Đưa USD vào lưu thông

12/02/2010 07:42

Nhiều chuyên gia kinh tế, và cả quan chức, gần đây, khi gặp báo giới, đã cho rằng cần có chính sách tỷ giá hợp lý, để nguồn ngoại tệ trong dân quay trở lại lưu thông.

Đưa USD vào lưu thông

Do tỷ giá không đủ hấp dẫn nên, khảo sát tại ba đơn vị làm dịch vụ kiều hối, chỉ có 10% ngoại tệ được người nhận gửi hoặc bán cho ngân hàng.

Tổng lượng kiều hối chuyển về trong năm 2009 đạt 6,283 tỉ USD, giảm 12,8% so với năm 2008. Ông Trần Xuân Huy, tổng giám đốc ngân hàng Sacombank cho biết, doanh số chi trả kiều hối qua Sacombank trong năm 2009 là 850 triệu USD, nhưng chỉ 10% là được bán lại cho ngân hàng, và cũng rất ít người gửi lại ngân hàng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết lượng kiều hối qua ngân hàng được bán lại không quá 10% doanh số kiều hối. Còn ở hệ thống Western Union ở ngân hàng ACB, nơi thường chuyển số ngoại tệ nhỏ lẻ dưới 10.000 USD/món, thì phần lớn người nhận không bán ngoại tệ lại ngân hàng.

Dân vẫn cất giữ USD

“Người ta nhận ngoại tệ rồi bước ra bán ở chợ kế bên, dù ngân hàng ở ngay cạnh”, giám đốc công ty kiều hối của một ngân hàng kể. Thí dụ, người nhận 1.000 USD đem ra tiệm vàng bán được giá 19,5 triệu đồng, thì nếu bán cho ngân hàng ở giá 18.500đ/USD, họ sẽ bị thiệt 1.000.000đ.

Theo báo cáo cuối năm 2009 của ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính riêng trên địa bàn TP.HCM, không những lượng kiều hối chuyển về là 3,1 tỉ USD, so với năm 2008 giảm 20,3%, mà doanh số mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại giảm mạnh. Tổng doanh số mua đạt 64,4 tỉ USD, chỉ bằng 67% so với năm 2008, tổng doanh số bán đạt 69,7 tỉ USD, bằng 71,8%.

Theo giám đốc khối ngoại hối của một ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng chỉ mua được vài trăm triệu USD. Lượng ngoại tệ còn lại không hoàn toàn được chuyển hết qua tiền đồng mà được dân chúng cất giữ, gửi tiết kiệm, mua vàng.

Mấu chốt là tỷ giá

Theo nguồn tin trong giới tài chính, từ tháng 12/2009 đến tháng 1/2010, ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách bán khoảng 3 tỉ USD cho các ngân hàng thương mại (riêng tháng 12/2009 khoảng 2 tỉ USD), tương đương 55.437 tỉ đồng (theo tỷ giá 18.479đ/USD) được rút về. Lượng tiền rút về như vậy là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm tiền đồng và dẫn ngân hàng vào cuộc đua lãi suất huy động để thu hút thêm vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm.

Theo ngân hàng Nhà nước, tổng số dư tiền gửi tháng 1.2010 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước, trong khi tín dụng đối với nền kinh tế tháng 1.2010 ước tăng 1% so với tháng trước.

Điều này, theo giám đốc ngoại hối trên, nằm trong ý đồ của ngân hàng Nhà nước. Bởi khi tiền đồng khan hiếm, doanh nghiệp – một khi đã không còn được hỗ trợ lãi suất và khó khăn khi vay tiền đồng – đã phải bán USD cho các ngân hàng thương mại để có tiền đồng.

Cộng thêm với việc một số doanh nghiệp quốc doanh bán ngoại tệ theo quy định, giúp ngân hàng thương mại cải thiện tình trạng thanh khoản ngoại tệ. Đồng thời kéo tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng, trước luôn ngang ngửa với tỷ giá thị trường tự do, nay đã giảm xuống còn 18.600đ/USD.

Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, hỗ trợ này chỉ có thể thực hiện trong ngắn hạn. Tỷ giá USD/VND ngoài thị trường tự do vẫn cao hơn giá niêm yết chính thức, nhiều người vẫn than khó mua được USD ở ngân hàng.

Ngân hàng ANZ, với báo cáo mới nhất đầu tháng 2, dự báo tỷ giá USD/VND sẽ nằm ở mức 19.300đ vào tháng 12.2010. Khi người ta vẫn kỳ vọng USD tăng giá, thì tâm lý găm giữ USD vẫn còn. Nhiều chuyên gia kinh tế, và cả quan chức, gần đây, khi gặp báo giới, đã cho rằng cần có chính sách tỷ giá hợp lý, để nguồn ngoại tệ trong dân quay trở lại lưu thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đưa USD vào lưu thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO