EVN kiên quyết không bán điện dưới giá thành, đòi tăng giá

07/01/2012 00:34

Mặc dù cả năm 2011 đã tăng hơn 20% giá điện nhưng EVN khẳng định, vẫn chưa đủ bằng giá thành điện. Năm tới, EVN kiên quyết không bán giá điện dưới giá thành, nhất là cho các hộ sản xuất.

EVN kiên quyết không bán điện dưới giá thành, đòi tăng giá

Mặc dù cả năm 2011 đã tăng hơn 20% giá điện nhưng EVN khẳng định, vẫn chưa đủ bằng giá thành điện. Năm tới, EVN kiên quyết không bán giá điện dưới giá thành, nhất là cho các hộ sản xuất.

Tại hội nghị tổng kết năm 2011 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 6/1/2012, các công ty con của EVN liên tục than lỗ, thiếu vốn.

Các công ty điện lực "con" của EVN lo mất Tết vì lỗ

Ông Huynh, đại điện Tổng công ty điện lực miền Bắc than thở, năm 2011 đơn vị đã hoàn thành mục tiêu EVN giao.

Nhưng năm nay không biết có đồng xu nào để anh em cán bộ ăn Tết không vì đơn vị đã lỗ hơn 100 tỷ đồng. Tổng Công ty điện lực miền Bắc có mức thu nhập thấp nhất trong các đơn vị.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Tổng công ty truyền tải điện quốc gia giãi bày, đầu tư lưới điện cũng đang rất khó khăn, hệ thống lưới bị quá tải.

 Trong đó, vốn năm qua cực kỳ khó khăn, vốn ký hợp đồng chỉ hơn 5.000 tỷ đồng, còn lại trông chờ vào các định chế tài chính. Tình hình tài chính xấu nên khi đơn vị đàm phán vay rất khó. 

"Nhiều đường dây chưa có tiền nhưng nhà thầu đã làm, Tết này chưa biết lấy tiền đâu để trả cho các nhà thầu trước một khoản", ông Hùng lo lắng.

Năm 2012, trong 9 công trình lưới điện ở miền Nam thì có 6 công trình lưới rất khó khăn về vốn. Khấu hao không đủ trả lãi, chính sách của Tập đoàn là tiết kiệm nhưng thực ra là cắt giảm chi phí.

Nói về tình hình chung toàn Tập đoàn, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Tập đoàn nên đã giảm lỗ được rất nhiều trong 2011.

Cả năm 2011 EVN chỉ còn lỗ 3.500 tỷ đồng thay vì lỗ tới hơn 11.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu. Nhưng nếu để lỗ hai năm liên tục, Tập đoàn sẽ không phát hành được trái phiếu và huy động vốn đầu tư.

Hiện, Chính phủ đã bảo lãnh ký vay 820 tỷ đồng cho EVN giải phóng mặt bằng làm các công trình điện đủ thấy là, Tập đoàn cũng đang khó khăn về vốn cỡ nào.

Năm tới, EVN sẽ tập trung mọi nỗ lực để thu xếp các nguồn vốn và bố trí cho các dự án cấp bách, trọng điểm. Dự kiến, các khoản vay mới ODA sẽ ký đạt trên 2 tỷ USD và vốn vay thương mại đạt khoảng 1 tỷ USD.

Kiên quyết không bán điện dưới giá thành cho thép

Vấn đề mấu chốt để tháo gỡ vẫn là giá điện. Các lãnh đạo EVN đều nêu lý do lỗ đầu tiên là giá điện đang bán dưới giá thành. Mức tăng hơn 20% giá trong năm 2011 là chưa đủ bù lỗ. Đồng thời, giá điện thành phần trong kết cấu giá thành điện cũng chưa đảm bảo cho các đơn vị con hoạt động có lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, EVN cần tăng phí truyền tải lên "một lần" là 50 đồng thành phí 127 đồng. Nếu hình thành thị trường điện và phí truyền tải thì EVN sẽ phải điều chỉnh dần.

Cùng đó, ông Huynh đánh giá, EVN vẫn chưa thuyết phục và chưa tạo được sự đồng thuận từ cộng đồng về vấn đề giá điện. Chẳng hạn như câu chuyện minh bạch chi phí trong giá thành điện, vẫn bị phản pháo, không được xã hội ủng hộ.

Ngay chuyện so sánh giá, trên Website của EVN và các đơn vị chẳng có mục nào công bố giá đang mua bao nhiêu cent. Theo ông, EVN phải minh bạch giá mua, giá bán để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội.

Trước các than vãn này, ông Phạm Lê Thanh Tổng giám đốc EVN khẳng định, năm tới, giá điện phải kiên quyết không bán điện dưới giá thành cho các hộ sản xuất, đây là nguyên tắc bất di bất dịch và sẽ tiếp tục điều chỉnh. Có thể, một bộ phận xã hội chưa hiểu nhưng Tập đoàn sẽ kiên trì thực hiện.

Theo ông Thanh, chỉ cần ngừng sản xuất một nhà máy thép thì sẽ có điện đủ cho cả một huyện đủ dùng. Năm 2012, EVN sẽ phải rà soát tình hình sử dụng điện của các nhà máy thép.

Đồng thời, vị Tổng giám đốc EVN cũng tiếp tục nhấn mạnh, giá điện phải đảm bảo bù đắp được chi phí và có lợi nhuận để thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2012, Tập đoàn sẽ cố gắng để các Tổng công ty điện lực không bị lỗ.

Tuy nhiên, các Tổng công ty điện lực cũng cần xem xét tái cơ cấu lại từng ngành nghề, cái gì không phải là ngành kinh doanh chính thì thoái vốn.

Tham dự buổi tổng kết này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết quan điểm, vẫn phải tiếp tục lộ trình thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường.

Vấn đề là ở chỗ lộ trình này phải được vận hành hợp lý, tính toán thời điểm tiến tới cân bằng tài chính cho EVN nhưng vẫn phải thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh xã hội. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén, tính toán kỹ càng của các lãnh đạo Tập đoàn EVN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EVN kiên quyết không bán điện dưới giá thành, đòi tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO