![]() |
Hầu như mỗi chiều ông đều đến đó, bãi tắm đẹp ven vịnh Đà Nẵng, không chỉ để tắm biển, thư giãn. Ông đi thanh thản trên cát, tay cầm một bao ni lông to, bên trong là bao ni lông, cá chết, lá chuối, thức ăn thừa, đồ chơi trẻ em… Người đàn ông ấy từng làm Chủ tịch TP Đà Nẵng hồi những năm 1990, sau đó là Trưởng đại diện của Tổng cục Du lịch tại miền Trung.
![]() |
Dọn vệ sinh tại bãi biển Nha Trang |
Người nhặt rác trên bãi biển như ông V. không nhiều. Nhưng sự xuất hiện của ông mỗi chiều, với một bao ni lông rác thu lượm trên bãi biển, đã làm cho những người xung quanh thận trọng hơn với những gì đem theo ra biển. Vịnh Đà Nẵng đang sạch lên nhờ hàng loạt giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh việc cấm mang thức ăn vào bãi tắm, đâu đâu cũng thấy giỏ đựng rác và những tấm biển nhắc nhở gìn giữ môi trường, chính quyền địa phương còn đầu tư xe sàng cát chuyên dụng, lọc rác thải trên các bãi tắm vào mùa hè. Nhưng để có một đại dương sạch, chuyện còn rất dài…
Rác thải đã thành một gánh nặng đối với biển. Ở Cù lao Chàm (Quảng Nam), một hòn đảo với số dân trên 10 nghìn người, có chương trình xây lò hủy rác. Người dân còn có sáng kiến nối những cây tre rồi thả nổi quanh đảo thành hàng rào ngăn rác trôi ra biển. Mới đây các sáng kiến tiếp tục được đưa ra tại Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), nhận được sự ủng hộ của 120 quốc gia về nâng cao chất lượng môi trường biển toàn cầu.
![]() |
Những sáng kiến ấy từng được áp dụng ở Việt Nam như Ban quản lý dự án khu bảo tồn thiên nhiên vịnh Nha Trang trả công cho ngư dân để họ vớt rác thải biển, lặn bắt 60 nghìn con sao gai chuyên tàn phá rặng san hô ở vịnh Hòn Mun (Khánh Hòa). Đà Nẵng qui định cấm bán hàng rong tại các công viên ven biển. Tại các tỉnh miền Trung đã hình thành các con đường du lịch ven biển, di dời cộng đồng dân cư gần 1 triệu người ra xa biển cũng đã giúp người dân bỏ thói quen thải toàn bộ rác xuống biển như nhiều năm trước. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm cho biển nếu nhìn qua kinh nghiệm các nước.
Ở Mỹ, những người bán rong tại các công viên quốc gia phải sử dụng đĩa, cốc đựng thức ăn bằng chất liệu có thể phân hủy sinh học. Trên đảo Hawaii, sáng kiến thưởng tiền mặt cho ngư dân nhặt rác thải đã giúp gom 75 tấn chất thải trong hơn 2 năm. Ở Ireland, việc đánh thuế 0,02 USD cho mỗi túi nilon đã thu về gần 13 triệu USD và giảm 90% mức tiêu thụ túi nilon dùng một lần. Số tiền thu được này đóng góp vào những hoạt động môi trường của quốc gia. Một hiệp hội tư nhân ở Honolulu (Mỹ) đã thu gom được gần 26 tấn lưới và dây câu để sau đó xử lý thành nguồn điện năng sử dụng. Ngư dân Hàn Quốc được trả tiền để thu gom rác thải. Những hình thức khuyến khích đó đã thật sự tác động vào ý thức của cộng đồng về môi trường biển.
Khi đến Cù lao Chàm, du khách được nhận miễn phí từ tay các ngư dân chiếc bao ni lông tự hủy. Khi thấy những cây tre thả quanh đảo để ngăn rác, chắc hẳn họ hiểu người dân nơi đây đã quyết tâm bảo vệ khu dự trữ sinh quyển quý giá này. Và các du khách khác, khi chứng kiến hàng nghìn người cùng ra quân làm vệ sinh bãi biển ở những bãi tắm nổi tiếng như Non Nước, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né…, họ sẽ hiểu: biển không thể là túi chứa rác cho con người!
Ý KIẾN CỦA BẠN