Được lộc tại người

PHƯỚC HƯNG| 27/05/2010 04:04

Là người địa phương, từng là ngư phủ, vựa nằm sát cửa biển Khánh Hội, đó là những yếu tố rất thuận lợi khi anh Điệp chuyển sang nghề thu mua mực.

Được lộc tại người

Cứ đến ngày 19 - 20 âm lịch mỗi tháng, ghe biển đậu san sát bên nhau chờ nhận nước đá tại nhà máy thuộc ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho chuyến ra khơi đánh bắt mực. Chủ nhà máy nước đá là Trần Văn Điệp, cũng là chủ vựa thu mua mực và làm hậu cần hỗ trợ cho ngư dân “nằm dời” dài ngày trên biển.

Đời ngư phủ

Anh Điệp sinh ra ở vùng biển, lớn lên theo tiếng sóng vỗ bờ, cảm nhận được mùi tanh, vị mặn của biển, nên tình yêu biển cả ăn sâu vào máu thịt anh từ thuở bé thơ. Mười mấy tuổi đầu, Điệp đã theo cha, theo anh lênh đênh trên biển để bủa lưới, giăng câu, đã biết dò tìm bãi gạn (bãi cát mực và cá thường ở), tránh xa bãi trũng (bãi bùn cá và mực không ở); đã biết thả câu theo lằn nước mực đi ăn, biết nhìn sao, nghe gió để đoán thời tiết.

Năm 1988, anh Điệp đóng được chiếc ghe câu mực khoảng 8 tấn. Mỗi đợt, nằm dời câu mực từ ngày 19 âm lịch tháng trước đến mùng 8 âm lịch tháng sau (vào những đêm tối trời). Đời ngư phủ lắm gian nan, lắm khi cồn cào thương nhớ đất liền. Mấy năm theo nghề đánh bắt vẫn không khá nổi, năm 1990, anh quyết định bán ghe, chuyển sang công việc mới: thu mua mực.

Là người địa phương, từng là ngư phủ, vựa nằm sát cửa biển Khánh Hội, đó là những yếu tố rất thuận lợi khi anh Điệp chuyển sang nghề thu mua mực. Bước đầu anh đến tận nhà chủ ghe đánh bắt để thu mua, dần dần quen thân, lúc có nhiều mối anh cân mực tại vựa.

Ngày lại ngày qua, vựa mực của anh càng thu hút nhiều bạn hàng, mỗi ngày anh chuyển từ 5 - 7 tấn mực vào bọc muối nước đá đưa lên Kiên Giang. Công việc làm ăn càng phát triển, điểm thu mua mực của anh trở thành điểm hậu cần hỗ trợ ngư dân ra biển dài ngày. Thời đó, việc làm này như một cơn gió lạ thổi qua vùng biển U Minh.

Rồi anh Điệp đầu tư làm nhà máy sản xuất nước đá, sản lượng khá cao, đủ sức cung cấp nước đá dự trữ 20 ngày cho hơn 100 tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Anh còn đứng ra lãnh nợ ở cửa hàng nhiên liệu, cung ứng một nửa tiền mặt mua nhiên liệu, giúp phương tiện cho nhiều tàu ghe đi đánh bắt. Những gia đình ngư phủ gặp khó khăn hoặc khi đau ốm, anh giúp đỡ tiền bạc, chi phí thuốc thang... Tất cả chờ đến cuối con nước (hết một đợt đi khơi) mới thanh toán.

Nghề đánh bắt mực ở huyện U Minh ngày càng thịnh hành, bà con lần lượt đóng ghe đi câu mực, họ đến nhờ anh hỗ trợ tiền với lời hứa khi ghe “xuống nề” sẽ cân mực trừ nợ. Anh đã không ngần ngại, vui vẻ đem tài sản giúp khoảng 100 gia đình đóng ghe, tu sửa ghe, người nhiều thì 7 - 8 lượng vàng, người ít cũng 10 - 15 triệu đồng.

Công việc làm ăn của anh thuận buồm xuôi gió, chủ các ghe câu mực được anh giúp đỡ có cuộc sống khá giả, có người giàu lên, người làng biển Khánh Hội rộn rã tiếng cười, vàng đeo lấp lánh. Còn vựa của anh mua tận gốc, bán tận ngọn, chở mực đi Kiên Giang ngày một nhiều hơn.

Trắng tay tại trời, được lộc tại người

Khánh Hội đã hình thành một làng chài ngay tại cửa biển, ghe đầy cá mực vào ra tấp nập. Bỗng ngày 5/11/1997, cơn bão số 5 kinh hoàng phủ lên làng biển Khánh Hội bao tang tóc, cướp đi gần 400 ngư phủ, hàng trăm tàu ghe tan tành theo con sóng lừng. Nỗi đau mất người không gì bù đắp được. Vợ chồng anh nuốt ngược nước mắt, hơn 1,8 tỷ đồng bay vèo theo cơn bão.

Bà con làng biển Khánh Hội ai cũng nghĩ rằng, sau cơn bão số 5, vợ chồng anh Điệp chắc không thể vực dậy nổi cơ nghiệp. Nhưng từ khi Nhà nước giúp đỡ ngư dân đóng lại tàu thuyền, anh lại tiếp tục thu mua mực. Trời không phụ kẻ siêng năng, cần mẫn, vựa mực của anh dần dần hồi phục.

Với tấm lòng nhân hậu, với cái tâm trong sáng, anh hiểu rõ lòng nhân những người sống trên đầu sóng ngọn gió, vẫn trải lòng làm hậu cần cho không ít ghe đi đánh bắt dài ngày. Anh sẵn sàng lãnh nợ nhiên liệu cho 40 ghe, cung ứng nước đá cho gần trăm ghe, tính ra mỗi con nước anh lãnh nợ vài tỷ đồng, dù có người cho anh là kẻ điên, đã trắng tay một lần mà vẫn không sợ.

Từ năm 2007 đến nay, vựa mực của anh không còn thu mua mực muối nước đá, mà thu mua mực tươi. Chủ ghe câu mực chỉ cần điện thoại là anh vượt biển, cho ghe chạy ra tận ngư trường để cân mực. Việc làm này tạo cho anh nhiều điểm lợi: có mực chuyển giao cho Kiên Giang kịp thời để họ sơ chế xuất khẩu sang thị trường các nước, tránh bớt được tình trạng chủ ghe không giữ lời, cân mực cho lái khác.

Anh Điệp cho biết, những năm 2006-2007, mỗi con nước vựa anh mua được 50 - 60 tấn mực, nhưng sang năm 2008-2009, chỉ còn phân nửa do nguồn lợi hải sản cạn dần. Anh mong các đội tuần tra trên biển nghiêm cấm ngư phủ hủy diệt tài nguyên thiên nhiên, như lỗ lưới đánh bắt cá, mực quá nhỏ, cài điện, xuyệt điện, dùng đèn cao áp làm nổ mắt cá, mực còn non...

Ngày lại qua ngày, cũng có người xù nợ, nhưng đa phần chắt chiu trả tiền cho anh, đó cũng là niềm vui và nguồn an ủi vợ chồng anh trong nghề thu mua mực. Chị Trịnh Thị Vân, vợ anh, đã chung vai sát cánh cùng anh vượt qua bao khó khăn để vựa mực gia đình đứng vững đến ngày hôm nay, và anh chị lại sắm được ghe, có nhà máy nước đá, mua được ruộng đất và nuôi sáu người con khôn lớn, thành đạt, trong đó có ba người tiếp nối nghề của cha mẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Được lộc tại người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO