Doanh nghiệp thủy sản tự giết nhau

28/11/2012 00:34

Các doanh nghiệp chế biến cá tra cạnh tranh phá giá, giẫm đạp nhau trên thị trường càng làm cho tình hình thêm bi đát.

Doanh nghiệp thủy sản tự giết nhau

Các doanh nghiệp chế biến cá tra cạnh tranh phá giá, giẫm đạp nhau trên thị trường càng làm cho tình hình thêm bi đát.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu cá tra cả nước chỉ đạt 1,45 tỉ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2011.

Điều đáng lo ngại không chỉ ở việc giá trị xuất khẩu sụt giảm mà cả mối quan hệ giữa người nuôi và doanh nghiệp (DN) mất dần sự gắn kết.

Nợ bủa vây

Trước thông tin từ nay đến cuối năm, nguồn cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu sẽ khan hiếm đã khiến không ít nông dân hăm hở bắt tay vào thả nuôi với hy vọng giá cá tăng lên như cùng kỳ để gỡ lại phần nào lỗ lã.

Tuy nhiên, mọi hy vọng đó đã không thành vì giá cá tra loại 1 hiện chỉ còn 22.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất đang đứng ở mức 25.500 đồng/kg nên người nuôi lỗ từ 2.500 - 3.500 đồng/kg (tùy theo thức ăn chăn nuôi).

Ông Nguyễn Văn Ý, một hộ nuôi cá tra ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú - An Giang, cho biết vào thời điểm này năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu được các DN mua khoảng 27.000-28.000 đồng/kg.

Hiện gia đình ông thả nuôi trên diện tích 3.000 m2 mặt nước với sản lượng khoảng 100 tấn cá và sẽ bán trong vài ngày tới.

“Mặc dù gia đình tôi cho cá ăn bằng thức ăn tự chế, giá rẻ hơn thức ăn chế biến sẵn khoảng 1.000 đồng/kg nhưng khi thu hoạch xong thì chắc chắn chịu lỗ không dưới 100 triệu đồng. Cả xóm này hiện chỉ còn vài hộ nuôi nhỏ lẻ để bán ở chợ hoặc chuyển sang ươm cá giống nhưng cũng đang… chờ chết. Các hộ khác thì đành treo ao vì cạn vốn, thậm chí còn bán cả ao nuôi để trả nợ rồi tìm kế khác sinh nhai” - ông Ý than.

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long…

Tự “giết” nhau

Dẫn đến tình cảnh giá cá tra ngày càng giảm mạnh chính là do DN đua nhau giảm giá để chào hàng. VASEP đã từng đưa ra khuyến cáo giá cá tra xuất khẩu phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi.

Song trên thực tế, lúc thị trường ổn định, DN cũng chỉ bán được với giá 2,5 USD/kg, còn hiện đang chào giá bán 1,8-2,3 USD/kg. Hậu quả DN đang bán lỗ 0,2-0,7 USD/kg cá kéo theo giá cá nguyên liệu cũng giảm.

Tình thế “cùng kéo nhau xuống hố” này là do quá nhiều DN tham gia xuất khẩu nên dẫn đến mạnh ai nấy bán phá giá.

Còn theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu An Giang, cái “chết” của các DN hiện nay chính là thiếu tiếng nói chung, mạnh ai nấy làm. DN này muốn giẫm đạp lên DN khác đi lên chứ không cần chia sẻ, liên kết!

Theo Bộ NN-PTNT, tổng sản lượng cá tra vùng ĐBSCL đạt 1,2 triệu tấn/năm nhưng công suất của các nhà máy chế biến lại gấp hơn 2 lần, lên tới 2,5 triệu tấn/năm, dẫn đến sản lượng chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu sản xuất.

“Từ đó để có nguồn cá đầu vào, các DN lại chạy đua giành giật thị trường, giảm giá bán và nguy hiểm hơn là giảm cả chất lượng sản phẩm” – Bộ NN-PTNT lo ngại.

Phải chấn chỉnh gấp

Để vực dậy ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, kiến nghị cần “thanh lý” bớt DN tham gia sản xuất mà không có nhà máy.

Đặc biệt, cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc sử dụng hóa chất nuôi cá tra, thậm chí cấm sử dụng hóa chất tăng trọng. “Tiến tới nói không với chất tăng trọng cho cá tra và trước mắt thực hiện nghiêm đối với sản phẩm xuất sang thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản” – ông Dũng khuyến cáo.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản khẩn trương xây dựng thông tư quy định về hàm lượng, các chất phụ gia tăng trọng… để nâng chất lượng cá tra.

“Đặc biệt cần có biện pháp chống tình trạng gian lận, phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra đang xuống dốc” - ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ NN-PTNT xây dựng đề án tăng cường xúc tiến thương mại đối với cá tra. Bộ đã giao Tổng cục Thủy sản và yêu cầu sớm trình để ban hành thực hiện ngay từ năm 2013.

“Bộ NN-PTNN cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo để các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đối với DN sản xuất, xuất khẩu cá tra. Bộ sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng để xin tháo gỡ” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết. 

38.200 tỉ đồng đi đâu?

Theo Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng, khó khăn lớn nhất của ngành cá tra hiện nay là thiếu vốn chứ không phải thị trường sụt giảm. Ông Dũng phân tích: Trước đây, 70% sản lượng cá tra là do nông dân nuôi nhưng nay tỉ lệ này thuộc về DN, trong khi hầu hết DN đang trong tình cảnh thiếu vốn. Tình cảnh khó khăn này có thể kéo dài trong năm 2013.

Cũng theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến tháng 9-2012 đã có trên 38.200 tỉ đồng cho vay phục vụ nuôi trồng, tiêu thụ cá tra. Dư nợ cho vay đạt trên 20.700 tỉ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2011. “Tuy nhiên, thực tế nhiều người nuôi và DN vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này. Ngân hàng nói có trên 5.900 hộ dân và trên 280 DN sản xuất cá tra đã được vay là hết sức vô lý. Cần phải kiểm tra lại mục đích vay, liệu họ có đầu tư đúng mục đích hay không?” - ông Dũng đặt câu hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp thủy sản tự giết nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO