Doanh nghiệp nhà nước và niềm tin xã hội

ANH THƯ| 27/11/2009 05:56

Lần đầu tiên, những vấn đề tài chính, kinh doanh của tập đoàn (TĐ) và tổng công ty nhà nước (TCT) được đem ra thảo luận công khai trước Quốc hội.

 Doanh nghiệp nhà nước và niềm tin xã hội

Lần đầu tiên, những vấn đề tài chính, kinh doanh của tập đoàn (TĐ) và tổng công ty nhà nước (TCT) được đem ra thảo luận công khai trước Quốc hội. Và kết quả không thể khác là, đại đa số ý kiến đều phê phán gay gắt hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các mô hình doanh nghiệp (DN) đặc thù này.

Theo số liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong tổng số 91 TĐ và TCT, một phần tư trường hợp lợi nhuận âm hoặc dưới 5%; 47,2% lợi nhuận dưới 10%; vỏn vẹn 35 DN có tỷ suất lợi nhuận trên 15%...

Trong suy thoái kinh tế hai năm qua mới thấy rõ vai trò chủ đạo của DN nhà nước. Đến nay, điện sinh hoạt 100 số đầu vẫn bán dưới giá thành. TĐ Điện lực phải kéo điện ra các đảo Phú Quốc, Phú Quý, Lý Sơn…, mỗi năm lỗ hàng trăm tỷ đồng. Ngành than vẫn phải bán than dưới giá thành cho ngành điện, xi măng, giấy, phân bón; TCT Lương thực phải mua dự trữ hai triệu tấn gạo; TCT Xăng dầu luôn phải bán dưới giá thành… Làm sao có hiệu quả được ?!

Để thấy được sự lãng phí và thất thoát khổng lồ của các “công ty đỏ” này, cần nhấn mạnh đến lợi thế của họ so với các thành phần DN khác. TĐ và TCT đang nắm giữ lượng vốn lên tới 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn của DN toàn xã hội; gần 366.000 ha đất; được Nhà nước rót vốn và tạo điều kiện hỗ trợ tối đa khi vay vốn ngân hàng…

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), DN nhà nước có 4 lợi thế quan trọng, gồm: vốn (nắm giữ 1.241.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn của các DN toàn xã hội); đất đai (được giao tổng cộng 3,6 tỷ m2); yếu tố cạnh tranh (được hưởng nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước); và niềm tin xã hội. Nhưng “nhiều doanh nghiệp nhà nước trong đó có các TĐ và TCT đã không tận dụng được những lợi thế này, thậm chí lãng phí nó. Nếu lãng phí về đất đai, về vốn đã là không tốt, nhưng mà lãng phí niềm tin xã hội, tôi cho phải hết sức nghiêm túc vì tôi nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng”, ông nói. (Nguồn: website Quốc hội)

Đã có nhiều phân tích về nguyên nhân dẫn đến yếu kém của những TĐ, TCT. Đó là do sự phát triển đã vượt tầm quản lý của Nhà nước, vượt quá cơ sở pháp lý và vượt khả năng điều hành của chính DN, TCT đi lệch hướng so với nhiệm vụ chính, sự lập lờ giữa nghĩa vụ công ích và hiệu quả kinh doanh.

Chúng ta ở trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên các TĐ, TCT đang vừa kinh doanh nhưng phải gánh nhiệm vụ xã hội, làm thị trường còn kiêm cả công ích. Nhưng, hình thành các TĐ kinh tế mạnh là đòi hỏi mang tính khách quan trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia.

Chúng ta cần có những TĐ kinh tế mạnh, song hành cùng với nền kinh tế của đất nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế VN trong giai đoạn hội nhập. Trong khi ở ta hiện nay, ngoài tài sản bị thất thoát quá lớn, sự yếu kém quá mức của các DN nhà nước đang bào mòn niềm tin của xã hội. Đó là vì, đi cùng với những thất thoát khổng lồ tài sản nhà nước, các TĐ, TCT cũng là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tham nhũng phát sinh…

Thực tế cho thấy, chiếm phần lớn trong các sai phạm mà toàn ngành thanh tra đã phát hiện ra, dẫn đầu về số bị can trong một số đường dây tham ô đặc biệt nghiêm trọng trong các năm qua, đều thuộc về những “quả đấm thép” TCT 90, 91. Lãnh đạo của các TĐ, TCT vừa đại diện Nhà nước, vừa được bổ nhiệm, trao toàn quyền để quản lý sử dụng vốn Nhà nước. Quan hệ Nhà nước - giám đốc chỉ dựa trên lòng tin, đạo đức. Cơ chế ấy đã dẫn đến tình trạng rủi ro cao, và tham nhũng ắt xảy ra. Hậu quả là hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Cổ đông Nhà nước, hay chính xác hơn là nhân dân, phải gánh chịu hậu quả này.

Tự do hóa với các đường mở cận biên thị trường là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng của DN ở khắp các nước phát triển. Hợp đồng của chính phủ là mảnh đất phì nhiêu cho tham nhũng sinh sôi và phát triển. Bởi vì, cũng không ai khác là những công ty, DN đặc quyền đặc lợi, thay mặt chính phủ, nhân dân ký kết các hợp đồng quốc tế khổng lồ.

Nếu những DN này yếu kém, không có đạo đức, không được quản lý chặt chẽ tất sẽ dẫn đến hiệu quả kém. Yếu kém đó không chỉ thể hiện qua số tiền thua lỗ, mà còn nhìn thấy được qua những cây cầu xuống cấp nhanh chóng, những tuyến đường bị rút ruột gây tai nạn thường xuyên, những trường học, bệnh viện bị ăn bớt vật liệu, thiết bị; hay đó có thể là những cậu ấm, cô chiêu con ông “tổng” nọ, “cục” kia nghênh ngang mua “siêu xe” triệu đô, tổ chức những đám cưới xa hoa bạc tỷ… Yếu kém đó của những cái tên TĐ, TCT làm tổn hại tài sản, niềm tin xã hội, làm tiêu hao những nguồn lực và khả năng điều hành của chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nhà nước và niềm tin xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO