DNNN lỗ 2 năm liền sẽ đổi sở hữu, cho phá sản

26/05/2012 08:35

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết khi quy chế được ban hành, sẽ có cơ chế giám sát đặc biệt với các DNNN làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu mất vốn nhà nước.

DNNN lỗ 2 năm liền sẽ đổi sở hữu, cho phá sản

Trước tình hình các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ dẫn tới hệ quả đổ vỡ như Vinashin, Vinalines, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết khi quy chế được ban hành, sẽ có cơ chế giám sát đặc biệt với các DNNN làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu mất vốn nhà nước.

DNNN sẽ công khai tài chính như công ty đại chúng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

* Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã có các quy định về giám sát tài chính của DNNN, quy chế giám sát với DNNN làm ăn thua lỗ, hoạt động không hiệu quả… Vì sao thời điểm này lại cần có quy chế mới?

- Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Thời gian qua, việc thực hiện các quy định trên có nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, quy chế mới quy định 2 nội dung: giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động.

Đối tượng bao quát cả DN do nhà nước làm chủ sở hữu nắm giữ 100% vốn, DN nhà nước giữ cổ phần chi phối và DN có vốn nhà nước đầu tư. Nghĩa là chúng ta theo nguyên tắc ở đâu có vốn và tài sản nhà nước, ở đó cần có giám sát hiệu quả.

* Vậy mục tiêu lớn nhất của quy chế này là gì?

- Quy chế không chỉ xem xét xếp hạng các DN theo các tiêu chí A, B, C, tính toán phân phối lợi nhuận, cơ chế chính sách chế độ với hội đồng thành viên, ban điều hành DN… mà còn nhằm đánh giá thực trạng DN, xem xét các rủi ro tài chính.

Qua đó có thể đưa ra các cảnh báo từ cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp từ chủ sở hữu và giải pháp của DN để ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo tài chính DN lành mạnh.

Bản thân DN cũng phải có sự tự giám sát. Cơ quan quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực thực hiện giám sát cả hai đối tượng: DN và đại diện chủ sở hữu. Cơ quan quản lý nhà nước có quyền và trách nhiệm công khai số liệu tài chính bằng biện pháp phù hợp.

Chúng ta sẽ thực hiện lộ trình để tổng công ty, tập đoàn nhà nước phải công khai, cáo bạch tài chính tương tự như công ty đại chúng, đảm bảo tài chính minh bạch. Đây là điểm rất mới so với hiện hành.

Giám sát đặc biệt DN thua lỗ

* Một bất cập trong các quy chế trước đây là chế tài xử lý vi phạm không đủ mạnh nên không mang lại hiệu quả quản lý như mong muốn. Vấn đề này có được đặt ra với quy chế mới không?

- Quy chế mới quy định cả chế tài, đồng thời cả điều khoản khen thưởng với DN và đại diện chủ sở hữu, trong trường hợp tốt hoặc không đầy đủ các trách nhiệm theo quy định. Các chế tài với chủ sở hữu và DN được thiết kế theo các hình thức kỷ luật được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, từ khiển trách, cảnh cáo, đến cả miễn nhiệm, cách chức, không chỉ lãnh đạo DN, người quản lý điều hành mà cả đại diện chủ sở hữu.

* Nội dung giám sát trong quy chế mới sẽ tập trung vào những lĩnh vực chính nào?

- Giám sát chủ yếu vào việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN. Quy chế quy định tập trung giám sát: tình hình đầu tư tài sản tại DN, tình hình huy động và sử dụng vốn, tình hình phát hành cổ phiếu, trái phiếu và tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN, cả trong nước và nước ngoài; đầu tư cả tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, hiệu quả đầu tư vốn ngoài DN. Các khoản thu phải trả, các hệ số đánh giá an toàn vốn của DN...

* Được biết quy chế mới có có quy định chế độ giám sát đặc biệt mà trước đây chưa có. Xin Bộ trưởng cho biết thông tin cụ thể về vấn đề này?

- Dự thảo quy định DN có thể bị đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm báo cáo tài chính năm hoặc phát hiện thông qua thanh tra, giám sát có tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh rơi vào một trong các trường hợp sau: kinh doanh thua lỗ, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt mức an toàn theo quy định; có lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc tổng lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; hệ số khả năng thanh toán nợ quá hạn thấp hơn 0,5; báo cáo không đúng sự thật tình hình tài chính của DN, làm sai lệch kết quả, báo cáo kê khai gian dối như lãi thật, lỗ giả.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán giám sát đặc biệt theo luật chuyên ngành. DN thuộc diện giám sát đặc biệt nếu có 2 năm liền kể từ khi có quyết định giám sát đặc biệt không còn lỗ, thực hiện báo cáo đầy đủ thì được đưa ra khỏi danh sách giám sát.

Trong trường hợp 2 năm liền còn thua lỗ, sẽ có giải pháp đặc biệt: cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu, kể cả xem xét áp dụng hình thức phá sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DNNN lỗ 2 năm liền sẽ đổi sở hữu, cho phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO