DN bán lẻ trong nước thua thiệt vì...chính sách?

Nguồn VnEconomy| 22/08/2009 08:38

Chưa đầy một năm sau khi thị trường bán lẻ VN chính thức “mở cửa” cho các DN 100% vốn nước ngoài, những bất tương xứng về phía DN nội đã bộc lộ rõ.

DN bán lẻ trong nước thua thiệt vì...chính sách?

Chưa đầy một năm sau khi thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức “mở cửa” cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, những bất tương xứng về phía doanh nghiệp nội đã bộc lộ rõ.

DAISO, một thương hiệu bán lẻ của Nhật Bản khai trương siêu thị tại một vị trí "vàng" ở Hà Nội.

“Gục ngã” trên sân nhà

Câu chuyện của G7Mart có thể là một ví dụ. Cũng khoảng thời gian này của năm 2006, G7Mart đã khai trương 500 cửa hàng đầu tiên trên cả nước. Cùng với động thái này, một số thông tin từ ban lãnh đạo điều hành doanh nghiệp còn cho hay, đến hết năm 2006, dự kiến sẽ có khoảng 9.500 cửa hàng thành viên G7Mart tiếp tục được khai trương.

Thế nhưng đến thời điểm này, cái tên G7Mart đã gần như không còn đọng lại chút ấn tượng nào đối với người tiêu dùng trong nước. Có nguồn tin cho biết, số lượng các bảng hiệu cửa hàng G7Mart được gỡ về, chất đống trong công ty ngày càng nhiều.

Tự nhận thấy sự “nhẹ cân” của mình trước những nhà khổng lồ bán lẻ nước ngoài, nhưng doanh nghiệp nội cũng có lý do để phàn nàn về những bất bình đẳng trong chính sách và vai trò điều tiết yếu của cơ quan điều hành Nhà nước, đã khiến họ phải thua ngay trên sân nhà.

Trong buổi làm việc của Bộ Công Thương với Hiệp hội các nhà bán lẻ, về việc cấp phép kinh doanh cho Doanh nghiệp FDI chiều 19/8, đại diện của nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đều thống nhất cho rằng có 3 điểm doanh nghiệp bán lẻ FDI chiếm ưu thế hơn hẳn, đó là vị trí đẹp, được ưu đãi hơn về chính sách, và khả năng có thể chịu lỗ.

Chính sách thiếu bình đẳng?

Trong khi địa điểm là yếu tố cạnh tranh số một trong kinh doanh bán lẻ, những “ưu ái” đối với doanh nghiệp ngoại đang làm lệch cán cân bình đằng trong quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.opMart, một doanh nghiệp đứng Top đầu tại thị trường bán lẻ khu vực phía Nam, do địa điểm đẹp, diện tích rộng hơn nên một ngày siêu thị của BigC có doanh thu 7-8 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp của Bà chỉ thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng.

Cũng liên quan đến chuyện mặt bằng bán lẻ, bà Hạnh cho biết, các doanh nghiệp ngoại sẵn sàng phá giá thuê mặt bằng. “Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Wal-Mart hẳng hạn, có thể bỏ khoản tiền lớn để mua một miếng đất rộng, giá cao, phá giá”, bà Hạnh nói.

Cũng đồng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm thương mại Intimex Phạm Ngọc Quý cho rằng về địa điểm, các doanh nghiệp FDI đang chiếm ưu thế hơn hẳn. Và nhiều quan điểm đồng tình với Giám đốc Intimex, tỉnh nào cũng mong muốn có doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào và với nhận thức như vây, doanh nghiệp nội chắc chắn gặp bất bình đẳng.

Với khu vực miền Trung, tình hình cũng không mấy khác biệt hơn hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước kể trên. Một đại diện doanh nghiệp bán lẻ tại Đà Nẵng cho hay, BigC đã đầu tư một khu đất rất đẹp gần khu vực kinh doanh của doanh nghiệp này, khiến cho doanh số tụt giảm hẳn.

“Gần đây, thành phố (Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng - PV) cũng gợi ý chúng tôi nên hợp tác với Pakson. Tức là mong muốn tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào”, ông này nói.

Một điểm bất lợi khác khiến doanh nghiệp nội chịu thua thiệt so với doanh nghiệp nước ngoài, đó là chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp vẫn chưa bình đẳng.

Ông Phạm Ngọc Quý nêu vấn đề, hệ thống siêu thị của Metro được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nhà bán lẻ trong nước thì không. Điều này dẫn đến những lợi thế nhất định trong kinh doanh cho phía doanh nghiệp FDI.

Cũng liên quan đến lợi thế chi phí đầu vào, đại diện Tập đoàn Phú Thái cũng đồng tình rằng ưu tiên cho doanh nghiệp FDI nhiều hơn so với doanh nghiệp trong nước. Vị này cũng thêm rằng “lỗ hổng” trong kiểm soát thuế có thể tạo lợi thế hơn nữa cho khối doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp ngoại có "xấu chơi"?

Có thể việc hạ giá và chịu lỗ được các doanh nghiệp nước ngoài giải thích là “bước đi” nằm trong chiến lược phát triển dài hạn, và rằng về lâu về dài sẽ là lãi. Tuy nhiên, thực tế này đang đẩy phần khó khăn về phía doanh nghiệp bán lẻ trong nước, vốn không mạnh về tiềm lực tài chính.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hạnh cho biết, dự án của doanh nghiệp bán lẻ trong nước chỉ chịu đựng được thời gian lỗ ban đầu từ 3 đến 5 năm, còn đối với các doanh nghiệp nước ngoài lỗ 10 năm họ vẫn đầu tư.

Một đại diện của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA, dẫn chuyện từ thực tế tìm hiểu của doanh nghiệp mình cũng có chung nhận định: “Khi tìm hiểu tại sao khách đến mình ít hơn, chúng tôi thấy một siêu thị do nước ngoài đầu tư có chiến lược đưa giá bán dưới giá vốn, chấp nhận lỗ 10 năm”.

Có mặt trong buổi họp chiều 19/8, nhiều đại diện doanh nghiệp bán lẻ trong nước đều có chung kiến nghị, cần thiết phải có chính sách điều tiết để tạo môi trường kinh doanh bình đằng giữa các thành phần kinh tế.

Tổng Giám đốc Saigon Co.op Mart than thở: “ Nếu không có chính sách phù hợp thì rất khó khăn, vị trí dẫn đầu sẽ không còn là Saigon Co.op Mart mà là những BigC, Metro…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN bán lẻ trong nước thua thiệt vì...chính sách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO