Diễn biến kinh tế, nhìn từ... chỉ số tồn kho

12/07/2010 05:36

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến vào thời điểm 1/6/2010 đã tăng 27,5% so với cùng thời điểm năm 2009, theo Tổng cục Thống kê.

Diễn biến kinh tế, nhìn từ... chỉ số tồn kho

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến vào thời điểm 1/6/2010 đã tăng 27,5% so với cùng thời điểm năm 2009, theo Tổng cục Thống kê.

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ cũng của ngành này 5 tháng đầu năm chỉ tăng 13,5%, dẫn đến những quan điểm chưa mấy lạc quan về sự phục hồi sản xuất công nghiệp.

Liệu đây có phải là biểu hiện nền sản xuất tăng về sản lượng nhưng khó tiêu thụ? Hay tồn kho cao vì để chuẩn bị cho chu kỳ tiêu dùng cuối năm?... VnEconomy đặt câu hỏi với Vụ trưởng Vụ Công nghiệp - Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy.

Đến thời điểm này, tiêu thụ ôtô - xe máy nhìn chung đã chậm hơn, dẫn tới tồn kho tăng cao - Ảnh: Reuters

Ông Thúy nói:

- Tôi phải khẳng định tỷ lệ tồn kho như vậy là không quá cao, đã giảm rất nhiều so với thời kỳ kinh tế suy thoái. Tỷ lệ tồn kho thời điểm này năm 2009 so với cùng thời điểm 2008 tăng 34,8% và thời điểm tồn kho đỉnh điểm của thời kỳ khủng hoảng kinh tế trong năm 2009 đã đạt tới mức tăng 70,5% vào tháng 1/2009.

Sang đến năm nay, tỷ lệ tồn kho có xu hướng giảm dần và ở mức tăng 27,5%, theo tôi, đã là tốt lắm rồi.

Tham chiếu với chỉ số phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (7,64% - PV) và chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng hơn trước, việc chỉ số tồn kho tăng thấp đi khẳng định hai điều.

Một là sản xuất ở trong điều kiện tốt hơn với tỷ lệ tồn kho đã giảm rất nhiều so với lúc khủng hoảng.

Hai là, bước sang năm 2010, càng về cuối năm, kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển hơn, việc làm của người lao động ổn định hơn, thu ngân sách của Nhà nước tốt hơn nên người tiêu dùng có khả năng tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Hơn nữa, hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của Nhà nước, người dân Việt Nam cũng đã có thói quen tiêu thụ hàng Việt Nam ngày một nhiều hơn. Qua đây cũng thấy rằng, chất lượng hàng Việt Nam ngày càng cao hơn…

Ngoài ra, xuất khẩu cũng phục hồi nhanh chóng trong những tháng đầu năm nay. Dù chưa đạt mức kỳ vọng, nhưng đã hỗ trợ nhiều cho tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến trong nước, góp phần làm cho tỷ lệ tồn kho giảm xuống. Tôi cho tỷ lệ như thế này đã gần như là lý tưởng.

Nhưng nếu so với chỉ số tiêu thụ 5 tháng đầu năm tăng 13,5%, rõ ràng mức tăng tồn kho 27,5% là cao hơn nhiều. Ông nghĩ sao về tương quan này?

Theo tôi, khi phân tích nên nhìn vào cả thời kỳ thì mới có thể đánh giá chính xác. Chỉ số tồn kho rất cao ở hầu hết các thời điểm trong thời kỳ khủng hoảng trong năm 2009, có thời điểm tăng trên 70%, mà xuống đến mức như hiện nay thì đã thể hiện một xu hướng phát triển rất tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo rồi, kể cả sản xuất lẫn tiêu thụ.

Tôi dự đoán, khi kinh tế phục hồi hoàn toàn thì chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng thêm một chút nữa, lên khoảng 15% chẳng hạn, chỉ số tồn kho xuống khoảng 15-20% là vừa. Đây cũng là kịch bản của nhiều năm nền kinh tế ở vào tình trạng phát triển bình thường.

Còn chỉ số tồn kho có hơi cao vào thời điểm hiện nay nên hiểu là khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp sẽ kỳ vọng thời gian tới khả năng tiêu thụ ngày càng phục hồi và ổn định hơn, nên đã thực hiện kế hoạch sản xuất nhiều hơn, dự trữ hàng hóa cho tiêu thụ tốt hơn thời gian tới.

Ngoài ra, theo chu kỳ, thường là các tháng đầu năm hầu hết các doanh nghiệp, nhất là khu vực FDI chưa ký được nhiều đơn hàng, chỉ từ các tháng giữa năm trở đi, đơn hàng tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu ngày càng ổn định và nhiều hơn cũng là yếu tố kích thích sản xuất và tồn kho tăng hơn.

Từ tháng 5 trở đi, nhiều doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn sản xuất tối đa công xuất, có thể chưa tiêu thụ nhưng họ đã tập trung năng lực cho sản xuất để tiêu thụ vào những tháng cuối năm. Cho nên, có thể sản xuất tăng nhanh nhưng tiêu thụ chưa đến thời điểm thì tồn kho có thể cao hơn tiêu thụ là bình thường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng còn kỳ vọng vào khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước sẽ tăng lên sau khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy giảm, nên các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ hàng hóa nhiều hơn và kỳ vọng để tiêu thụ nhiều hơn trong thời gian tới. Nếu lúc thị trường có nhu cầu mới bắt đầu sản xuất thì không kịp, nên họ cũng phải có kế hoạch tăng sản xuất và dự trữ hàng hóa từ trước…

Tổng cục Thống kê đã liệt kê một số sản phẩm có tồn kho cao như: xi măng, ôtô - xe máy, rồi thức ăn gia súc, phân bón... Nên hiểu cụ thể hơn thế nào về điều này?

Khi đi vào từng ngành thì cách nhìn nhận có khác vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một là khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa sản xuất với hàng nhập khẩu. Ngoài ra còn phụ thuộc vào chính sách thuế điều tiết của Nhà nước, cụ thể là chính sách thuế xuất, nhập khẩu; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất…

Với ngành xi măng, đúng là sản phẩm này tồn kho khá cao. Điều này nói lên việc định hướng phát triển xi măng cần được xem xét lại. Hiện nay, phát triển xi măng của Việt Nam quá nhanh, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập ngày càng nhiều, trong khi mức độ tiêu thụ có hạn.

Tuy nhiên chất lượng và giá cả tiêu thụ sản phẩm xi măng Việt Nam nhìn chung rất tốt, chiếm lĩnh hầu hết thị trường xây dựng trong nước. Nhưng cũng cần có định hướng phù hợp, không nên cấp phép thành lập mới quá nhiều nhà máy dàn trải ở nhiều địa phương như hiện nay để đảm bảo sản xuất ngành xi măng hiệu quả hơn.

Về thức ăn chăn nuôi, do phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêu thụ nên khi dịch lợn tai xanh xảy ra trên diện rộng đã ảnh hưởng rất lớn. Tiêu thụ giảm khiến không chỉ ngành chăn nuôi khó khăn mà ngay các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng vậy, bán không ai mua thì tồn kho phải tăng.

Theo tôi, chỉ số tồn kho cao ở mặt hàng thức ăn chăn nuôi là do chăn nuôi và tiêu thụ khó khăn ở lợn, gà và thủy sản…, cả tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.

Riêng ôtô - xe máy, đây là ngành biến động lớn, phụ thuộc vào nhiều vào chính sách nội địa hóa, cũng như xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và sản phẩm nguyên chiếc. Đặc biệt là nhập khẩu, chính sách thuế thay đổi rất thường xuyên để tránh nhập tràn lan, hạn chế các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa không cao.

Tuy nhiên, do tỷ lệ linh kiện Việt Nam làm ra rất thấp nên nhập khẩu linh kiện ngành này thời gian vừa qua tăng rất mạnh, sản xuất phục hồi, nên tồn kho cũng có phần cao lên vì thế.

Cũng có nguyên nhân khác là một thời gian trước, các mặt hàng này trở nên khan hiếm, đặc biệt là một số dòng xe hợp thị hiếu, vừa với túi tiền người dân, dẫn tới các nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh sản xuất. Nhưng đến thời điểm này, tiêu thụ ôtô - xe máy nhìn chung đã chậm hơn, dẫn tới tồn kho tăng cao.

Ngoài ra, nhập khẩu xe dễ dàng hơn, tiêu thụ có lợi hơn cũng khiến một số thời điểm trong năm nay lượng xe ôtô nhập khẩu tăng khá cao. Khi mà người tiêu dùng tăng tiêu thụ xe nhập khẩu thì ảnh hưởng đến tiêu thụ xe sản xuất trong nước…

Gần đây, việc chỉ số giá bán của người sản xuất tăng với tốc độ cao hơn chỉ số giá tiêu dùng được giải thích rằng khâu trung gian phân phối sẽ bị giảm lợi nhuận, không khuyến khích họ đẩy mạnh bán hàng, làm tăng tồn kho. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Thực ra, tồn kho có tính chất thời điểm, doanh nghiệp không thể để tồn kho mãi được. Theo tôi, nhà sản xuất chỉ chịu được tồn kho cao trong một thời gian nhất định, nếu báo động đến mức nào đó thì kiểu gì họ cũng phải giải phóng hàng, thu hồi lại vốn. Hơn nữa, trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, thu nhập của người dân bị giảm, họ cắt giảm chi tiêu là chuyện thường tình.

Việc này thường dẫn đến việc hạ giá bán của các nhà sản xuất và phân phối, chính điều này là một trong những nguyên nhân làm giảm chỉ số giá tiêu dùng. Tức là chính người sản xuất cũng bị thiệt chứ không hoàn toàn ở khâu phân phối.

Có thể hiểu thế này, khi mà tình hình còn khó khăn thì cả người sản xuất và người kinh doanh đều phải chịu thiệt cả. Các cơ sở sản xuất với cả một cơ ngơi đầu tư, rồi lao động có tay nghề, mặc dù tiêu thụ khó khăn vẫn phải cố gắng duy trì sản xuất, giữ khách hàng,… Điều này kể cả khâu phân phối cũng vậy, cũng phải duy trì hoạt động kinh doanh hàng hóa, giữ khách hàng, trả lương nhân công... Kinh doanh là như vậy, họ phải duy trì dù lợi nhuận thấp để kỳ vọng bù đắp lại và phát triển sau này.

Nhưng tồn kho cao cũng chỉ tồn tại trong một thời gian, sau đó các doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh để có mối quan hệ phù hợp, an toàn và ổn định tỷ lệ giữa sản xuất - tiêu thụ - tồn kho.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn biến kinh tế, nhìn từ... chỉ số tồn kho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO