Doanh nghiệp thuỷ sản: Thay đổi để tồn tại

26/06/2009 07:41

Xuất khẩu thuỷ sản đang khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là thời cơ để chấn chỉnh chất lượng, cấu trúc lại sản phẩm nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng mới…

Doanh nghiệp thuỷ sản: Thay đổi để tồn tại

Xuất khẩu thuỷ sản đang khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là thời cơ để chấn chỉnh chất lượng, cấu trúc lại sản phẩm nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng mới…

Sự kiện sản phẩm Seafood Harmony của công ty Vĩnh Hoàn đoạt giải thưởng “Sản phẩm mới tốt nhất” tại hội chợ Thuỷ sản châu Âu 2009 (European Seafood 2009) hồi tháng 4 tại Brussels, Bỉ đủ để cho thấy nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam trong thời buổi suy thoái kinh tế.

Thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp thuỷ sản “soi” lại chính mình nhằm cải thiện chất lượng.

Sản phẩm cho nhu cầu tiết kiệm

Seafood Harmony đoạt giải đem lại cho Vĩnh Hoàn gần 100 nhà nhập khẩu ở châu Âu ngỏ ý đặt hàng và yêu cầu gởi hàng mẫu để thử.

Nhiều doanh nghiệp khác đề ra chiến lược “thu về tối đa lợi nhuận” khi xuất khẩu trên một đơn vị nguyên liệu.

Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho hay, sản phẩm seafood mix (gồm tôm, mực, cá xắt thành miếng nhỏ, rồi xiên vào từng cây để nướng) là “sáng kiến” ra đời trong thời khủng hoảng hiện đang bán khá chạy tại thị trường châu Âu.

Để có được sản phẩm này, Thuận Phước đầu tư gần nửa triệu đôla mua sắm máy IQF (giống như một loại tủ đông ướp rời từng cá thể). IQF còn cho phép làm ra các sản phẩm giá trị gia tăng khác như cá chiên, tôm tẩm bột, tôm luộc chín, tôm ướp gia vị.

“Trước đây có tiền, người ta ăn thuỷ sản ở nhà hàng, khách sạn vì chỉ có đầu bếp ở đó mới làm ra được các món ngon. Còn nay suy thoái kinh tế, mình phải đóng vai anh đầu bếp cho họ, làm ra sản phẩm rẻ, tiện ích, có thể ăn ngay tại nhà”, ông Lĩnh nói.

Cách làm này mang về cho Thuận Phước trên 10 triệu USD trong sáu tháng đầu 2009, ngang bằng so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm tới 70%, chỉ còn 30% là sản phẩm thô.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Bạc Liêu, ông Nguyễn Thanh Đạm, cũng cho biết, con tôm sú vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng đang bị cạnh tranh bởi tôm thẻ chân trắng từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ.

Nhận thấy rủi ro này, công ty mạnh dạn đầu tư 50 tỉ đồng xây nhà máy chế biến chả cá, công suất 3.500 tấn sản phẩm/năm nhằm tận dụng nguồn cá biển vốn khá dôi dư để làm ra sản phẩm chả cá surimi xuất khẩu vào thị trường Nhật. “Công ty vừa xuất bốn container vào Nhật với mức giá khá tốt”, ông Đạm nói.

Còn nhiều việc

Để đạt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỉ USD trong năm nay, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cũng đã đề ra kế hoạch là cắt giảm giá thành sản xuất trong các khâu từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho rằng, ngoài nỗ lực cắt giảm chi phí từ phía doanh nghiệp, thì giá thành nuôi nguyên liệu trong năm 2009 phải giảm tối đa 11.000 - 12.000đ/kg thì mới đáp ứng đòi hỏi thị trường.

Để đạt được bài toán này, theo ông Hải, đơn vị sản xuất thức ăn, vốn chiếm tới 70 - 80% giá thành cần chia sẻ với người nuôi, đưa đến mức giá bán hợp lý. Vì hiện nay, so với một số nước như Thái Lan, giá bán thức ăn trong nước vẫn còn cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty Thuỷ sản Hải Nam (Bình Thuận) cũng nhìn nhận, thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp thuỷ sản “soi” lại chính mình nhằm cải thiện chất lượng.

Theo bà Sắc, vấn đề kháng sinh, tồn tại từ nhiều năm nay do ngư dân dùng ướp hải sản thay cho sử dụng nước đá đã khiến Việt Nam không còn xuất được sản phẩm mực khô vào thị trường Nhật Bản.

Nhiều sản phẩm khác như tôm surimi, cá cũng bị phía Nhật thắt chặt lệnh kiểm soát, sản lượng xuất khẩu giảm dần theo từng năm và đang có nguy cơ mất hẳn. “Đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ tính cẩu thả, gian dối, vì thị trường lúc này không chấp nhận cách làm này nữa”, bà Sắc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp thuỷ sản: Thay đổi để tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO