Đồng lòng xây dựng chính quyền gần dân, vì dân

28/09/2013 09:14

Ngày 27/9, HĐND TPHCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 11 với chuyên đề “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM”.

Đồng lòng xây dựng chính quyền gần dân, vì dân

Ngày 27/9, HĐND TP.HCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp thứ 11 với chuyên đề “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM”. Tại kỳ họp, các đại biểu (ĐB) đóng góp nhiều ý kiến sát sườn về những nội dung trong đề án. Trên cơ sở những ý kiến này, UBND TP sẽ hoàn chỉnh đề án để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng tân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm (đứng giữa)

Mô hình chính quyền phù hợp

Trước khi đưa ra ý kiến góp ý, các ĐB đều khẳng định ủng hộ việc thực hiện đề án vì đây là mô hình chính quyền phù hợp, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong phạm vi được phân cấp; được kỳ vọng gần dân hơn, chủ động giải quyết nhanh chóng những vấn đề về giao thông, y tế, giáo dục...

Tuy nhiên, theo ĐB Trịnh Xuân Thiều, khu vực nông thôn sắp tới sẽ đô thị hóa, do vậy cần tính toán kỹ việc xây dựng mô hình để tránh sau khi thực hiện một thời gian, mô hình lại trở nên lạc hậu.

ĐB Lâm Thiếu Quân băn khoăn rằng xây dựng 13 quận - huyện trung tâm như trong đề án là chưa hợp lý vì quy mô các quận - huyện này nhỏ, sự chủ động còn hạn chế; bên cạnh đó, 4 thành phố đang đô thị hóa hiện nay sẽ nhanh chóng trở thành đô thị.

Từ đó, ông đề xuất mô hình trong tương lai nên là thành phố trong thành phố: 13 quận - huyện trung tâm tổ chức thành 3 thành phố nhỏ (Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định), cùng các thành phố khác bên ngoài hợp thành nhóm thành phố.

Một nội dung khác được tập trung góp ý là số lượng ĐB HĐND TP chuyên trách. ĐB Trần Trọng Dũng cho rằng cần tăng số lượng ĐB chuyên trách lên tối thiểu 1/2 tổng số ĐB (theo “Đề án thí điểm chính quyền đô thị T.PHCM” là tối thiểu 1/3) để những ĐB này làm tốt nhiệm vụ thay mặt người dân tăng cường giám sát các cơ quan hành chính.

Tương tự, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa nhất trí cần tăng số lượng ĐB chuyên trách để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND. ĐB Vương Đức Hoàng Quân kiến nghị nên xây dựng cơ chế tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý thông tin phản hồi trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn như thế nào để xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức và có năng lực phục vụ nhân dân cũng là vấn đề được các ĐB quan tâm. Riêng ĐB Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị thêm:

“TPHCM là đô thị đặc biệt, việc giữ gìn an ninh quốc phòng trong xây dựng mô hình chính quyền đô thị rất quan trọng. Thành phố cần xin Trung ương cho cơ chế phân cấp đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hiện đại, tinh nhuệ cho lực lượng quốc phòng nhằm đảm bảo nhiệm vụ giữ gìn an ninh quốc phòng, nhất là khi TPHCM có mật độ dân số cao”.

Bộ máy tinh gọn và hiệu quả

Tại kỳ họp, các ĐB đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM”. Theo đó, HĐND TP.HCM khóa VIII kỳ họp thứ 11 thống nhất cơ bản các nội dung được nêu trong tờ trình của UBND TPHCM về “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM”.

Tuy nhiên, nghị quyết cũng yêu cầu nội dung “Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM” cần làm rõ việc xây dựng chính quyền địa phương TP.HCM có 2 cấp bao gồm cấp TP trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở, thể hiện rõ bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; chính quyền cơ sở phải gần dân, sát dân và có cơ chế để phát huy tính tự quản trong cộng đồng dân cư.

Bộ máy chính quyền đô thị phải thật sự tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, đồng thời mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp.

Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được tinh giảm, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, chất lượng của chính quyền đô thị. Phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội trong giám sát hoạt động của chính quyền và cán bộ công chức, trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Đề án phải đảm bảo tính kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức chính quyền TP hiện hành. Dự toán khái quát được nguồn kinh phí tổ chức triển khai.

Khi có Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP thực hiện, việc triển khai đề án cần thận trọng, chặt chẽ với bước đi hợp lý, dự báo được những vấn đề khó khăn khi triển khai, các tác động về những mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân để có các giải pháp chủ động.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP.HCM tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐB HĐND TP và sớm hoàn thành đề án và các thủ tục để trình Chính phủ xem xét.

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.HCM khóa VIII đã bầu bổ sung ông Lê Thanh Liêm, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TPHCM vào vị trí Phó Chủ tịch UBND TPHCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016), thay ông Lê Minh Trí đã được điều động, bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Ong Lê Thanh Liêm đã trúng cử chức danh trên với kết quả phiếu bầu là 72/77 phiếu (đạt tỷ lệ 76,59%). Ông Lê Thanh Liêm sinh năm 1963, quê quán xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Trình độ: cử nhân chính trị; thạc sĩ kinh tế, kỹ sư khai thác hải sản. Hiện UBND TP.HCM có 5 Phó Chủ tịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng lòng xây dựng chính quyền gần dân, vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO