệp quốc doanh, cải cách hành chính, định hướng xuất khẩu, xây dựng các chương trình bảo trợ xã hội trong bối cảnh toàn cầu…

Nhấn mạnh về vấn đề sử dụng nguồn vốn FDI, Gáo sư Jomo cho rằng: FDI có nhiều ưu điểm, lợi ích cho nước nhận đầu tư, ví dụ như chuyển giao công nghệ, tri thức, kỹ năng, tạo ra các mối liên kết hay tiếp cận thị trường. Chính vì thế, quan điểm của Giáo sư là FDI có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển của mình nhưng bản thân FDI sẽ không phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển. Cách thức sử dụng FDI như thế nào mới quan trọng.

Giáo sư Jomo từng là chuyên gia nghiên cứu về cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực Đông Nam Á năm 1997-1998. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam 1 tuần, ngày 13/8, Giáo sư Jomo tham dự hội thảo bàn tròn với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam về ý tưởng cơ bản của một chiến lược phát triển quốc gia và những vấn đề trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam 10 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI có phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO