Đô lên, du lịch Việt Nam bỏ lỡ cơ hội

26/10/2010 06:35

Tiền đồng mất giá so với USD có là cơ hội cho ngành du lịch hút khách nước ngoài? Thực tế không hẳn vậy, bởi Việt Nam có ít hàng hoá, dịch vụ để hấp dẫn khách tăng chi tiêu.

Đô lên, du lịch Việt Nam bỏ lỡ cơ hội

Tiền đồng mất giá so với USD có là cơ hội cho ngành du lịch hút khách nước ngoài? Thực tế không hẳn vậy, bởi Việt Nam có ít hàng hoá, dịch vụ để hấp dẫn khách tăng chi tiêu.

Con người Việt Nam thân thiện là một thế mạnh của du lịch Việt Nam. Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, việc tiền đồng mất giá so với USD thực chất không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của du khách nước ngoài đến Việt Nam. Mà vấn đề cốt lõi chính là “khách nước ngoài đến Việt Nam có gì để chơi, có gì để mua?”

Thuận lợi hơn?

Theo đại diện của một đơn vị lữ hành tại TP.HCM, USD tăng giá trong thời gian gần đây không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của du khách nước ngoài và trước mắt không giúp tăng lượng khách, bởi họ thường đặt tour trước ít nhất sáu tháng hoặc một năm. Anh Nguyễn Văn Thạch, hướng dẫn viên của công ty du lịch Hà Nội – Việt Nam cũng cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam thường theo mùa chứ không theo giá USD. Mùa cao điểm của khách quốc tế vào quãng thời gian từ tháng 10 âm lịch đến tết Nguyên đán.

Về số lượng khách đến là vậy, nhưng liệu USD tăng giá có kích thích du khách tăng chi tiêu khi đến Việt Nam? Theo ông Mỹ, USD tăng giá, các dịch vụ ăn theo đang có chiều hướng tăng giá theo. Ông Mỹ cho biết thêm, hiện giá phòng chưa có rục rịch gì, vì đang là mùa thấp điểm, song nhiều nhà hàng bắt đầu niêm yết giá mới. Do vậy, khách đổi được nhiều tiền Việt hơn, nhưng cũng không mua được nhiều hàng hơn.

Ông Lã Quốc Khánh, phó giám đốc sở Văn hoá, thể thao và du lịch TP.HCM cho biết, cho đến thời điểm này, thành phố đã đón hơn 2,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng cả năm 2009. Dự kiến, đến tháng 12, thành phố sẽ đón vị khách thứ 3 triệu. Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng, kết quả này không phải do tác động của việc USD tăng giá trong thời gian gần đây.

Không có nhiều thứ cho khách tiêu tiền

Với mức tăng trưởng trên 30% trong những tháng đầu năm 2010, du lịch Việt Nam đã được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp đứng thứ tư thế giới về tốc độ tăng trưởng, sau Sri Lanka, Arập Saudi, Israel. Về quy mô, du lịch Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ năm trong khu vực ASEAN với lượng khách quốc tế từ 250.000 lượt vào năm 1990, vươn lên 3,7 triệu lượt vào năm 2009, dự kiến 4,2 triệu lượt vào năm 2010.

Doanh thu từ 1.350 tỉ đồng năm 1990 vươn lên 70.000 tỉ đồng năm 2009, đóng góp 4% vào GDP cả nước.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng ngành du lịch vẫn trong cảnh dịch vụ nghèo nàn, sản phẩm không mới. Bên cạnh đó, một hướng dẫn viên (xin giấu tên) cho biết, tình trạng nâng giá hoặc bắt nhà hàng, điểm mua sắm… chi hoa hồng vẫn là chuyện thường xảy ra. Hậu quả việc này là, có khi dẫn đi ba, bốn địa điểm mua sắm mà khách chẳng chọn được thứ gì để mua. “Đối với khách Trung Quốc, họ sẵn sàng chịu khát để đỡ tốn tiền cho một chai nước, nhưng lại có thể chi 5.000 – 7.000 nhân dân tệ cho một món hàng lưu niệm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có nhiều sản phẩm đặc trưng để họ lựa chọn”, anh Thạch cho biết.

Thực tế này cũng được lãnh đạo của đơn vị lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết thêm, hiện các tour ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của các đoàn khách “sộp” đến từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, đặc biệt là Nga. Có doanh nghiệp đã bị huỷ hàng loạt tour khách Nga trong năm nay chỉ vì Việt Nam không có các điểm mua sắm cao cấp. Không ít đoàn khách châu Âu, Mỹ trước khi đặt tour đến Việt Nam đã yêu cầu ghé Dubai hay Hong Kong để mua sắm…

Theo nhận xét thực tế của anh Nguyễn Văn Thạch, trung bình mười đoàn khách Mỹ thì có bảy đoàn mua sắm tại điểm du lịch với khoảng 200 USD mỗi người. Trong khi đó, thời gian lưu trú trung bình ở một trong những điểm đến thu hút khách nước ngoài hiện nay chính là Phan Thiết (Bình Thuận) vào khoảng hơn 3 ngày/khách. Tuy nhiên, không có nhiều địa phương có con số này.

Cách đây không lâu, một người Pháp mang quốc tịch Việt Nam, từng hết lời quảng bá cho du lịch Việt Nam, nhưng hiện giờ anh không còn làm điều đó nữa. Bởi sau một chuyến xuyên Việt cùng với bạn bè (do anh mời), anh đã bị ê mặt. Những chi tiết như lên núi Yên Tử thì bị cúp điện, bị từ chối biểu diễn nhạc dân tộc vì không đủ khách, hay một ly soda có giá gấp đôi một lon bia Heineken… khiến hành trình xuyên Việt của anh chàng người Pháp bị bể. Sau chuyến đi, anh không bao giờ mời bạn bè về Việt Nam, mặc dù anh có một gia đình ở đây, có một người vợ Việt Nam.

Những câu chuyện trên đây cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Theo thống kê của các địa phương, hầu hết mức chi tiêu trung bình của khách nước ngoài tại Việt Nam chưa tới 100 USD/ngày. Tiền đồng đang rẻ đi so với USD, nhưng với thực trạng trên, khó khuyến khích khách tiêu thêm tiền ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đô lên, du lịch Việt Nam bỏ lỡ cơ hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO